HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 53/NQ-HĐND
|
Đồng
Nai, ngày 10 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 10 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
ĐỒNG NAI KHÓA X, NHIỆM KỲ 2021-2026
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của
Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả
lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa X.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận những nội dung
chất vấn và trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề quan trọng được cử
tri và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm. Các đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh đặt câu hỏi chất vấn rõ cả về nội dung và đối tượng chất vấn. Việc trả lời
chất vấn của người được chất vấn đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn, trách
nhiệm, nhất là những vấn đề còn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước theo chức
năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh ghi nhận các giải pháp,
cam kết của UBND tỉnh, các sở, ngành đã trả lời đối với các nội dung đại biểu
chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành tập
trung chỉ đạo, thực hiện những cam kết, các giải pháp đồng bộ để khắc phục những
tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên
các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ
họp thường kỳ tiếp theo, cụ thể như sau:
1. Về công tác
phòng, chống dịch sốt xuất huyết
1.1. Đánh giá
1.1.1. Thực trạng
Tính đến ngày 04/12/2022, toàn tỉnh
ghi nhận 26.826 ca mắc nhập viện, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (6.883
ca), số ca tăng ở 11/11 huyện thành phố. Trong đó, 19 ca tử vong, tăng 18 ca so
với cùng kỳ năm 2021 (01 ca). Số ổ dịch phát hiện là 3.775, tăng 192% so với
cùng kỳ 2021 (1.292 ổ dịch)/ Tỷ lệ ổ dịch xử lý đạt 99,5%. Ngành Y tế và các địa
phương đã chỉ đạo và triển khai theo dõi sát tình hình dịch, chủ động tham mưu,
đề xuất lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch
sốt xuất huyết trên toàn tỉnh; chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng thực hiện các biện
pháp chuyên môn kỹ thuật về phòng, chống dịch sốt xuất huyết, các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị; sự tham gia phối hợp các
ban, ngành, đoàn thể cùng ngành y tế phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết...
Hiện nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, tỷ lệ ca mắc và tử vong giảm
so với giai đoạn đầu của dịch.
1.1.2. Nguyên nhân
Mặc dù, ngành y tế và các địa phương
đã tích cực phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết nhưng số ca mắc và ca tử vong
năm 2022 vẫn ở mức cao, do những nguyên nhân sau: Trùng với chu kỳ bùng phát dịch
sốt xuất huyết; dịch sốt xuất huyết diễn ra trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa ổn
định; diễn biến thời tiết bất thường, thuận lợi cho sự phát triển côn trùng
truyền bệnh; một số địa phương còn thiếu nhân lực y tế, nhất là y tế dự phòng,
y tế cơ sở; ý thức của một bộ phận người dân trong công tác phòng chống dịch
chưa cao, còn chủ quan; một số địa phương chưa chủ động thực hiện phòng, chống
dịch sớm.
1.2. Giải pháp và trách nhiệm thực
hiện của các cơ quan, đơn vị
Để triển khai thực hiện hiệu quả công
tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới,
đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể
địa phương: Tích cực tham gia, phối hợp cùng ngành y tế
triển khai thực hiện Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) từ
khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa hàng năm.
- Chỉ đạo Sở Y tế:
+ Tiếp tục theo dõi, giám sát tình
hình dịch bệnh nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng để kịp thời xử lý,
tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.
+ Chủ động xây dựng kế hoạch, giải
pháp thực hiện tốt công tác dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh sốt xuất huyết,
giảm tối đa số ca mắc và tử vong hàng năm.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
+ Truyền thông thường xuyên (tập
trung vào thời điểm trước mùa mưa hàng năm) để người dân vệ sinh môi trường sống,
khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, đồ các vật dụng chứa nước, diệt lăng
quăng (bọ gậy),..và tự phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để đến khám và điều trị
kịp thời.
+ Kịp thời bố trí kinh phí đầy đủ cho
công tác phòng, chống dịch tại địa phương nói chung và sốt xuất huyết nói
riêng; trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công
tác phòng, chống dịch.
