Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 05/ĐA-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Trần Việt Trường
Ngày ban hành: 11/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/ĐA-UBND

Cần Thơ, ngày 11 tháng 6 năm 2024

ĐỀ ÁN

SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã;

Căn cứ Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

Căn cứ Công văn số 6676/BNV-CQDP ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Bộ Nội vụ về việc Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, như sau:

Phần I

CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

I. CĂN CỨ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

2. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14.

4. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022.

6. Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022.

7. Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

8. Căn cứ Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

9. Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

10. Phương án số QL/PA-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2024 của UBND thành phố Cần Thơ về tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; Công văn số 2386-CV/BTCTU ngày 03 tháng 01 năm 2024 của Ban Tổ chức Thành ủy về Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ.

11. Công văn số 6676/BNV-CQĐP ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Bộ Nội vụ về việc Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023 - 2025; Công văn số 4352/BQP-TM ngày 10 tháng 11 năm 2023 của Bộ Quốc phòng về việc tham gia ý kiến Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ; Công văn số 4263/BCA-ANCTNB ngày 22 tháng 11 năm 2023 của Bộ Công an về việc tham gia ý kiến Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 13501/BTC-NSNN ngày 06 tháng 12 năm 2023 của Bộ Tài chính về Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ; Công văn số 5636/BXD-PTĐT ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Bộ Xây dựng về việc ý kiến đối với Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ.

II. SỰ CẦN THIẾT SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. Thành phố Cần Thơ được thành lập ngày 01 tháng 01 năm 2004 và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào ngày 24 tháng 6 năm 2009. Thành phố Cần Thơ nằm ở vùng hạ lưu của sông Mê Kông và ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phía Bắc giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; có tổng diện tích tự nhiên[1]: 1440,40 (km2) và quy mô dân số[2]: 1.452.993 (người). Trong đó: dân số thực tế thường trú có 1.368.474 người, dân số tạm trú quy đổi có 84.519 người.

2. Theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã xác định: xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng Cần Thơ mà còn là nhiệm vụ của cả vùng ĐBSCL và cả nước, trong đó xác định nguồn lực nội tại của Cần Thơ là chủ lực, nguồn lực Trung ương có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nhanh sự phát triển của Cần Thơ.

3. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng thành phố Cần Thơ cơ bản trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại, ngoài các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng, vấn đề sắp xếp, ổn định lâu dài hệ thống ĐVHC các cấp của thành phố được đặt ra là một nhiệm vụ cấp bách và có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, thực hiện quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình, các nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết 595/NQ-UBTVQH15 , Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đối với chính quyền địa phương từng bước thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các ĐVHC các cấp ở những nơi có điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.

4. Thành phố Cần Thơ hiện có 09 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, gồm 05 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và 04 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền; có 83 ĐVHC cấp xã (42 phường, 36 xã, 5 thị trấn). Đối chiếu thực trạng các ĐVHC trên địa bàn thành phố với các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022; căn cứ quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và các số liệu diện tích tự nhiên và quy mô dân số tính đến 31 tháng 12 năm 2022, thành phố Cần Thơ có 04 phường[3] thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định.

5. Để thực hiện chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước, UBND thành phố Cần Thơ xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 có ý nghĩa vô cùng cấp thiết cả về mặt lý luận, chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC cấp xã của thành phố phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của cả nước; đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, giảm chi ngân sách; dân số và diện tích của ĐVHC phù hợp với quy định; phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.

Phần II

HIỆN TRẠNG CÁC ĐVHC CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, NHẬP, CHIA, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐVHC CÁC CẤP CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

1. Khái quát quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC các cấp và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của thành phố Cần Thơ[4] từ năm 1945 đến nay

a) Giai đoạn 1945 - 1975:

- Theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là Cần Thơ, về mặt hành chánh thuộc xã Tân An, quận Châu Thành;

- Ngày 07 tháng 6 năm 1971, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 585-NĐ/NV thành lập tại thị xã Cần Thơ 02 quận lấy tên là quận 1 (quận Nhất) và quận 2 (quận Nhì). Địa phận của 2 quận này được phân chia thành 8 khu phố trực thuộc như sau: Quận Nhất gồm năm khu phố (An Lạc, An Cư, An Nghiệp, An Hòa, An Thới) và Quận Nhì gồm ba khu phố (Hưng Lợi, Hưng Phú, Hưng Thạnh). Ngày 22 tháng 8 năm 1972, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 553/BNV/HCĐP/NĐ đổi các danh xưng "khu phố" của thị xã thành "phường".

b) Giai đoạn 1975 - 1997:

- Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 hợp nhất ba ĐVHC cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Hậu Giang;

- Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 1992. Tỉnh Cần Thơ có 07 ĐVHC gồm: thành phố Cần Thơ và 06 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thanh. Ngày 21 tháng 04 năm 1998, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị trấn Cờ Đỏ và các xã Đông Bình, Đông Hiệp thuộc huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.

c) Giai đoạn 1997 - 2018:

- Ngày 01 tháng 07 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/1999/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Vị Thanh, đổi tên huyện Vị Thanh thành huyện Vị Thủy và thành lập các phường, xã, thị trấn thuộc thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy, tỉnh Cần Thơ. Ngày 24 tháng 08 năm 1999, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập các xã thuộc các huyện Thốt Nốt và Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ;

- Ngày 04 tháng 08 năm 2000, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập thị trấn thuộc các huyện Thốt Nốt, Ô Môn và Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Ngày 06 tháng 11 năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để thành lập huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành. Ngày 10 tháng 07 năm 2001, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành và Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ;

- Ngày 19 tháng 04 năm 2002, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã thuộc các huyện Ô Môn, Phụng Hiệp và Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Ngày 12 tháng 05 năm 2003, Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành A, Ô Môn, Phụng Hiệp và thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ. Từ đó cho đến tháng 11 năm 2003, tỉnh Cần Thơ gồm 09 ĐVHC trực thuộc gồm: Thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Ô Môn, huyện Thốt Nốt;

- Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên là 138.959,99 ha và dân số hiện tại là 1.112.121 người, bao gồm: diện tích và số dân của thành phố Cần Thơ cũ; huyện Ô Môn; huyện Thốt Nốt; một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 người của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn Ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh;

- Đến ngày 02 tháng 01 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2004/NĐ-CP về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các ĐVHC trực thuộc có 138.959,99 ha diện tích tự nhiên và 1.112.121 nhân khẩu; gồm 08 ĐVHC cấp huyện, gồm 04 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn và 04 huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt; có 67 ĐVHC phường, xã, thị trấn, gồm: 30 phường, 33 xã và 04 thị trấn;

