Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2826/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Trần Văn Chiến
Ngày ban hành: 26/08/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2826/KH-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 8 năm 2022

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 20 tháng 9 năm 2019 của UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Đề án “Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh”;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, cụ thể như sau;

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

Cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết các khâu sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; chăn nuôi quy mô lớn, tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng có chọn lọc các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn là giải pháp hữu hiệu, nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Đó cũng là con đường ngắn nhất thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, tạo chuỗi giá trị bền vững, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi.

Tập trung phát triển các chuỗi giá trị của các loại vật nuôi có số lượng lớn, có tiềm năng của tỉnh là heo, bò sữa, bò thịt, gà đẻ trứng, gà thịt và chim yến.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai có hiệu quả đề án "Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành Nông nghiệp" tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị ngành hàng.

- Xây dựng các chuỗi giá trị chăn nuôi của tỉnh nhằm gắn kết chặt chẽ giữa chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản, nâng cao đời sống nông dân; khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội và truyền thống chăn nuôi, thị trường tiêu thụ gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào chuỗi giá trị chăn nuôi.

- Nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi; mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 bình quân 16,3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi so với tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 28,3% vào năm 2025, GRDP đạt 5.593 tỷ đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025, quy mô đàn đạt tối thiểu 550.000 con heo, 20.000 con bò sữa, 105.000 con bò thịt, 10.000.000 con gà (gà thịt: 7.000.000 con, gà trứng: 3.000.000 con), 1.000 nhà yến (sản lượng 6 tấn tổ yến).

(Phụ lục I kèm theo)

a) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi heo

- Mở rộng, nâng cấp 02 chuỗi giá trị đã hình thành:

+ Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 55% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 45%).

+ Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 15% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay là 10%).

- Hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh (hiện nay chưa có).

b) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt

- Mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành:

+ Chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh). Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 50% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 44,6%).

+ Chuỗi thịt bò được giết mổ, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sản phẩm. Mục tiêu đến năm 2025 chiếm 15% sản lượng thịt bò của tỉnh (hiện nay là 7,4%).

c) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa: Đến năm 2025: tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy ngoài địa bàn tỉnh chiếm 50%, tỷ lệ sữa tươi được chế biến tại các nhà máy trong tỉnh chiếm 50% (hiện nay, sữa tươi chưa được chế biến trên địa bàn tỉnh).

d) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt: Mở rộng, nâng cấp các chuỗi giá trị đã hình thành, xây dựng các chuỗi giá trị mới. Mục tiêu đến năm 2025 có 50% gà thịt được giết mổ theo chuỗi tại địa bàn tỉnh (hiện nay là 25%).

đ) Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng: Ổn định các chuỗi giá trị đã hình thành. Mục tiêu đến năm 2025 sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi chiếm 90% sản lượng trứng gà của tỉnh (hiện nay là 88%).

e) Đối với chuỗi giá trị chim yến: Thu hút đầu tư ít nhất là 01 cơ sở chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào năm 2025; nâng tỷ lệ chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là 30% vào năm 2025 (hiện nay chưa có).

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Tổ chức lại các khâu sản xuất từ con giống sạch bệnh, năng suất cao; chuồng trại tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đảm bảo chất lượng và thường xuyên được kiểm soát; phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật; hướng dẫn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến như thịt mát, bảo quản lạnh, pha lóc, đóng gói; nhà máy chế biến sữa; cơ sở tiệt trùng, đóng gói trứng gà; cơ sở chế biến tổ yến đạt chuẩn xuất khẩu; tổ chức chế biến sâu các sản phẩm sau thịt, sữa... thành các dạng sản phẩm như thịt hộp, thịt xông khói, giò, chả, xúc xích, lạp xưởng...., tăng cường thực hiện xúc tiến thương mại, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ sản phẩm để sản phẩm chăn nuôi tham gia vào nhiều loại thị trường.

Phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, liên kết chặt chẽ giữa các khâu của chuỗi: chăn nuôi, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Tập trung giải quyết khâu yếu nhất của chuỗi giá trị chăn nuôi trong thời gian qua là thiếu các doanh nghiệp có năng lực hoạt động trong lĩnh vực giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để làm đầu tàu dẫn dắt toàn bộ hoạt động của chuỗi.

Tăng cường thực hiện liên kết 04 nhà để phát triển chuỗi: nhà nông liên kết chặt chẽ với nhau theo từng nhóm gia trại, trang trại; nhà doanh nghiệp đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất, hỗ trợ và phổ biến kĩ thuật chăm sóc và thị trường tiêu thụ; nhà khoa học cung cấp đầu vào chất lượng cao cho chuỗi với chi phí rẻ; Nhà nước với vai trò định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để 3 nhà còn lại liên kết với nhau, tạo ra các cơ chế hợp lý để giải quyết ổn thỏa những tranh chấp giữa các nhà.

Do thị hiếu của người tiêu dùng trong nước vẫn còn ưa chuộng sản phẩm “thịt nóng”, vì vậy hướng phát triển các chuỗi giá trị trong thời gian tới bao gồm các chuỗi thịt tươi và các chuỗi thịt được bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu, cụ thể như sau:

1. Chuỗi giá trị chăn nuôi heo

a) Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống: Heo từ các trang trại, Hợp tác xã chăn nuôi theo mô hình VIETGAHP hoặc an toàn dịch bệnh được giết mổ tại các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y phân phối đến các quày sạp thịt của các chợ trong tỉnh.

b) Chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn: Chuỗi do các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam; Công ty cổ phần Green Feed Việt Nam....: heo từ các cơ sở chăn nuôi gia công được giết mổ (do công ty hợp đồng với các cơ sở giết mổ và tự thực hiện, không qua thương lái) phân phối đến các siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh, CP Porkshop, Mamma choice (quày sạp thịt của Công ty Cổ phần Green Feed Việt Nam).

c) Chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu: Nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là từ các dự án chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao mà tỉnh đã cho chủ trương trong thời gian qua; đồng thời vận động, thu hút các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến công nghệ cao tại địa bàn tỉnh và tổ chức liên kết, hợp tác thực hiện.

2. Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt

a) Chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh: Nhằm tận dụng lợi thế của tỉnh (hiện là nơi cung cấp thịt trâu, bò lớn nhất cho TP. Hồ Chí Minh). Để hỗ trợ phát triển chuỗi cần tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt, duy trì hoặc nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y các cơ sở giết mổ hiện có và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu thụ sản phẩm.

b) Chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow International: Hiện nay, công ty là một trong rất ít các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất thịt mát (công nghệ mới), sản phẩm thịt được pha lóc, đóng gói, chế biến; tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng Bách hóa xanh trong nước. Để hỗ trợ phát triển chuỗi cần tạo điều kiện thuận lợi để công ty tổ chức chăn nuôi hoặc liên kết với các hợp tác xã, nông hộ thực hiện chuỗi.

c) Tiếp tục thu hút thêm các doanh nghiệp thực hiện chuỗi giá trị chăn nuôi, giết mổ công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc như của Công ty TNHH Pacow International.

3. Chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt

a) Chuỗi thịt gà (giết mổ, pha lóc, bảo quản lạnh, chế biến) của Công ty TNHH Thanh Bảo Hân, nguồn gốc gà được nuôi từ các trang trại chăn nuôi theo mô hình VIETGAHP hoặc an toàn dịch bệnh, giết mổ và chế biến tại công ty, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

b) Chuỗi giá trị chăn nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn - De Heus - Bel gà: Nhà máy ấp trứng gia cầm đi vào hoạt động từ tháng 4/2021, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm; các nội dung sẽ triển khai trong năm 2022: dự án Nhà máy giết mổ Phước Bình, Trảng Bàng (đã thực hiện xong đấu giá quyền sử dụng đất), các dự án nuôi gà giống (đã thực hiện xong đấu giá quyền sử dụng đất) và gà thịt cung cấp nguyên liệu cho cơ sở giết mổ.

c) Chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt công nghệ cao của các doanh nghiệp khác.

4. Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa của các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH, Công ty Cổ phần Agromilk Tây Ninh: Nguồn nguyên liệu sữa tươi từ các hộ, trang trại chăn nuôi liên kết thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; ký kết hợp đồng với các nhà máy chế biến, tiêu thụ sữa được xây dựng trên địa bàn tỉnh.

5. Chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng

a) Chuỗi gà trứng của Công ty TNHH QL Việt Nam, Công ty TS Farm Việt Nam; gà do công ty nuôi, tự chế biến thức ăn; trứng sau khi sản xuất được phân loại, tiệt trùng, đóng gói phân phối đến người tiêu dùng.

b) Chuỗi gà trứng của các doanh nghiệp, công ty khác.

6. Chuỗi giá trị chim yến

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến đạt chuẩn xuất khẩu; phối hợp với Hiệp hội Yến sào Việt Nam và các đơn vị có liên quan cấp mã số định danh cho từng nhà yến, qua đó kiểm soát được nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị ngành hàng mà tỉnh đang có lợi thế.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp cơ chế, chính sách về đất đai

- Rà soát, đồng bộ các quy hoạch theo ngành, theo địa phương để đảm bảo diện tích đất sạch, đất liền ranh, liền thửa để mời gọi đầu tư, sản xuất; tập trung phát triển vùng nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo chuỗi giá trị.

+ Chăn nuôi heo, chăn nuôi bò thịt tại các huyện có lợi thế về đất đai, có nhiều vùng chuyên canh cây trồng cạn tại các huyện Bến Cầu, Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên.

+ Chăn nuôi gà tại huyện Dương Minh Châu (huyện được Cục Thú y công nhận an toàn dịch bệnh) và các huyện có lợi thế về đất đai, có nhiều vùng chuyên canh cây trồng cạn tại các huyện Bến Cầu, Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên.

+ Chăn nuôi bò sữa: Phát triển chăn nuôi bò sữa nông hộ và trang trại tại huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng (có đàn bò sữa nông hộ và trang trại lớn của tỉnh) và mở rộng vùng nuôi sang các huyện giáp ranh như Gò Dầu, Dương Minh Châu để phù hợp với xu hướng đô thị hoá tại các vùng nuôi bò sữa trước đây của thị xã Trảng Bàng; phát triển mới đàn bò sữa gắn với nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm sữa tại các huyện có lợi thế về đất đai như Tân Biên, Tân Châu.

+ Vùng nuôi chim yến tại các địa bàn trong tỉnh, nơi có quần thể chim yến sinh sống; vùng nuôi chim yến nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi, xa khu dân cư, cách khu vực không được phép chăn nuôi và khu dân cư tối thiểu 300m.

- Ưu tiên cho thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung công nghệ cao theo chuỗi giá trị, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến.

2. Chính sách hỗ trợ

- Tiếp tục thực hiện các chính sách theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17/6/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh Tây Ninh về chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025: Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND tỉnh Tây Ninh quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; nhất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ như hỗ trợ tinh và vật tư lai tạo giống bò thịt, bò sữa; thực hiện chính sách khuyến nông xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hỗ trợ nâng cao tay nghề cho các dẫn tinh viên; chính sách phòng chống dịch bệnh; xử lý chất thải trong chăn nuôi.

3. Giải pháp cơ chế mời gọi đầu tư các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi giá trị

- Tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến thịt, chế biến sữa để làm đầu tàu dẫn dắt, điều phối các hoạt động của chuỗi; hỗ trợ ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu, miễn, giảm tiền thuê đất khi xây dựng.