2. Về thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia
2.1. Đánh giá
2.1.1. Thực trạng
Tỉnh Đồng Nai không thuộc đối tượng
được hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình mục
tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các sở, ngành,
các địa phương, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư công năm
2022 cho các sở, ngành, các địa phương thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn
nông thôn theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về dự toán thu, chi
ngân sách địa phương, phân bổ chi ngân sách tỉnh và bổ sung ngân sách cấp dưới
năm 2022, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn
mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành
Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 22/9/2022 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức
phân bổ nguồn vốn ngân sách thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quy định chuẩn
nghèo đa chiều của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2022-2025.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030: UBND tỉnh chưa ban hành Kế hoạch triển khai; chưa phân bổ ngân sách
địa phương để thực hiện giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và hàng năm; chưa
ban hành cơ chế, chính sách, hướng dẫn tổ chức triển khai chương trình trên địa
bàn tỉnh theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.
2.1.2. Nguyên nhân
Hiện nay tỉnh Đồng Nai chỉ còn 24 xã
thuộc xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng
Chính phủ. Đồng thời một số bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn triển khai Dự
án, Tiểu dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến
năm 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ
nên một số sở, ngành chưa có cơ sở xây dựng kế hoạch và nguồn vốn triển khai thực
hiện.
2.2. Giải pháp và trách nhiệm thực
hiện của các cơ quan, đơn vị
Để triển khai thực hiện tốt các
chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trong thời
gian tới, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội
dung sau:
- Chỉ đạo, phân công trách nhiệm của
từng cấp và các sở, ngành có liên quan: Rà soát các
quy định về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để chủ động tham mưu
việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -
xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư: Chủ trì, phối hợp các sở ban ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến
độ thực hiện giải ngân nguồn vốn đối với các dự án Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch.
- Chỉ đạo Ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp các sở ban ngành, địa phương kịp thời tham mưu trình
cấp có thẩm quyền ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đảm bảo theo quy định.
3. Về hiệu quả hoạt
động của các thiết chế văn hóa
3.1. Đánh giá
3.1.1. Thực trạng
Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và
Du lịch, đến thời điểm hiện nay, 100% các thiết chế văn hóa cấp huyện, xã và
98% Nhà văn hóa ấp, khu phố được đánh giá đạt hiệu quả hoạt động, đạt chỉ tiêu
Nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra. Tuy nhiên, theo đại biểu HĐND tỉnh, qua đánh giá
thực tế cho thấy hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh không đồng
đều; có nơi hoạt động có hiệu quả, tổ chức được các chương trình hoạt động
trong suốt tuần, nhưng cũng có những nơi không duy trì được hoạt động thường
xuyên nên chỉ mới tập trung vào một số hoạt động mang tính thời điểm, trọng điểm.
3.1.2. Nguyên nhân
- Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể
thao và Du lịch: Trong 6 tháng đầu năm, một số thiết chế phải sửa chữa cơ sở vật
chất, trang bị thêm các dụng cụ thể dục, thể thao nên chưa thực hiện đầy đủ các
tiêu chí quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-UBND ngày 05/4/2021 của UBND tỉnh về
ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể
thao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
- Theo đánh giá của đại biểu HĐND tỉnh:
Những thiết chế hoạt động chưa thực sự hiệu quả do địa phương chưa chủ động
trong bố trí tổ chức, con người có khả năng vận hành tốt để tổ chức các hoạt động
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
3.2. Giải pháp và trách nhiệm thực
hiện của các cơ quan, đơn vị
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của
các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Chỉ đạo Sở Văn hóa Thể Thao và
Du lịch, các sở, ngành có liên quan: Tăng cường việc tổ
chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các
thiết chế văn hóa; hướng dẫn việc thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động văn
hóa, thể thao cơ sở; nghiên cứu tham mưu thực hiện thí điểm việc giao các tổ chức,
cá nhân (như Đoàn Thanh viên, Hội Phụ nữ,...) cùng tham gia quản lý, vận hành để
nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa trên địa bàn.
- Chỉ đạo Sở Văn hóa Thể Thao và
Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện:
+ Tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất
lượng, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động, phát triển các loại hình câu lạc
bộ về văn hóa, các hoạt động thể dục thể thao, các loại hình vui chơi giải trí
phù hợp với các đối tượng, tầng lớp Nhân dân ở cơ sở, thu hút đông đảo người dân
tham gia, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân trong xây
dựng đời sống văn hóa cơ sở; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho
Nhân dân.