- Ngày 16 tháng 01 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 11/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập phường, thị trấn thuộc các quận Ninh Kiều, Ô Môn và các huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Ngày 06 tháng 11 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 162/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập xã, phường thuộc quận Bình Thủy, Ô Môn, huyện Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ;

- Ngày 23 tháng 12 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành lập quận Thốt Nốt và các phường trực thuộc; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cờ Đỏ để thành lập huyện Thới Lai thuộc thành phố Cần Thơ. Sau khi thành lập các quận, huyện mới, thành phố Cần Thơ có 140.161,60 ha diện tích tự nhiên và 1.147.067 nhân khẩu, có 09 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, bao gồm các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh;

- Ngày 24 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

d) Giai đoạn 2019 đến nay:

- Giai đoạn từ năm 2019 - 2021: ngày 11 tháng 02 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 893/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Cần Thơ. Theo đó, thành phố Cần Thơ có 09 ĐVHC cấp huyện, gồm 05 quận và 04 huyện; 83 ĐVHC cấp xã, gồm 36 xã, 42 phường và 05 thị trấn.

- Giai đoạn từ năm 2021 đến nay: vẫn giữ nguyên.

2. Số lượng ĐVHC các cấp đến thời điểm lập Đề án

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 09 ĐVHC cấp huyện, gồm 05 quận và 04 huyện; 83 ĐVHC cấp xã, gồm 36 xã, 42 phường và 05 thị trấn.

II. ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CÁC CẤP CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

I. Thành phố Cần Thơ

a) Diện tích tự nhiên[5]: 1440,40 (km2);

b) Quy mô dân số[6]: 1.452.993 (người). Trong đó: dân số thực tế thường trú có 1.368.474 người, dân số tạm trú quy đổi có 84.519 người;

c) Các chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố Cần Thơ năm 2022[7]:

- Về lĩnh vực kinh tế:

+ Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt theo Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời hỗ trợ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể khôi phục sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng đạt mức tăng cao 12,64% so năm 2021. Trong đó, các khu vực đều tăng so cùng kỳ: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,49%; công nghiệp và xây dựng tăng 18,18%; dịch vụ tăng 13,19%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,37%. Về cơ cấu kinh tế năm 2022: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,65%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,03%; khu vực dịch vụ chiếm 52,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,85%;

+ Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 26,84% so năm 2021; trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 28,5%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,55%, cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 6,83%; Đảm bảo nguồn điện đáp ứng nhu cầu năng lượng và an toàn cho sản xuất, sinh hoạt; sản lượng điện thương phẩm ước thực hiện 2.682,4 triệu kWh, tăng 6,77%; điện năng tiết kiệm 62,39 triệu kWh, tăng 1,98% so năm 2021;

+ Thương mại - dịch vụ:

. Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; các chợ đã hoạt động trở lại góp phần nâng cao giá trị thương mại và lưu chuyển hàng hóa trở nên sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 115.331 tỷ đồng, tăng 30,34% so năm 2021;

. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 2.285,7 triệu USD, vượt 13,15% kế hoạch, tăng 26,5% so với năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.756,5 triệu USD, vượt 14,06% kế hoạch, tăng 24,93%; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực 529,2 triệu USD, vượt 10,25% kế hoạch, tăng 32%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước thực hiện 564,5 triệu USD, vượt 12,91% kế hoạch, tăng 16,4% so với năm 2021;

. Du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đợt dịch, tổng lượt khách đến thành phố hơn 5,1 triệu lượt, vượt 28% kế hoạch, gấp 1,4 lần so năm 2021. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt khách, vượt 25% kế hoạch, gấp 1,8 lần. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.117 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch, gấp 2 lần so năm 2021;

. Hoạt động vận tải dần được phục hồi, các công ty vận tải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh để khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải trong nước. Ước năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát thực hiện 3.334,65 tỷ đồng, tăng 47,26% so năm 2021.

+ Nông nghiệp:

. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực[8]. Chuyển dịch cơ cấu rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng gia tăng năng suất và chất lượng; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, có nhãn hiệu theo quy hoạch[9]. Phát triển vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng, xây dựng mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái[10]. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố, xây dựng và đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử[11];

. Tổng diện tích lúa xuống giống 216.384 ha[12], vượt 4,7% kế hoạch, giảm 2,69% so năm 2021; sản lượng thu hoạch ước đạt 1.366.593 tấn[13], vượt 10% kế hoạch, giảm 3%. Diện tích cây hàng năm khác gieo trồng 17.346 ha, vượt 11% kế hoạch, tương đương năm trước, sản lượng thu hoạch 205.030 tấn, vượt 20% kế hoạch, tương đương năm 2021. Diện tích cây ăn trái 24.589 ha, vượt 1% kế hoạch, tăng 5%, sản lượng 194.507 tấn, vượt 17% kế hoạch, tăng 16%;

. Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, theo quy trình VietGAHP[14]; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản; tổng đàn gia súc (trâu, bò, heo) 141.873 con, vượt 5% kế hoạch, tăng 13%; tổng đàn gia cầm 2,4 triệu con, vượt 20% kế hoạch, tăng 7%; tổng sản lượng thịt hơi các loại 38.000 tấn, vượt 7% kế hoạch, tăng 7%; trứng gia cầm 94,4 triệu quả, vượt 2% kế hoạch, tăng 6% so năm 2021. Quy hoạch vùng nuôi, trồng thủy sản, chú trọng phát triển nuôi các đối tượng chủ lực; diện tích nuôi thủy sản 9.130 ha[15], vượt 7% kế hoạch, tăng 4%, tổng sản lượng thủy sản 235.737 tấn, vượt 6% kế hoạch, tăng 8% (trong đó sản lượng nuôi thủy sản thu hoạch 228.483 tấn, vượt 6% kế hoạch, tăng 8%; sản lượng khai thác 7.254 tấn).

+ Khoa học và Công nghệ (KH&CN): đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ KH&CN năm 2022[16], chú trọng các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến..., nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng và giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Hướng dẫn xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho 112 trường hợp, 334 văn bản bảo hộ được cấp mới. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, tham gia ươm tạo công nghệ; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030[17]. Năng lực kỹ thuật về kiểm định đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa hiện đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đo lường pháp quyền, phục vụ sản xuất kinh doanh[18]. Duy trì và phát triển Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trở thành nơi cung cấp, chia sẻ thông tin công nghệ, thiết bị sẵn sàng chuyển giao uy tín, chất lượng[19], phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL.