- Các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị chăn nuôi; đầu tư sản xuất giống gốc, giống ông bà (đối với heo và gà), đàn hạt nhân (đối với bò thịt, bò sữa); xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến sâu; cơ sở chế biến trứng gà, cơ sở chế biến tổ yến đạt chứng nhận xuất khẩu được thụ hưởng cơ chế sau:

+ Được xem xét chủ trương đầu tư phát triển chăn nuôi tại các huyện đã gần đạt hoặc đã đạt mật độ chăn nuôi theo quy định (Tân Biên, Châu Thành...) với điều kiện mật độ chăn nuôi bình quân chung của tỉnh không vượt quá 1,5 đơn vị vật nuôi (DVN).

+ Được ưu tiên tiếp cận quỹ đất công của tỉnh, vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh (như quỹ đất tại Công ty Cao su 1/5...).

- Thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành chăn nuôi nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học hoặc cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm tập trung, phát triển chăn nuôi công nghệ cao.

- Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

- Hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến trong việc thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giải quyết tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các bước đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến.

- Thực hiện đồng bộ các biện pháp về cải thiện môi trường đầu tư; đơn giản hóa đến mức tối thiểu các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

- Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh xây dựng quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để triển khai thực hiện có hiệu quả.

4. Giải pháp về kỹ thuật - công nghệ

4.1. Nâng cao năng suất, chất lượng giống gia súc, gia cầm

- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở sản xuất giống, đặc biệt là các loại giống gốc, giống ông bà, đàn hạt nhân; đồng thời tăng cường công tác quản lý giống gia súc, gia cầm nhất là quản lý đàn đực giống.

- Củng cố và mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo hiện có và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo. Tổ chức gieo tinh nhân tạo 24.000 liều tinh bò thịt và 6.400 liều tinh bò sữa cao sản tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố

(Phụ lục II, III kèm theo).

- Bình tuyển, đánh giá, chọn lọc đàn heo, bò có chất lượng tốt trong sản xuất, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống, thực hiện tốt giải pháp đảo đực giống giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.

4.2. Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi

- Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hiện có; kêu gọi đầu tư 02 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng. Định hướng đến năm 2030, tổng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi trên toàn tỉnh đạt 300.000 tấn/năm.

- Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

- Khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã; mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô dầy, lúa chín sáp... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi bò thịt, bò sữa.

- Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò, chuyển diện tích đất ở những nơi phù hợp và diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng bắp, cỏ và thức ăn chăn nuôi.

4.3. Ứng dụng khoa học công nghệ

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Nghiên cứu các công thức lai giống phù hợp cho từng địa bàn sản xuất, phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường bảo đảm có số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng.

- Tăng cường nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học công nghệ; chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ và chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả vào sản xuất.

- Khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và thực hiện các quy chuẩn trong chăn nuôi và chuỗi giá trị: kỹ thuật lựa chọn con giống, truy xuất nguồn gốc, công nghệ thu thập dữ liệu, tự động trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm.

4.4. Công tác khuyến nông; phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường

a) Công tác khuyến nông

- Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vỗ béo bò thịt để các tổ chức, cá nhân tận dụng lợi thế đang là nguồn cung cấp thịt bò tươi chủ yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh.

- Chuyển giao kỹ thuật: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và in tờ rơi, tờ bướm hướng dẫn cho các cơ sở chăn nuôi về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn vật nuôi; tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ (bình quân 04 cuộc/năm); phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh xây dựng chuyên mục phóng sự (01 chuyên mục/năm).

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến các tiến bộ khoa học công nghệ, thông tin sản xuất, thị trường, giá cả phục vụ tái cơ cấu; tăng cường tổ chức các sự kiện khuyến nông nhằm liên kết “bốn nhà” để giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

- Hỗ trợ xây dựng 130 công trình khí sinh học, đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe vật nuôi.

b) Công tác phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường

- Tiếp tục thực hiện các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, tăng cường xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Phát triển công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi và bảo vệ môi trường.

- Kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi đẩy mạnh triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm. Hỗ trợ xây dựng 45 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh nhằm vận động, khuyến khích, hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, giảm thiểu sự xâm nhiễm của mầm bệnh

(Phụ lục IV kèm theo).

- Thực hiện giám sát chủ động lồng ghép trong các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm để đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng lưu trú của mầm bệnh nhằm có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

4.5. Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi

- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

- Vận động, khuyến khích một số cơ sở giết mổ, chế biến hiện có trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị và nâng cấp công nghệ giết mổ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng trang trại chăn nuôi gắn liền với nhà máy chế biến sữa bò công nghệ cao.

- Kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm; nhất là tại thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu; nhà máy chế biến sữa, trọng tâm là thị xã Trảng Bàng và huyện Tân Châu; cơ sở chế biến trứng tại huyện Tân Biên; cơ sở chế biến tổ yến đạt chuẩn xuất khẩu tại thành phố Tây Ninh.

5. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở; chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, thực hành sản xuất tốt; cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng các mối liên kết trong quản lý chuỗi.

- Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các khâu của chuỗi giá trị như sản xuất giống, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Liên kết giữa trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Ninh với các trang trại và chuỗi giá trị chăn nuôi nhằm cung cấp nguồn lực cho hoạt động của chuỗi.

6. Đổi mới tổ chức sản xuất

- Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.

- Liên kết các trang trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt để tận dụng nguồn cung con giống và trao đổi khoa học công nghệ giữa 2 ngành nghề gần nhau để bổ trợ, phát triển duy trì nguồn cung bò đực, bò thịt từ các trang trại bò sữa, làm đầu vào cho các trang trại bò thịt, chuỗi bò thịt.