+ UBND huyện đảm bảo kinh phí hoạt động
cho Trung tâm VHTT- HTCĐ, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố hàng năm. Rà
soát cơ sở vật chất hiện có, kịp thời cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết
bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động
văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ Nhân dân.
+ Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động
doanh nghiệp, cá nhân và Nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng,
sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để duy trì hoạt động của Trung
tâm VHTT-HTCĐ, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, khu phố; khuyến khích cá nhân, tổ
chức đầu tư xây dựng các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí tại các thiết chế
văn hóa, thể thao cơ sở.
+ Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng
đội ngũ cán bộ quản lý; khuyến khích, tạo điều kiện cho huấn luyện viên, cộng
tác viên có trình độ chuyên môn tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ,
thể dục thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh
tra tổ chức hoạt động tại Trung tâm VHTT-HTCĐ, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp,
khu phố để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình
thực hiện; đồng thời, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
4. Về xây dựng
các khu tái định cư để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự
án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
4.1. Đánh giá
4.1.1. Thực trạng
Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các
địa phương, trong giai đoạn 2021- 2025 dự kiến triển khai thực hiện 133 khu tái
định cư với quy mô là 1.424,4 ha, bố trí khoảng 33.379 lô tái định cư. Tuy
nhiên, đến nay các địa phương đã và đang triển khai đầu tư là 58 khu tái định
cư với quy mô 351,2 ha, bố trí khoảng 11.307 lô tái định cư. Riêng các khu tái
định cư phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn chưa triển khai thi công
(chỉ có 01/4 khu tái định cư thuộc địa bàn huyện Long Thành dự kiến khởi công
trong tháng 12 năm 2022).
- Đối với 02 dự án trọng điểm quốc
gia
+ Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ
Chí Minh (đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai): Hiện nay, UBND huyện Nhơn Trạch đang
triển khai 06 Khu tái định cư, 03 khu tái định cư còn lại đang thực hiện công
tác bồi thường, công tác lập quy hoạch chi tiết. Như vậy, tổng số lô tái định
cư của 3 khu tái định cư Phú Đông, Phước An và Phú Hội (2.097 lô) đảm bảo phục
vụ tái định cư cho người dân thuộc dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh
đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (250 lô) và đảm bảo tiến độ thực hiện bồi thường
giải phóng mặt bằng dự án theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
+ Đối với Dự án cao tốc Biên Hòa -
Vũng Tàu: Trên địa bàn huyện Long Thành: Nhu cầu cầu tái định cư cho dự án khoảng
1.043 lô, UBND huyện đang triển khai Khu tái định cư tại xã Long Phước diện
tích 33,93ha, Khu Tái định cư tại xã Long Đức diện tích 29,97ha với tổng số
1.891 lô tái định cư. Như vậy, đảm bảo số lô tái định cư phục vụ bồi thường giải
phóng mặt bằng của dự án. Trên địa bàn thành phố Biên Hòa: nhu cầu bố trí tái định
cư cho dự án khoảng 1.280 lô tái định cư, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Khu tái
định cư tại phường Phước Tân và phường Tam Phước với tổng số 2.420 lô tái định
cư. Như vậy, việc bố trí tái định cư cho dự án cơ bản đảm bảo; tuy nhiên, hiện
nay UBND thành phố Biên Hòa đang lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và
đang xin chủ trương UBND tỉnh là chưa đảm bảo về tiến độ thực hiện theo chỉ đạo
của UBND tỉnh tại Thông báo số 88/TB-UBND ngày 04/3/2022 của UBND tỉnh.