- Về lĩnh vực văn hóa - xã hội:

+ Giáo dục và Đào tạo: Tập trung thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và viên chức quản lý giáo dục các cấp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo[20]. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo[21]. Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học; đầu tư, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, Chương trình giáo dục phổ thông[22]. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các lớp học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với học nghề hoặc trung cấp nhằm phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh định hướng và chọn đúng ngành nghề theo năng lực. Năm 2022, công nhận mới 09 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 02 trường so với kế hoạch, lũy kế số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 338/447 trường[23], đạt tỷ lệ 75,62%;

+ Y tế: thành phố Cần Thơ đang tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hiện tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, số trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng... tăng so cùng kỳ[24]. Công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục triển khai hiệu quả[25]; lũy tích số người nhiễm HIV phát hiện 7.173 trường hợp; trong đó, tử vong 2.690 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.564 trường hợp;

. Dịch COVID-19 từ đầu năm đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, ghi nhận 8.590 trường hợp nhiễm mới, có 375 ca tử vong. Công tác tiêm chủng phòng COVID-19 được quan tâm, thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, đảm bảo tiến độ. Đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, có 3.562.553 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm cho người dân (đạt 104,2% số liều được phân bổ), 100% người dân từ 12 tuổi trở lên đã hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lần 1 (mũi 3) đạt 74,8%; mũi 4 đạt 82,8%; tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi tiêm mũi 3 đạt 72,8%. Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 100% và tiêm mũi 2 đạt 94,1%;

. Các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tiếp tục triển khai áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đặt lịch khám trực tuyến nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Duy trì thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình[26]; thực hiện kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám chữa bệnh, 100% xã phường thị trấn có cán bộ y học cổ truyền. Tiếp tục tăng cường năng lực trạm y tế cơ sở, đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Hiện nay, 100% các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo xử lý chất thải y tế theo quy định. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%;

. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành y tế; thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai chuyển đổi số ngành y tế; ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành y tế và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Y tế thông minh, trọng tâm là Y tế cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030” thành phố Cần Thơ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý an toàn, hiệu quả trong các bệnh viện. Tổ chức đấu thầu mua thuốc và hóa chất - vật tư năm 2022 phục vụ điều trị của các cơ sở y tế thành phố. Tổng số nhân lực của ngành y tế là 5.928 người, từ đầu năm đến nay, tổng viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Sở Y tế nghỉ việc là 231 người[27]; tổng số nhân viên tuyển dụng mới là 66 người[28].

+ Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai thực hiện Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức ngày hội Tư vấn - Hướng nghiệp - Tuyển sinh năm 2022; các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022; duy trì các hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố. Năm 2022, giải quyết việc làm cho 55.972 người, vượt 11,05% kế hoạch, tăng 20,30% so năm 2021. Thành phố có 71 cơ sở giáo dục nghề nghiệp[29], tuyển mới và đào tạo nghề cho 47.911 người, vượt 6,4% kế hoạch, tăng 19,42%. Tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022, kết quả đạt 03 giải Ba và 07 giải Khuyến khích. Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 100%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 100%, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,5%;

. Thực hiện tốt công tác chăm lo người có công với cách mạng, hàng tháng có trên 5.000 người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với kinh phí trên 10 tỷ đồng, 100% người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; đã vận động xã hội hóa để có thêm nguồn lực chăm lo, chăm sóc Người có công với tổng kinh phí 3,178 tỷ đồng; tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Trợ cấp thường xuyên cho 325.432 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng, đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp xã hội đúng và đủ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi, tổ chức đoàn thăm chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi;

. Triển khai các dự án, chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, đã giải ngân 826 hộ vay số tiền 28,859 tỷ đồng[30]; cấp 4.837 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn và người đang sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn kinh phí 0,963 tỷ đồng, đạt 100% đối tượng; hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 28.974 người cận nghèo với số tiền 5,742 tỷ đồng, đạt 100% so với số người cận nghèo cần hỗ trợ; hỗ trợ xây dựng 487 căn nhà đại đoàn kết hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, kinh phí 29,22 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa, góp phần giảm 884 hộ nghèo, tương đương mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,24%, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,56%. Tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; tổ chức Tọa đàm, hội thi truyền thông bình đẳng giới; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố;

. Kết quả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: (1) Về thực hiện 12 nhóm chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: Từ khi triển khai thực hiện đến tháng 9 năm 2022, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 3.946 người sử dụng lao động, 716.798 lượt người, kinh phí trên 1.354 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ cho 3.946 người sử dụng lao động, 706.084 lượt người với tổng kinh phí trên 1.337 tỷ đồng, đạt 98,51% so với số lượng được duyệt; (2) Thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Có 08/09 quận, huyện nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (huyện Cờ Đỏ không có hồ sơ đề nghị hỗ trợ); đến ngày 13 tháng 9 năm 2022, thành phố đã phê duyệt 1.662 lượt doanh nghiệp hỗ trợ cho 59.869 lượt người lao động với kinh phí 31.377,5 triệu đồng; các quận, huyện đã hoàn thành chuyển 100% kinh phí cho doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động.

+ Văn hóa - Thể dục và Thể thao: tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao du lịch kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đất nước và thành phố[31]. Quan tâm công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa[32]. Ban hành và triển khai Quy chế đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố; chọn tên bổ sung vào ngân hàng tên đường và công trình công cộng thành phố. Hệ thống thư viện công cộng thành phố bổ sung 29.964 bản sách, vượt 3% kế hoạch, phục vụ gần 3,1 triệu lượt người, vượt 4% kế hoạch.

Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ lần thứ IX năm 2022. Tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” kết hợp tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân trên địa bàn thành phố. Năm 2022, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên 429.396 người, đạt 100% kế hoạch; 96.657 hộ gia đình thể thao, vượt 2,2% kế hoạch, 1.350 câu lạc bộ Thể dục thể thao, đạt 100% kế hoạch. Đăng cai, tổ chức các giải thể thao quốc gia và cấp thành phố[33]. Cử 192 HLV, 868 lượt vận động viên tham dự 74 giải thể thao quốc gia, ước năm 2022, kết quả đạt 496 huy chương các loại, có 424 huy chương giải thể thao thành tích cao: 135 Huy chương Vàng - 126 Huy chương Bạc - 163 Huy chương Đồng (trong đó đạt 06 Huy chương Vàng - 03 Huy chương Bạc - 02 Huy chương Đồng tại SEAGames 31; đạt 03 Huy chương Vàng - 01 Huy chương Bạc - 03 Huy chương Đồng tại Giải vô địch Taekwondo vô địch Đông Nam Á).