- Thực hiện các liên kết: nông hộ - doanh nghiệp; hợp tác xã doanh nghiệp; doanh nghiệp doanh nghiệp; thực hiện liên kết 4 nhà trong nông nghiệp: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp trong đó nhà nước là trung gian và tổ chức các liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng.

7. Giải pháp hỗ trợ xuất khẩu

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) hướng đến xuất khẩu theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại.

- Củng cố mạng lưới thú y cơ sở với các cơ chế, chính sách phù hợp cho việc duy trì các hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi ATDB; ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của OIE.

8. Giải pháp kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm

- Kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, xây dựng các quầy thịt sạch, đảm bảo ATTP để thực hiện liên kết trong chuỗi; các mô hình cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở vùng nuôi trọng điểm, tập trung.

- Hỗ trợ thành lập hội, câu lạc bộ ngành hàng, tổ hợp tác và hợp tác xã vừa sản xuất vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

- Hỗ trợ các trang trại chăn nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã tham dự các hội chợ về chăn nuôi, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi ATTP, đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hàng, tham gia các hội; giới thiệu, vận động, thúc đẩy các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm từ chuỗi để sản phẩm có đầu ra ổn định.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Ngân sách tỉnh: Đảm bảo công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền, in ấn tờ rơi; hỗ trợ xây dựng mô hình cơ sở an toàn dịch bệnh; hỗ trợ vật tư gieo tinh nhân tạo, tập huấn, kiểm tra đánh giá xếp loại cơ sở và hướng dẫn, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ.

b) Kinh phí người dân: Chi phí đầu tư ban đầu gồm con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất sát trùng, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phí thẩm định cơ sở ATDB định kỳ,....

c) Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện giai đoạn 2022-2025 là: 26.041, 276 tỷ đồng, trong đó:

a) Kinh phí theo nội dung thực hiện

- Kinh phí xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt, bò sữa: 4151,16 tỷ đồng.

- Kinh phí xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi heo: 11.466,7 tỷ đồng.

- Kinh phí quản lý giống vật nuôi: 0,416 tỷ đồng.

- Kinh phí xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt: 3.758 tỷ đồng.

- Kinh phí xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng: 6.480 tỷ đồng.

- Kinh phí xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi yến: 185 tỷ đồng.

b) Kinh phí theo nguồn vốn đầu tư

- Từ nguồn ngân sách tỉnh: 41,276 tỷ đồng:

+ Sự nghiệp nông nghiệp: 6,276 tỷ đồng.

+ Thực hiện các chính sách nông nghiệp: 35 tỷ đồng.

- Từ nguồn xã hội hóa: 26.000 tỷ đồng (vốn đầu tư của người chăn nuôi).

(Phụ lục V, VI, VII, VIII kèm theo)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì xây dựng, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

- Khảo sát, điều tra, tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh khi cần thiết; tham mưu UBND tỉnh báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát các dự án sản xuất giống nhằm đánh giá khả năng cung cấp giống cho người chăn nuôi trong tỉnh; đánh giá số lượng đầu con vật nuôi để làm căn cứ kêu gọi đầu tư các nhà máy giết mổ, chế biến...nhằm khép kín chuỗi từ khâu đầu vào (vật tư chăn nuôi), chăn nuôi cho đến bàn ăn.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các ngành liên quan, các doanh nghiệp, địa phương xây dựng các kế hoạch và thực hiện các chuỗi giá trị chăn nuôi cụ thể.

- Đẩy nhanh công tác xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh; các trang trại, cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

- Chủ trì phối hợp với các tập đoàn, công ty xây dựng các kế hoạch chuỗi giá trị cụ thể.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định, trong đó có dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn phù hợp với Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND ngày 12/6/2020, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đất đai hiện hành; tham mưu UBND tỉnh Chương trình xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch hàng năm, để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài của tỉnh, trong đó có thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

4. Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên sâu theo nhóm ngành nghề/sản phẩm, từng thị trường trọng điểm hoặc các vấn đề quan trọng khác phục vụ nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề tài, dự án, giải pháp và chính sách thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trước hết là các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, tưới nước, bón phân, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các nông sản, thực phẩm chủ lực của tỉnh.

6. Sở Xây dựng

Hướng dẫn, hỗ trợ, cấp phép cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các công trình phụ trợ (nhà xưởng, nhà sơ chế, ...) phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đất sản xuất nông nghiệp.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương sử dụng đất nông nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt.

Tạo thuận lợi và hỗ trợ về thủ tục đất đai đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt là việc chuyển đổi đất trồng cây hiệu quả thấp (lúa, mía, cao su) sang mục đích chăn nuôi hoặc trồng cây phục vụ chăn nuôi (rau, hoa, bắp, cỏ chăn nuôi); tăng cường quản lý môi trường các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, tập trung để đảm bảo phát triển bền vững.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng chương trình và các chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện chương trình.

9. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh

Kịp thời tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó đặc biệt quan tâm đến cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

10. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tây Ninh

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội khác trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp các hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, quảng bá, tiếp cận thị trường và mở rộng liên kết với các tổ chức kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị hàng hóa.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu tại Kế hoạch này.

- Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp tại địa bàn quản lý.

- Phát hiện, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đề xuất chính sách hỗ trợ để nhân rộng đối với các mô hình hiệu quả.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện Kế hoạch này.

13. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp

- Tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm thực hiện các quy định của Nhà nước và tham gia các đề tài nghiên cứu, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết theo quy định.

- Các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị chủ động xây dựng các Kế hoạch thực hiện cụ thể.