- Đối với việc triển khai các khu
tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án khác trên địa
bàn huyện
Các địa phương đã đầu tư 58 khu tái định
cư và đang lập các thủ tục đầu tư 68 khu tái định cư để phục vụ công tác bồi
thường cho các dự án trên địa bàn và các dự án trọng điểm đi qua địa bàn, trong
đó huyện Định Quán và huyện Thống Nhất đã chủ động triển khai thực hiện lập quy
hoạch, đầu tư các khu tái định cư (huyện Định Quán 25 khu tái định cư, huyện Thống
Nhất 07 khu tái định cư) đảm bảo bố trí tái định cư nhằm phục vụ công tác bồi
thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Ngoài ra, các địa phương còn lại cũng
chủ động lập hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai đầu tư hạ tầng các
khu tái định cư trên cơ sở nhu cầu tái định cư dự kiến đối với các dự án trọng
điểm, dự án quan trọng quốc gia đi qua địa bàn và các dự án khác do UBND cấp
huyện đầu tư.
4.1.2. Nguyên nhân
Việc thực hiện bố trí tái định cư phục
vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trên địa bàn thành phố Biên Hòa còn chậm
do UBND thành phố Biên Hòa còn khó khăn trong việc bố trí quỹ đất thực hiện dự
án tái định cư, đồng thời còn chậm trong công tác chuẩn bị hồ sơ dự án.
4.2. Giải pháp và trách nhiệm thực
hiện của các cơ quan, đơn vị
Để đảm bảo tiến độ công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng của 02 dự án quan trọng quốc gia (đường Vành đai 3; cao tốc
Biên Hòa - Vũng Tàu) theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đề nghị Ủy ban nhân
dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối
hợp các sở; ngành có liên quan: Tiếp tục theo dõi việc
triển khai thực hiện các khu tái định cư của các địa phương để kịp thời tham
mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đảm bảo phục vụ tái định cư và công tác bồi
thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố: Rà soát nhu cầu tái định cư thực tế trên địa bàn để sắp xếp thứ tự ưu
tiên đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dự án thu hồi đất, đồng
thời nghiên cứu việc huy động các nguồn lực khác, trong đó ưu tiên triển khai đầu
tư các khu tái định cư đảm bảo nguồn vốn và tiến độ phục vụ công tác bồi thường,
giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa: Rà soát các khu tái định cư đã đầu tư để nghiên cứu bố trí tái định cư
phục vụ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; tiếp
tục rà soát các khu đất đã phù hợp quy hoạch, thuận lợi trong công tác bồi thường
giải phóng mặt bằng, đảm bảo triển khai nhanh việc lập hồ sơ đầu tư các khu tái
định cư, đảm bảo triển khai trong năm quý II năm 2023 để phục vụ cho dự án; khẩn
trương thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng các khu tái định cư đã đề xuất,
trong đó đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết 1/500, chủ trương đầu tư, dự
án đầu tư.
- Chỉ đạo UBND huyện Nhơn Trạch: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương thực hiện các công
việc tiếp theo nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư hoàn thành
trong năm 2023 để bố trí tái định cư, đảm bảo tiến độ thực hiện công tác bồi
thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chỉ đạo UBND huyện Long Thành: Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để
sớm đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công trong năm 2022 đối với khu tái định cư tại
xã Long Đức và triển khai Khu tái định cư Long Phước trong quý II năm 2023, nhằm
đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng dự án theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính
phủ.
Điều 3. Thời hạn
khắc phục hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn
Thời hạn khắc phục những hạn chế được
xác định tại Nghị quyết này thực hiện trong thời gian 06 tháng đầu năm 2023. Đối
với các nội dung cần có thời gian thực hiện (thuộc các chỉ tiêu, nhiệm vụ của
giai đoạn) thì báo cáo kết quả hàng năm tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân
dân tỉnh.
Điều 4. Tổ chức
thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo
các sở, ngành, địa phương liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình
có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; đồng thời báo cáo kết quả thực
hiện tại kỳ họp giữa năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh và các tổ chức thành viên giám sát, vận động các tổ chức, nhân dân
cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết; phản ánh kịp thời tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân, kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Đồng Nai khóa X Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2022 và
có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội (A + B);
- Văn phòng Chính phủ (A + B);
- Cực Kiểm tra VB.QPPL - Bộ Tư pháp;
- Đ/c Bí thư Tỉnh ủy;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- VKSND, TAND, CTHADS tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, ĐĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND cấp huyện;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai;
- Lưu: VT, P.DNTT.
|
CHỦ TỊCH
Thái Bảo
|