+ Thông tin và Truyền thông: triển khai hiệu quả hạ tầng, hệ thống nền tảng, dữ liệu và phát triển các dịch vụ cơ bản đảm bảo an toàn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền số[34]. Tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Cần Thơ phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố trên 08 lĩnh vực. Trung tâm Điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng tiếp tục vận hành, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin dùng chung thành phố, không có xảy ra sự cố nghiêm trọng. Ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2022 về tổ chức thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Cần Thơ, Quyết định phê duyệt danh mục ngành, nghề ưu tiên đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2022 về phát triển doanh nghiệp công; nghệ số thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt, an toàn. Tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời cho các báo chí Trung ương, địa phương để kịp thời tuyên truyền, truyền tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo Trung ương, thành phố, thông tin đến người dân được biết;

+ Công tác dân tộc - tôn giáo: công tác dân tộc luôn được chú trọng, thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai, quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của các tôn giáo; tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định. Tiếp đón và tham gia cùng với các đoàn Trung ương đến thăm và chúc mừng các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc... nhân dịp lễ, tết, lễ trọng của tôn giáo. Các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trên địa bàn huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo với tổng số tiền hơn 59 tỷ đồng; duy trì hoạt động 15 bếp ăn từ thiện của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc nam của các Hội quán của Tịnh độ Cư sĩ.

- Lĩnh vực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững:

+ Tập trung bảo vệ an toàn các mục tiêu địa bàn trọng điểm, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ, Tết, các sự kiện quan trọng của đất nước và địa phương. Tổ chức thành công các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tại quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh; chỉ đạo công tác diễn tập chiến đấu xã, phường, thị trấn trong khu vực phòng thủ theo kế hoạch huấn luyện chiến dịch năm 2022. Thực hiện tốt công tác tuyển quân năm 2022[35]. Triển khai bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo kế hoạch đề ra;

+ Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm theo các lĩnh vực, chuyên đề; tội phạm và vi phạm pháp luật được kéo giảm, không để hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, không để xảy ra tình trạng đối tượng sử dụng vũ khí nóng để gây án[36];

+ Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2022 của UBND thành phố Cần Thơ thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030[37]. Tăng cường công tác quản lý xuất, nhập cảnh, người nước ngoài trên địa bàn thành phố[38]. Thực hiện tốt công tác vận động nhân dân thu hồi và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý chặt ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về an ninh, trật tự; quản lý con dấu[39];

+ Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông, đua xe trái phép, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tính từ ngày 01 tháng 12 năm 2021 đến ngày 31 tháng 10 năm 2022, xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 60 người, bị thương 12 người; so cùng kỳ năm 2021 (thành phố Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19), tăng 15 vụ, số người chết tăng 21 người, bị thương giảm 18 người. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, đã xảy ra 11 vụ cháy, bị thương 01 người, thiệt hại tài sản khoảng 1,5 tỷ đồng.

2. Số lượng ĐVHC cấp huyện

a) Số lượng ĐVHC cấp huyện: có 09 ĐVHC cấp huyện trực thuộc, gồm 05 quận và 04 huyện;

b) Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp: không;

c) Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: không;

d) Số lượng ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp: không;

đ) Số lượng ĐVHC cấp huyện liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: không.

3. Số lượng ĐVHC cấp xã

a) Số lượng ĐVHC cấp xã: có 83 ĐVHC cấp xã, gồm 36 xã, 42 phường, 05 thị trấn;

b) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp: Căn cứ quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và các số liệu diện tích tự nhiên và quy mô dân số tính đến 31 tháng 12 năm 2022, thành phố Cần Thơ có 04 phường;

c) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: không;

d) Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: không;

đ) Số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: không.

III. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP HUYỆN THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Hiện trạng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp: không.

2. Hiện trạng ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: không.

3. Hiện trạng ĐVHC cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp: không.

4. Hiện trạng ĐVHC cấp huyện liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: không.

IV. HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ THỰC HIỆN SẮP XẾP

1. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp

Toàn thành phố Cần Thơ có 04 phường: An Cư, An Nghiệp, An Phú, Thới Bình của quận Ninh Kiều thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

a) Phường An Cư:

- Thuộc khu vực; có yếu tố đặc thù: không;

- Diện tích tự nhiên: 0,61 km2;

- Quy mô dân số: 23.313 người;

- Số dân là người dân tộc thiểu số: (1.152 người, chiếm tỷ lệ 5,10%);

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: không;

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: phường Thới Bình, phường Tân An, phường An Phú, phường An Nghiệp.

b) Phường An Nghiệp:

- Thuộc khu vực; có yếu tố đặc thù: không;

- Diện tích tự nhiên 0,35 km2;

- Quy mô dân số: 7.635 người;

- Số dân là người dân tộc thiểu số: (583 người, chiếm tỷ lệ 7,97%);

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: không;

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: phường An Hòa, phường Thới Bình, phường An Cư, phường An Phú, phường Xuân Khánh.

c) Phường An Phú:

- Thuộc khu vực; có yếu tố đặc thù: không;

- Diện tích tự nhiên 0,50 km2;

- Quy mô dân số: 10.851 người;

- Số dân là người dân tộc thiểu số: (275 người, chiếm tỷ lệ 2,74%);

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: không;

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: phường An Nghiệp, phường An Cư, phường Tân An, phường Xuân Khánh.

d) Phường Thới Bình:

- Thuộc khu vực; có yếu tố đặc thù: không;

- Diện tích tự nhiên: 0,53 km2;

- Quy mô dân số: 14.565 người;

- Số dân là người dân tộc thiểu số: (542 người, chiếm tỷ lệ 3,89%);

- Các chính sách đặc thù đang hưởng: không;

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: phường Cái Khế, phường Tân An, phường An Cư, phường An Nghiệp, phường An Hòa.

2. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp: không.