Trên đây là Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025. Trong quá trình triển khai thực hiện, có gặp khó khăn, vướng mắc; đề nghị các đơn vị liên quan kịp thời tổng hợp báo cáo, đề xuất gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Bộ NNPTNT;
- TT: TU; HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMMTQ VN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo, Đài PTTH TN;
- LĐVP; CVK:
- Lưu: VT, VP. UBND tỉnh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Chiến

PHỤ LỤC I

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀN HEO, BÒ THỊT, BÒ SỮA GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

STT

Hạng mục

Đơn vị

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Bò thịt

con

95.936

100.431

105.121

105.500

2

Bò sữa

con

15.799

17.091

18.489

20.000

3

Heo

con

300.000

400.000

500.000

550.000

4

Gà thịt

con

5.600.000

6.000.000

6.500.000

7.000.000

5

Gà trứng

con

2.800.000

2.900.000

2.900.000

3.000.000

6

Nhà yến

nhà

700

800

900

1.000

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH LAI TẠO ĐÀN BÒ THỊT GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: Con

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng cộng

1

Tp. Tây Ninh

120

80

80

80

360

2

Tân Biên

162

162

162

162

648

3

Tân Châu

140

146

146

146

578

4

Dương Minh Châu

371

380

380

380

1.511

5

Châu Thành

390

410

410

410

1.620

6

Hòa Thành

82

82

82

82

328

7

Gò Dầu

245

250

284

284

1.063

8

Bến Cầu

590

590

600

600

2.380

Trảng Bàng

1.300

1.300

1.256

1.256

5.112

9

- Bò sữa

400

400

400

400

1.600

- Bò thịt

900

900

856

856

3.512

Tổng cộng

3.400

3.400

3.400

3.400

13.600

PHỤ LỤC III

KẾ HOẠCH SỬ DỤNG TINH BÒ GIỐNG GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: liều

STT

Loại tinh giống

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng

1

Brahman

1.800

1500

1200

1200

5.700

2

Angus

1.000

1000

1100

1100

4.200

3

BBB

1.700

1900

2000

2000

7.600

4

Charolais

1.300

1400

1500

1500

5.700

5

Tinh bò sữa HF (phối cho 400 bò cái sữa)

1.600

1.600

1.600

1.600

6.400

6

Tinh bò giống khác khi có nhu cầu (Sind, Droughmaster, Yersey...)

200

200

200

200

800

Tổng cộng

7.600

7.600

7.600

7.600

30.400

PHỤ LỤC IV

KẾ HOẠCH HỖ TRỢ XÂY DỰNG CƠ SỞ CHĂN NUÔI HEO AN TOÀN DỊCH BỆNH GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: cơ sở

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Cộng

1

TP Tây Ninh

1

2

1

1

5

2

Hòa Thành

1

2

1

1

5

3

Trảng Bàng

1

2

1

1

5

4

Gò Dầu

1

2

1

1

5

5

Tân Biên

1

2

1

1

5

6

Tân Châu

1

2

1

1

5

7

Dương Minh Châu

1

2

1

1

5

8

Châu Thành

1

2

1

1

5

9

Bến Cầu

1

2

1

1

5

Tổng cộng

9

18

9

9

45


PHỤ LỤC V

CHI TIẾT NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: tỷ đồng

Stt

Nội dung

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng cộng

A

Nguồn ngân sách tỉnh

1,60

16,70

11,55

11,42

41,28

I

Kinh phí sự nghiệp nông nghiệp

1,604

1,699

1,554

1,419

6,276

1

Chuỗi giá trị chăn nuôi heo

0,170

0,230

0,150

0,150

0,700

2

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt

1,155

1,171

1,134

1,004

4,463

3

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa

0,175

0,194

0,166

0,161

0,697

4

Kế hoạch quản lý giống vật nuôi

0,104

0,104

0,104

0,104

0,416

II

Kinh phí đầu tư (thực hiện các chính sách nông nghiệp)

-

15

10

10

35

1

Chuỗi giá trị chăn nuôi heo

-

5

5

-

10

2

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt

5

5

3

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa

5

5

4

Chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt

5

5

5

Chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng

5

5

6

Chuỗi giá trị chăn nuôi yến

5

5

B

Vốn của người chăn nuôi

6.501,00

6.501,00

6.499,00

6.499,00

26.000

1

Chuỗi giá trị chăn nuôi heo

2.864

2.864

2.864

2.864

11.456

2

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt

333,0

333,0

332,5

332,5

1.331

3

Chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa

702

701

701

701

2.805

4

Chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt

938

939

938

938

3.753

5

Chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng

1.619,0

1.619,0

1.618,5

1.618,5

6.475

6

Chuỗi giá trị chăn nuôi yến

45

45

45

45

180

TỔNG CỘNG

6.502,60

6.517,70

6.510,55

6.510,42

26.041,28

PHỤ LỤC VI

DỰ TOÁN KINH PHÍ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHUỖI CHĂN NUÔI HEO THỊT GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: đồng

STT

Hạng mục

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng

Ghi chú

1

Hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

74.088.000

148.176.000

74.088.000

74.088.000

370.440.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Tiền xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh bệnh dịch tả lợn châu phi

28.188.000

56.376.000

28.188.000

28.188.000

140.940.000

Quyết định số 1790/QĐ-TYV6 ngày 30/12/2016 của Chi cục Thú y Vùng VI ban hành Danh mục chi tiết và biểu giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật tại Chi cục Thú y Vùng VI

Tiền xét nghiệm mẫu nước sử dụng

16.200.000

32.400.000

16.200.000

16.200.000

81.000.000

Quyết định số 1767/QĐ-TYV6 ngày 28/12/2016 của Chi cục Thú y Vùng VI ban hành Danh mục chi tiết và mức giá dịch vụ kiểm tra VSTY tại Chi cục Thú y Vùng VI