3. Hiện trạng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: không.

4. Hiện trạng ĐVHC cấp xã liền kề có điều chỉnh địa giới ĐVHC khi thực hiện phương án sắp xếp: không.

(Chi tiết nêu tại Phụ lục 2-1A, 2-1B, 2-1C, 2-2A, 2-2 B,2-2C, danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ kèm theo)

Phần III

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

I. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

l. Phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp (sắp xếp ĐVHC cấp xã thành ĐVHC đô thị cùng cấp)

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Phú (có diện tích tự nhiên là 0,50 km2, đạt 9,09 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 10.851 người, đạt 72,34 % so với tiêu chuẩn); toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Nghiệp (có diện tích tự nhiên là 0,35 km2, đạt 6,36 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.635 người, đạt 50,90 % so với tiêu chuẩn) và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Cư (có diện tích tự nhiên là 0,61 km2, đạt 11,09 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 23.313 người, đạt 155,42 % so với tiêu chuẩn) vào phường Thới Bình (có diện tích tự nhiên là 0,53 km2, đạt 9,64 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 14.565 người, đạt 97,10 % so với tiêu chuẩn). Thành lập phường Thới Bình mới trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường An Phú, phường An Nghiệp, phường An Cư và phường Thới Bình.

a) Cơ sở và lý do của việc sắp xếp ĐVHC:

- Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

- Qua rà soát thống kê hiện trạng các ĐVHC cấp xã theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và các số liệu diện tích tự nhiên và quy mô dân số tính đến 31 tháng 12 năm 2022, thành phố Cần Thơ có 04 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình của quận Ninh Kiều thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025;

- Trên cơ sở ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030 của thành phố Cần Thơ. UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2023 về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ gửi Bộ Nội vụ có ý kiến thẩm định. Theo đó, nội dung Phương án số 01/PA- UBND, như sau:

+ Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Phú (có diện tích tự nhiên là 0,50 km2, đạt 9,09 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 10.851 người, đạt 72,34 % so với tiêu chuẩn) và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường An Nghiệp (có diện tích tự nhiên là 0,35 km2, đạt 6,36 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 7.635 người, đạt 50,90 % so với tiêu chuẩn) vào phường An Cư (có diện tích tự nhiên là 0,61 km2, đạt 11,09 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 23.313 người, đạt 155,42 % so với tiêu chuẩn);

+ Điều chỉnh 0,69 km2 diện tích tự nhiên, 9.000 người (một phần khu vực 2, khu vực 3, khu vực 5 và toàn bộ khu vực 4, khu vực 7) của phường Cái Khế (có diện tích tự nhiên là 6,42 km2, đạt 116,73 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 24.116 người, đạt 160,77 % so với tiêu chuẩn) vào phường Thới Bình (có diện tích tự nhiên là 0,53 km2, đạt 9,64 % so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 14.565 người, đạt 97,10 % so với tiêu chuẩn);

- Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ tại Công văn số 6676/BNV-CQĐP ngày 14 tháng 11 năm 2023, UBND thành phố Cần Thơ đã tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ thống nhất chủ trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ[40]. Ngày 10 tháng 01 năm 2024, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Phương án số 01/PA-UBND về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ (thay thế Phương án số 01/PA-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2023) gửi Bộ Nội vụ tổng hợp. Theo đó, nội dung Phương án số 01/PA-UBND , cụ thể như sau: phường Thới Bình mới được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường An Phú, phường An Nghiệp, phường An Cư và phường Thới Bình. Sau khi thành lập có 1,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 56.364 người;

- Việc nhập 04 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình của quận Ninh Kiều là cần thiết, góp phần tăng quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Các phường có vị trí địa lý liền kề nhau, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và đều thuộc diện bắt buộc sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025; việc sắp xếp các phường nhằm phù hợp với Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

b) Kết quả sau sắp xếp (thành lập phường Thới Bình mới) thì phường Thới Bình có:

- Diện tích tự nhiên: 1,99 km2 (đạt 36,18 % so với tiêu chuẩn);

- Quy mô dân số: 56.364 người (đạt 375,76 % so với tiêu chuẩn);

- Các ĐVHC cùng cấp liền kề: An Hòa, Cái Khế, Tân An, Xuân Khánh;

- Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC: tại trụ sở hành chính của phường Thới Bình, quận Ninh Kiều.

2. Phương án sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: không.

III. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC ĐÔ THỊ CẤP HUYỆN: không.

IV. LÝ DO ĐVHC CẤP HUYỆN, CẤP XÃ THUỘC DIỆN PHẢI SẮP XẾP TRONG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 NHƯNG ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ NGHỊ KHÔNG (HOẶC CHƯA) THỰC HIỆN SẮP XẾP: không

V. GIẢI TRÌNH TRƯỜNG HỢP ĐVHC CẤP XÃ DỰ KIẾN HÌNH THÀNH SAU SẮP XẾP KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN, QUY MÔ DÂN SỐ THEO QUY ĐỊNH

Phường Thới Bình trên cơ sở nhập 04 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình. Sau khi thành lập có 1,99 km2 diện tích tự nhiên (đạt tỷ lệ 36,18%) và quy mô dân số 56.364 người (đạt tỷ lệ 375,76%). Theo đó, phường Thới Bình thành lập sau sắp xếp đã đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 quy định: “Sau khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì ĐVHC hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, trừ trường hợp nhập từ 03 ĐVHC cùng cấp trở lên”.

VI. SỐ LƯỢNG ĐVHC CẤP HUYỆN, CẤP XÃ CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ SAU SẮP XẾP

1. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trước khi sắp xếp

a) ĐVHC cấp huyện: có 09 đơn vị, gồm: 05 quận, 04 huyện;

b) ĐVHC cấp xã: có 83 đơn vị (gồm: 36 xã, 42 phường và 05 thị trấn).

2. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp

a) ĐVHC cấp huyện: có 09 đơn vị, gồm: 05 quận, 04 huyện;

b) ĐVHC cấp xã 80 đơn vị, gồm: 36 xã, 39 phường và 05 thị trấn.

3. Số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã giảm do sắp xếp

a) ĐVHC cấp huyện giảm: không;

b) ĐVHC cấp xã giảm: 03 đơn vị (gồm: 03 phường).

Phần IV

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Tác động về hoạt động quản lý nhà nước

a) Tác động tích cực:

- Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ngân sách nhà nước được tiết kiệm, hiệu suất công việc của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao;

- Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội và việc chấp hành chính sách, pháp luật của các tổ chức, cá nhân được tăng cường;

- Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là các dự án thu hồi đất và công khai các thủ tục thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gắn với việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo và những bức xúc của nhân dân.

b) Tác động tiêu cực:

Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn của các ĐVHC phường (thuộc diện sắp xếp theo phương án) cần có thời gian để tìm hiểu và nắm bắt địa bàn, nhân dân khi chuyển đổi cũng có những xáo trộn, khó khăn nhất định trong việc hoàn thiện giấy tờ nhân thân và các loại giấy tờ về sở hữu tài sản.