Chi phí lấy mẫu và vận chuyển mẫu

27.000.000

54.000.000

27.000.000

27.000.000

135.000.000

Thực tế

Chi phí thẩm định

2.700.000

5.400.000

2.700.000

2.700.000

13.500.000

Thông tư số 285/2016/BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y

2

Hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi (10 con/m3)

50.000.000

45.000.000

50.000.000

50.000.000

195.000.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND

3

Hỗ trợ mô hình đệm lót sinh học (01 kg/m2)

10.000.000

10.000.000

10.000.000

10.000.000

40.000.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND

4

Tập huấn, hội thảo

11.600.000

23.200.000

11.600.000

11.600.000

58.000.000

Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 20/6/2018 của UBND tỉnh ban hành mức chi quy định công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

5

Kinh phí điều tra, viết, họp và thông qua chuỗi giá trị chăn nuôi (02 chuỗi giá trị)

20.000.000

20.000.000

Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 04/5/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

6

Kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng liên kết

5.000.000.000

5.000.000.000

10.000.000.000

Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025

7

Chi phí khác (cước phí bưu điện, xăng xe,..)

4.312.000

3.624.000

4.312.000

4.312.000

16.560.000

Thực tế

Tổng cộng

170.000.000

5.230.000.000

5.150.000.000

150.000.000

10.700.000.000

PHỤ LỤC VII

DỰ TOÁN KINH PHÍ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHUỖI CHĂN NUÔI BÒ THỊT, BÒ SỮA GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Đvt: đồng

Stt

Nội dung

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng

Ghi chú

A

CHUỖI GIÁ TRỊ CHĂN NUÔI BÒ THỊT

1.153.584.340

6.170.756.200

1.133.756.200

1.004.036.200

9.462.132.940

I

Xây dựng hệ thống phối giống nhân tạo cho bò

937.100.000

973.600.000

971.100.000

847.100.000

3.728.900.000

1

Hỗ trợ tinh bò thịt (2 liều tinh/con)

639.500.000

640.000.000

637.500.000

637.500.000

2.554.500.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh ban hành Định mức kỹ thuật sử dụng trong các chương trình, dự án khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Brahman

198.000.000

165.000.000

132.000.000

132.000.000

627.000.000

Theo giá thị trường

Angus

90.000.000

90.000.000

99.000.000

99.000.000

378.000.000

Theo giá thị trường

BBB

204.000.000

228.000.000

240.000.000

240.000.000

912.000.000

Theo giá thị trường

Charolais

123.500.000

133.000.000

142.500.000

142.500.000

541.500.000

Theo giá thị trường

Tinh bò giống khác khi có nhu cầu (Sind, Droughmaster, Yersey...)

24.000.000

24.000.000

24.000.000

24.000.000

96.000.000

Theo giá thị trường

2

Hỗ trợ vật tư khác

144.000.000

116.000.000

116.000.000

116.000.000

492.000.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND

- Găng tay: 02 đôi/ bò thịt

18.000.000

18.000.000

18.000.000

18.000.000

72.000.000

Theo giá thị trường

- Dẫn tinh quản (ống gen): 02 cái/ bò thịt

18.000.000

18.000.000

18.000.000

18.000.000

72.000.000

Theo giá thị trường

- Ni tơ lỏng: 02 lít/con đậu thai

60.000.000

80.000.000

80.000.000

80.000.000

300.000.000

Theo giá thị trường

- Bình Ni tơ nhỏ (02 lít)

48.000.000

48.000.000

3

Công kiểm tra, nghiệm thu

153.600.000

93.600.000

93.600.000

93.600.000

434.400.000

- Nghiệm thu cơ sở (20.000 đ/con bò cái đậu thai)

128.000.000

68.000.000

68.000.000

68.000.000

332.000.000

Vận dụng Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020”

- Phúc tra (6 người x 4 đợt x 9 ngày/ 9 huyện/đợt )

21.600.000

21.600.000

21.600.000

21.600.000

86.400.000

Thực tế

- Hỗ trợ theo dõi, nhập số liệu, tổng hợp báo cáo: 100.000 đ/đợt nghiệm thu/huyện X 4 đợt/năm= 400.000 đ/huyện/năm. (09 huyện + 01 Chi cục)

4.000.000

4.000.000

4.000.000

4.000.000

16.000.000

Theo thực tế

4

Đào tạo kỹ thuật viên GTNT

-

124.000.000

124.000.000

-

248.000.000

Theo thực tế

- Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo

114.000.000

114.000.000

-

228.000.000

- Hỗ trợ đưa rước học viên (4 chuyến x 5.000.000đ/chuyến)

10.000.000

10.000.000

-

20.000.000

II

Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi (5.000.000 đ/công trình)

70.000.000

60.000.000

60.000.000

80.000.000

270.000.000

Vận dụng Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017- 2020 và dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của Chính phủ

III

Chi phí điều tra đánh giá tác động của kế hoạch

-

23.980.000

23.980.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 28/11/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quy định nội dung và mức chi các cuộc điều tra thống kê do ngân sách địa phương đảm bảo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

IV

Tuyên truyền

24.931.030

24.931.030

24.931.030

-

74.793.090

Thực hiện phim chuyên mục

24.931.030

24.931.030

24.931.030

74.793.090

Phóng sự chính luận 10 phút (phim chuyên mục)

23.431.030

23.431.030

23.431.030

70.293.090

Công văn 407/PTTH-TCHC ngày 13/7/2021

Chi thù lao người thực hiện thao tác, hướng dẫn kỹ thuật

300.000

300.000

300.000

900.000

Thực tế

Thuê xe đi lại chọn điểm quay

1.200.000

1.200.000

1.200.000

3.600.000

Theo thực tế

V

Hội thảo đầu bờ

23.400.000

37.440.000

23.400.000

84.240.000

Vận dụng theo Quyết định số 53/2015/QĐ-UBND ngày 9/10/2015 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động Khuyến nông thường xuyên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

VI

Hội nghị sơ, tổng kết kế hoạch

6.450.000

6.450.000

6.450.000

6.450.000

25.800.000

Vận dụng theo Quyết định số 53/2015/QĐ-UBND

VII

Chi quản lý hoạt động

71.703.310

68.335.170

47.875.170

46.506.200

234.419.850

Vận dụng theo Quyết định số 53/2015/QĐ-UBND

1

Xăng xe

33.590.400

33.590.400

33.590.400

33.590.400

134.361.600

- Tiền thuê xe đi chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện GTNT tại các huyện, thị xã, thành phố

28.800.000

28.800.000

28.800.000

28.800.000

115.200.000

Theo thực tế

- Hỗ trợ xăng cho cán bộ kỹ thuật của Trạm CN&TY xuống hộ dân hướng dẫn kỹ thuật

4.790.400

4.790.400

4.790.400

4.790.400

19.161.600

Theo thực tế

2

Máy vi tính

12.000.000

12.000.000

24.000.000

Theo thực tế

3

Máy in

8.000.000

8.000.000

16.000.000

Theo thực tế

4

Chi khác (thẩm định giá, thông báo mời thầu, xăng xe, công tác phí tài xế, dịch vụ thuê ngoài...)

18.112.910

14.744.770

14.284.770

12.915.800

60.058.250

Theo thực tế

VIII

Kinh phí điều tra, viết, họp và thông qua chuỗi giá trị chăn nuôi bò thịt (02 chuỗi giá trị)

20.000.000

20.000.000

Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND ngày 04/5/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh Quy định định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

IX

Kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng liên kết

5.000.000.000

5.000.000.000

Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025

B

CHUỖI GIÁ TRỊ CHĂN NUÔI BÒ SỮA

176.415.660

194.243.800

166.243.800

5.160.963.800

5.697.867.060

I

Gieo tinh nhân tạo

103.600.000

93.600.000

93.600.000

93.600.000

384.400.000

1

Hỗ trợ tinh bò sữa

64.000.000

64.000.000

64.000.000

64.000.000

256.000.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND

Tinh bò sữa HF (phối cho 400 bò cái sữa: 4 liều tinh/con)

64.000.000

64.000.000

64.000.000

64.000.000

256.000.000

Theo giá thị trường

2

Hỗ trợ vật tư khác

39.600.000

29.600.000

29.600.000

29.600.000

128.400.000

Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND

- Găng tay: 04 cái/ 01 bò sữa

4.800.000

4.800.000

4.800.000

4.800.000

19.200.000

Theo giá thị trường

- Dẫn tinh quản (ống gen): 04 cái/ 01 bò sữa

4.800.000

4.800.000

4.800.000

4.800.000

19.200.000

Theo giá thị trường

- Ni tơ lỏng: 2 lít/con đậu thai

30.000.000

20.000.000

20.000.000

20.000.000

90.000.000

Theo giá thị trường

II

Hỗ trợ tiêm phòng Tụ huyết trùng cho đàn bò sữa

29.465.000

29.465.000

29.465.000

29.465.000

117.860.000

- Vắc xin tụ huyết trùng trâu bò

27.300.000

27.300.000

27.300.000

27.300.000

109.200.000

Theo giá thị trường

- Chi phí thẩm định giá mua vắc xin

2.000.000

2.000.000

2.000.000

2.000.000

8.000.000

Theo thực tế

- Chi phí đăng báo, chào hàng cạnh tranh

165.000

165.000

165.000

165.000

660.000

Theo thực tế

III

Hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi

30.000.000

50.000.000

30.000.000

30.000.000

140.000.000

Hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học (5.000.000 đồng/ công trình)

30.000.000

50.000.000

30.000.000

30.000.000

140.000.000

Vận dụng Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017 - 2020 và dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển chăn nuôi đến năm 2030 của Chính phủ

IV

Hội thảo đầu bờ

4.680.000

4.680.000

4.680.000

-

14.040.000

Vận dụng theo Quyết định số 53/2015/QĐ-UBND

V

Chi quản lý hoạt động

8.670.660

6.498.800

8.498.800

7.898.800

31.567.060

Thực tế

1

Xăng xe

4.198.800

4.198.800

4.198.800

4.198.800

16.795.200

- Tiền thuê xe đi chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện GTNT tại các huyện, thị xã, thành phố

3.600.000

3.600.000

3.600.000

3.600.000

14.400.000

Theo thực tế

- Hỗ trợ xăng cho cán bộ kỹ thuật của Trạm CN&TY xuống hộ dân hướng dẫn kỹ thuật

598.800

598.800

598.800

598.800

2.395.200

Theo thực tế

2

Chi khác (thẩm định giá, thông báo mời thầu, xăng xe, công tác phí tài xế, dịch vụ thuê ngoài...)