2. Tác động về kinh tế - xã hội

a) Tác động tích cực:

- Công tác đầu tư phát triển được tập trung hơn, với việc sắp xếp lại các phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình thuộc quận Ninh Kiều sẽ giảm bớt một đầu mối đầu tư tiết kiệm ngân sách. Đồng thời, qua đó tăng thêm nguồn lực về đất đai, về nhân lực,... cho phường Thới Bình (mới thành lập) có điều kiện để phát triển thành một trung tâm kinh tế, xã hội của quận Ninh Kiều;

- Tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đó là tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ thương mại, công nghiệp, xây dựng cơ bản tại ĐVHC mới thành lập, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chất lượng các hoạt động dịch vụ được nâng cao, mở ra nhiều loại hình dịch vụ mới phục vụ kịp thời sản xuất, kinh doanh; là trung tâm kinh tế, thương mại của quận Ninh Kiều để tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ, trao đổi hàng hóa trong quận nói riêng và của thành phố Cần Thơ nói chung;

- Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng; một mặt làm thay đổi bộ mặt đô thị của phường trung tâm; mặt khác, tạo đà cho kinh tế của phường, quận tiếp tục tăng trưởng, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động. Khi điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng phường Thới Bình, với tiềm lực mới thì ĐVHC này sẽ thu hút đầu tư từ nhiều nguồn vốn và các thành phần kinh tế khác nhau ở trong và ngoài thành phố. Tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế;

- Kinh tế phát triển sẽ là tiền đề, điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển từ đó tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tự cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, chất lượng đời sống của người dân cũng không ngừng tăng lên. Cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện do sự thay đổi theo hướng tích cực.

b) Tác động tiêu cực:

Khi mở rộng ĐVHC cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật,.... tiến tới đồng bộ chỉnh trang đô thị trung tâm nên đòi hỏi nguồn vốn lớn. Các Doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn các phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư trước đây sau khi sắp xếp sẽ tốn các chi phí phát sinh do quá trình thay đổi ĐVHC như thay đổi về địa chỉ, bảng hiệu cũng như in ấn,...

3. Tác động về quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội

a) Tác động tích cực:

- Việc sắp xếp ĐVHC của 04 phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình thuộc quận Ninh Kiều không làm ảnh hưởng đến công tác triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; nắm chắc tình hình chủ động chỉ đạo xử lý và giải quyết kịp thời các vụ việc tồn tại phát sinh, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội được tăng cường. Lực lượng công an thường trực không ngừng được củng cố và phát triển nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;

- Công tác đăng ký quản lý chặt chẽ nguồn sẵn sàng nhập ngũ, tiếp nhận đăng ký quân nhân hoàn thành nghĩa vụ về địa phương. Triển khai tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ hàng năm theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch được giao không bị ảnh hưởng;

- Việc sắp xếp, điều chỉnh bộ máy nhà nước sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, trong đó có công tác quản lý nhà nước về quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần cũng như ý thức cảnh giác của người dân không ngừng được nâng cao góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp giúp cho việc đi lại được thuận lợi, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, giảm thiểu tai nạn giao thông. Công tác quốc phòng được quan tâm, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, ý thức và đời sống Nhân dân được nâng cao góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an ninh - quốc phòng tốt hơn, không để các thế lực thù địch, các phần tử phản động,... tuyên truyền, lôi kéo và lợi dụng.

b) Tác động tiêu cực:

- ĐVHC của phường Thới Bình sau khi được sắp xếp sẽ tác động tới công tác nắm địa bàn, do địa bàn được mở rộng, nhưng cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách giảm nhiều so với hiện nay nên gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong thời gian chuyển tiếp;

- ĐVHC của phường Thới Bình sau khi được sắp xếp có quy mô dân số lớn, ít nhiều cũng tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, khó lường đối với tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội;

- Hệ thống mạng lưới giao thông được mở rộng, lưu lượng phương tiện tham gia nhiều; các khu vực công cộng được hình thành nhiều hơn, các cơ sở kinh doanh phát triển, gây áp lực lớn đến việc quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương và an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

4. Tác động về cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công

a) Tác động tích cực:

Nền hành chính công được nâng cao và tập trung hiệu quả, đồng thời, địa phương đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới sự thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin vừa đảm bảo hiệu quả, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, vừa giúp các cấp chính quyền quản lý, điều hành thông suốt, thống nhất.

b) Tác động tiêu cực:

Người dân ở các phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư sau sắp xếp cần thay đổi giấy tờ theo Đề án sắp xếp ĐVHC nên tốn thời gian và đi lại. Đồng thời, khi thành lập ĐVHC mới là phường Thới Bình có số dân là 56.364 người (tăng lên gấp 3,8 lần so với phường Thới Bình cũ), điều đó sẽ tạo áp lực rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính của phường mới, nhất là trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, các công việc của người dân và doanh nghiệp.

5. Tác động khi nhập ĐVHC cấp xã đang hưởng các chính sách đặc thù khác nhau liên quan đến ĐVHC: không

II. NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ GIẢI PHÁP KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP CÁC ĐVHC CẤP XÃ

1. Những thuận lợi

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ, Ngành ở Trung ương đã sớm cụ thể hóa chủ trương của Đảng; sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định pháp luật kịp thời, đầy đủ nên tạo điều kiện tạo thuận lợi cho việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn thành phố;

b) Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND thành phố Cần Thơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao; cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ; công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai đồng bộ và sâu rộng đã làm cho cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, đồng tình, ủng hộ với chủ trương của đảng, nhà nước trong thực hiện sắp xếp ĐVHC;

c) Sắp xếp những ĐVHC cấp xã có quy mô nhỏ thành những ĐVHC cấp xã có quy mô lớn hơn sẽ tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ, du lịch để phát triển; đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải trong khi nhu cầu sử dụng còn hạn chế; thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức các cấp; nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

2. Những khó khăn, vướng mắc

a) Sắp xếp ĐVHC cấp xã sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận dân cư; thiết chế văn hóa; phải tiến hành chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ ĐVHC cũ sang ĐVHC mới;

b) Số ĐVHC cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp là 04 đơn vị nên tác động lớn đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách;

c) Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã có tác động phần nào đến tâm lý, tư tưởng và quyền lợi của một số cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư phải nghỉ việc, điều chuyển công tác;

d) Khó khăn trong quá trình bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt.

3. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc

a) Sắp xếp ĐVHC là việc quan trọng, cần sự cẩn thận, chu đáo nên việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện đòi hỏi chắc chắn, cụ thể, rút kinh nghiệm từ các đơn vị làm mẫu, do đó một số công đoạn thực hiện còn chậm so với tiến độ kế hoạch đề ra;

b) Thời gian xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 quá khẩn trương nên cúng ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung đề án.