4.471.860

2.300.000

4.300.000

3.700.000

14.771.860

Theo thực tế

VI

Kinh phí điều tra, viết, họp và thông qua chuỗi giá trị chăn nuôi bò sữa

-

10.000.000

10.000.000

Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND

VII

Kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng phục vụ xây dựng liên kết

5.000.000.000

Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND

TỔNG CỘNG

1.330.000.000

6.365.000.000

1.300.000.000

6.165.000.000

15.160.000.000

PHỤ LỤC VIII

DỰ TOÁN KINH PHÍ KẾ HOẠCH QUẢN LÝ GIỐNG VẬT NUÔI GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2022 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Stt

Nội dung

Đvt

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Kinh phí thực hiện 01 năm (đồng)

Kinh phí thực hiện đến 2025 (đồng)

Ghi chú

1

Điều tra, thống kê số lượng hộ, trại sản xuất kinh doanh giống vật nuôi

14.125.000

56.500.000

Cổng thống kê số lượng hộ, trại sản xuất kinh doanh giống vật nuôi (Phụ cấp công tác phí cho 02 CB điều tra là 100.000 đồng/ngày x 2 = 200.000 đồng. Mỗi ngày trung bình 8 hộ/cơ sở; 01 hộ 25.000 đồng).

hộ/cơ sở

300

25.000

7.500.000

30.000.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 28/11/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quy định nội dung và mức chi các cuộc điều tra thống kê do ngân sách địa phương đảm bảo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Photo phiếu điều tra

bộ

300

2.000

600.000

2.400.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND

Chi cho người cung cấp thông tin

phiếu

300

15.000

4.500.000

18.000.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND

Chi nghiệm thu, kiểm tra, làm sạch phiếu điều tra (7%tổng chi phí thuê điều tra)

525.000

2.100.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND

Chi tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả điều tra thống kê

1.000.000

4.000.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND

2

Tuyên truyền

3.600.000

14.400.000

Tuyên truyền trên Đài truyền thanh huyện/TP (02 cuộc/huyện x 09 huyện)

cuộc

18

200.000

3.600.000

14.400.000

giá thực tế

3

Kiểm tra đánh giá chất lượng ngoại hình bò đực giống

22.000.000

88.000.000

3,1

Công điều tra, đánh giá ngoại hình thể chất bò đực giống (Trạm CN&TY, PNN, Trung tâm khuyến nông: Phụ cấp công tác phí 03 cán bộ ở huyện: 03 x 100.000 đ/ngày = 300.000 đ. Dự kiến 01 ngày đánh giá 06 bò đực giống. Tiền công đánh giá 01 bò đực giống: 300.000 đ / 6 đực giống = 50.000 đ/con)

con

400

50.000

20.000.000

80.000.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND

3,2

Phụ cấp nhập số liệu, tổng hợp, báo cáo từ phiếu điều tra (9 trạm x 1 người/trạm + 01 người/VP chi cục)

công

10

200.000

2.000.000

8.000.000

4

Phân loại, đeo thẻ tai, thống kê theo thẻ tai bò đực giống

9.600.000

38.400.000

Công thực hiện bấm thẻ tai bò (Phụ cấp công tác phí 02 cán bộ tổ CT huyện: 02 x 100.000 đ/ngày = 200.000 đ. Dự kiến 01 ngày bấm thẻ tai 6 bò đực giống. Tiền công đánh giá 01 bò đực giống: 200.000đ/ngày/ 6 đực giống = 30.000 đ/con)

con

320

30.000

9.600.000

38.400.000

Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ;

5

Phúc tra kết quả bình tuyển ngoại hình bò đực giống

9.215.550

36.862.200

5.1

Công nghiệm thu phúc tra (5 người x 9 ngày x 100.000 đ/ngày)

ngày

45

100.000

4.500.000

18.000.000

Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 20/6/2018 của UBND tỉnh ban hành mức chi quy định công tác phí, chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

5.2

Hỗ trợ xăng cho 02 cán bộ tỉnh nghiệm thu phúc tra: 6 lít/người/ngày x 2 người x 9 huyện/TP = 108 lít

lít

108

24.950

2.694.600

10.778.400

02 người chi cục

5.3

Hỗ trợ xăng cho cán bộ huyện nghiệm thu phúc tra: 3 lít/người/ngày x 3 cán bộ huyện x 9 huyện/TP = 81 lít

lít

81

24.950

2.020.950

8.083.800

6

Mua dụng cụ

15.670.000

62.680.000

6,1

Mua dụng cụ phục vụ công tác bấm thẻ tai

15.500.000

62.000.000

giá thực tế

Kìm bấm thẻ tai

cái

7

1.100.000

7.700.000

30.800.000

Thông tư số 58/2016/TT-BTC và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg

Thẻ tai bò

cái

200

30.000

6.000.000

24.000.000

Bút viết thẻ tai

cái

9

200.000

1.800.000

7.200.000

6,2

Mua dụng cụ phục vụ kiểm tra tinh heo

170.000

680.000

Ca nhựa có vạch thể tích (1,5 lít)

cái

1

20.000

20.000

80.000

Quặng nhựa để lọc tinh

cái

1

10.000

10.000

40.000

Găng tay y tế

hộp

1

100.000

100.000

400.000

Khẩu trang y tế

hộp

1

40.000

40.000

160.000

7

Kiểm tra cơ sở sản xuất và kinh doanh giống vật nuôi

25.490.000

101.960.000

Đoàn chi cục đi kiểm tra (kiểm tra 36 cơ sở)

25.490.000

101.960.000

Tiền hỗ trợ công tác cho Đoàn kiểm tra Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra cơ sở (đoàn 5 người x 9 ngày: Trung bình kiểm tra 3 cơ sở/ngày)

ngày

45

100.000

4.500.000

18.000.000

Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND

Tiền thuê xe

chuyến

9

1.200.000

10.800.000

43.200.000

giá thực tế

Photo biên bản kiểm tra

bộ

100

2.000

200.000

800.000

giá thực tế

Mua mẫu tinh heo đực giống

mẫu

150

50.000

7.500.000

30.000.000

giá thực tế

Công kiểm tra, đánh giá chất lượng tinh dịch

công

18

100.000

1.800.000

7.200.000

Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND

Photo biên bản kiểm tra

bộ

230

3.000

690.000

2.760.000

giá thực tế

8

Chi khác (dự phòng mua dụng cụ, tinh heo khi giá thay đổi,..)

4.299.450

17.197.800

Tổng cộng

104.000.000

416.000.000

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2826/KH-UBND ngày 26/08/2022 phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


149

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.235.141
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!