4. Giải pháp khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã

a) Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đúng chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thấu hiểu và nhận được sự đồng thuận của Nhân dân;

b) Quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn, chuyển đổi bộ máy phù hợp với quy mô, tính chất của ĐVHC sau sắp xếp;

c) Gắn kết chặt chẽ việc sắp xếp ĐVHC với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức;

d) Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại các ĐVHC thực hiện sắp xếp đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp; chủ động triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi giấy tờ liên quan đến thay đổi tên ĐVHC theo quy định.

III. KẾ HOẠCH, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN VIỆC SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Kế hoạch và lộ trình thực hiện

a) Năm 2023:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc sắp xếp ĐVHC trên phương tiện truyền thông, Cổng thông tin điện tử của thành phố Cần Thơ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân để tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện;

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành tổ chức rà soát, xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ báo cáo Ban cán sự đảng UBND thành phố xem xét, trình Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến để trình Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định.

b) Năm 2024:

- Căn cứ Phương án số 01/PA-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2024 của UBND thành phố về tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025, ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố;

- Tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ theo quy định;

- Thông qua HĐND các phường thuộc diện sắp xếp, HĐND quận Ninh Kiều và HĐND thành phố về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ;

- Hoàn chỉnh hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;

- Xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người lao động trực tiếp trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (trong đó có đối tượng dôi dư do sắp xếp ĐVHC);

- Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị nhân sự để tiến hành Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp;

- Tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp;

- Sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025;

- Thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.

c) Năm 2025:

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức của HĐND, UBND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư; chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2026 - 2031 tại ĐVHC cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp;

- Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025;

- Hoàn thành việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025;

- Triển khai công tác lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; phân loại ĐVHC đối với ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp;

- Sơ kết việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2023 - 2025.

2. Dự kiến kinh phí triển khai thực hiện

Theo quy định tại Điều 22 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết 117-NQ/CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên trong khoán ngân sách nhà nước đã được giao trong thời kỳ ổn định ngân sách; ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi ĐVHC cấp huyện giảm, 500 triệu đồng cho mỗi ĐVHC cấp xã giảm để hỗ trợ đầu từ xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng.

IV. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY, BỐ TRÍ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp ĐVHC

Căn cứ Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và các quy định có liên quan để tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị của ĐVHC phường mới thành lập như sau:

a) Tổ chức Đảng: Ban thường vụ Quận ủy Ninh Kiều xây dựng đề án, quyết định thành lập đảng bộ của ĐVHC phường mới trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất tổ chức đảng của ĐVHC các phường trước khi sắp xếp; chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy của đảng bộ phường mới theo quy định của Điều lệ Đảng. Việc sắp xếp tổ chức đảng đồng bộ với sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Nhiệm kỳ đầu tiên của đảng bộ phường mới thành lập cùng nhiệm kỳ của các đảng bộ ĐVHC các phường thực hiện sắp xếp;

b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận hiệp y thống nhất với Đảng ủy phường quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của ĐVHC phường mới; công nhận danh sách Ủy viên Ủy ban, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường (lâm thời);

c) Các Đoàn thể chính trị - xã hội:

- Ban Thường vụ Quận Đoàn chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của ĐVHC phường mới;

- Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh: Ban Thường vụ cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch tổ chức hội của ĐVHC phường mới.

d) Tổ chức chính quyền địa phương:

- Đại biểu HĐND của các ĐVHC các phường trước khi sắp xếp hợp thành HĐND của ĐVHC mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định tại Điều 134 Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

- HĐND của ĐVHC mới bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 83 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND; Nghị định số 115/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND và hoạt động cho đến khi HĐND khóa mới được bầu ra.

đ) Tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế:

- Ổn định tổ chức các trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) trên địa bàn ĐVHC phường thuộc phạm vi sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có của các trường học; nghiên cứu, điều chỉnh đề án sắp xếp các trường học trên địa bàn quận để triển khai thực hiện cho phù hợp với sắp xếp ĐVHC;

- Nhập nguyên trạng Trạm y tế các phường nhưng vẫn duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các vị trí cũ. Sau khi thành lập mới, Đảng ủy, HĐND, UBND phường mới thành lập phối hợp với Trung tâm y tế quận Ninh Kiều xem xét việc bố trí cơ sở khám, chữa bệnh để phục vụ nhân dân thuận lợi nhất (phương án nhập từng Trạm y tế do Trung tâm y tế quận Ninh Kiều phối hợp với UBND phường mới thành lập xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định);

e) Về Quân sự và Công an: Căn cứ quy định hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các văn bản quy định khác có liên quan; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố chỉ đạo, hướng dẫn quận Ninh Kiều thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự của Ban Chỉ huy quân sự phường, Công an phường của ĐVHC phường mới thành lập theo quy định pháp luật, đảm bảo công tác bảo vệ an ninh - trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trong suốt quá trình trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp các phường.

2. Phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp ĐVHC

a) Hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách và lực lượng Quân sự, Công an ở các ĐVHC phường thuộc diện sắp xếp:

- Tổng số lượng cán bộ, công chức phường hiện có: 81 cán bộ, công chức (trong đó có: 38 cán bộ và 43 công chức);

- Tổng số lượng viên chức ở Trạm Y tế phường: 27 viên chức;

- Tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách phường: 56 người;

- Tổng số lực lượng Quân sự phường là: 35 người;

- Tổng số lực lượng Công an ở phường là: 51 người.

b) Phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới sau sắp xếp:

- Đối với đội ngũ cán bộ, công chức của ĐVHC phường mới thành lập được bố trí số lượng tối đa là 23 người (gồm 11 cán bộ và 12 công chức) theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố;

- Đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới thành lập được bố trí số lượng tối đa là 14 người theo Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của HĐND thành phố về việc quy định chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực và khoán kinh phí hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn;

- Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 6, Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính Phủ và quy định của HĐND thành phố về giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã đối với ĐVHC phường mới thành lập để bố trí số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách của phường được tăng thêm theo quy mô dân số và quy mô diện tích tự nhiên của ĐVHC phường.

Trên cơ sở phương án bố trí số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách của ĐVHC phường mới thành lập theo đúng quy định nêu trên; sau khi sắp xếp, theo phương án sắp xếp và giải pháp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, có tổng số 181 người dôi dư, bao gồm: 58 cán bộ, công chức phường (gồm 27 cán bộ và 31 công chức); 42 người hoạt động không chuyên trách; 20 viên chức; 26 dân quân tự vệ; 35 công an phường thuộc phạm vi sắp xếp, bố trí trong giai đoạn 2024 - 2025 theo các phương án sau:

- Năm 2024:

+ Đối với số lượng cán bộ các phường dôi dư (bao gồm như: Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND và Trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội) các địa phương căn cứ theo các tiêu chuẩn quy định về công tác cán bộ, thực hiện lựa chọn những người đảm bảo đủ tiêu chuẩn để bầu giữ các chức vụ lãnh đạo ở phường mới theo quy định, số cán bộ lãnh đạo còn lại dôi dư thực hiện cho bảo lưu hệ số phụ cấp chức vụ theo quy định;

+ Điều động, chuyển công tác đến các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cùng cấp, các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện trở lên trên địa bàn thành phố còn khuyết nhân sự đối với 45 trường hợp để bố trí vào các vị trí, chức danh phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo (gồm: 07 cán bộ, 08 công chức, 08 viên chức, 10 dân quân tự vệ, 12 công an);

+ Thực hiện xét chuyển từ cán bộ, công chức các phường thành công chức cấp huyện trở lên đối với 15 trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các vị trí tại các phòng, ban, ngành của quận và các phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành thành phố còn khuyết nhân sự (gồm: 05 cán bộ, 10 công chức);

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định của Chính phủ đối với 02 trường hợp cán bộ đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Bảo hiểm xã hội);

+ Giải quyết chế độ, chính sách nghỉ công tác đối với 14 trường hợp người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế.

- Năm 2025:

+ Điều động, chuyển công tác đến các cơ quan, tổ chức ở ĐVHC cùng cấp, các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện trở lên trên địa bàn thành phố còn khuyết nhân sự đối với 58 trường hợp để bố trí vào các vị trí, chức danh phù hợp với trình độ chuyên môn đào tạo (gồm: 07 công chức, 12 viên chức, 16 dân quân tự vệ, 23 công an);

+ Thực hiện xét chuyển từ cán bộ, công chức các phường thành công chức cấp huyện trở lên đối với 16 trường hợp đủ điều kiện để bố trí vào các vị trí tại các phòng, ban, ngành của quận và các phòng, ban chuyên môn của sở, ban, ngành thành phố còn khuyết nhân sự (gồm: 10 cán bộ, 06 công chức);

+ Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo quy định của Chính phủ đối với 03 trường hợp cán bộ đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Bảo hiểm xã hội);

+ Giải quyết chế độ, chính sách nghỉ công tác đối với 28 trường hợp người hoạt động không chuyên trách theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế.

3. Phương án và lộ trình giải quyết chế độ, chính sách sau sắp xếp ĐVHC

a) Thực hiện bảo lưu các chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với những người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ trước đây cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ do bầu cử) hoặc hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý (đối với những người giữ chức vụ do bổ nhiệm). Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 06 tháng thì được bảo lưu tròn 06 tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ theo quy định;

b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC các phường tùy từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của quận Ninh Kiều và các quận, huyện khác; các cơ quan, tổ chức đảng cấp thành phố; các sở, ngành thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội cấp thành phố theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc hưởng các chế độ, chính sách đối với người nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ;

c) Ngoài các chế độ, chính sách quy định của Trung ương, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn.

V. PHƯƠNG ÁN VÀ LỘ TRÌNH SẮP XẾP, XỬ LÝ TRỤ SỞ, TÀI SẢN CÔNG SAU SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Căn cứ Phương án số 01/PA-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2024 về tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, UBND thành phố lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở 04 phường: An Cư, An Nghiệp, An Phú và Thới Bình của quận Ninh Kiều thuộc phạm vi quản lý kèm theo đề án, cụ thể như sau: Hiện trạng trụ sở, tài sản công của 04 phường trước khi thực hiện sắp xếp gồm có tổng số 39 trụ sở cơ quan, tổ chức (gồm có: 01 trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; 01 trụ sở của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thuộc quận; 01 trụ sở Phòng Quản lý đô thị thuộc quận; 04 trụ sở HĐND - UBND phường; 01 trụ sở Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường; 02 trụ sở Công an phường; 03 trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự phường; 04 trụ sở Trạm Y tế phường; 02 Trung tâm Văn hóa phường; 02 trường tiểu học; 16 trụ sở Nhà văn hóa khu vực; 02 Chốt gác khu vực).

2. Khi tiến hành sắp xếp các phường An Cư, An Nghiệp, An Phú và Thới Bình của quận Ninh Kiều, UBND thành phố sẽ chỉ đạo quận Ninh Kiều và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng, triển khai phương án bố trí sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC phường mới thành lập sau sắp xếp và việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các ĐVHC cũ trước đây đã thực hiện sắp xếp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện theo Đề án được phê duyệt đối với 37 trụ sở, tài sản công (bao gồm các trụ sở, tài sản các cơ quan, tổ chức thuộc cấp quận đang hoạt động trên địa bàn ĐVHC mới thành lập sau sắp xếp được giữ nguyên trạng để tiếp tục hoạt động theo quy định).

3. Về lộ trình hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý 02 trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị dôi dư sau khi sắp xếp bố trí cho các cơ quan, tổ chức thuộc ĐVHC phường mới thành lập sẽ được thực hiện theo phương án thanh lý 01 trụ sở, tài sản công và chuyển đổi mục đích sử dụng 01 trụ sở, tài sản công trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ có hiệu lực thi hành.

4. Việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Ninh Kiều chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC phường mới thành lập sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ

1. Đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy

a) Chỉ đạo, hướng dẫn về việc kiện toàn các chức danh cán bộ; về tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp;

b) Hướng dẫn công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với ĐVHC cấp xã sau khi được sắp xếp.

2. Công an thành phố

a) Chỉ đạo Công an quận Ninh Kiều đảm bảo công tác an ninh, giữ gìn trật tự xã hội tại địa bàn trong quá trình tiến hành lấy ý kiến cử tri. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh chính trị trong quá trình sắp xếp các phường: An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình của quận Ninh Kiều;

b) Chỉ đạo Công an quận Ninh Kiều sắp xếp, bố trí số lượng công an của các phường An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình sau khi thực hiện sắp xếp để thành lập phường Thới Bình;

c) Hướng dẫn, thực hiện thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp; hướng dẫn việc chuyển đổi địa chỉ cư trú của công dân do thay đổi địa giới và tên gọi ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp;

d) Tiếp tục duy trì, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi sắp xếp ĐVHC; xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ công an chính quy tại các ĐVHC cấp xã khi thực hiện sắp xếp.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự Ninh Kiều phối hợp với Phòng Nội vụ Ninh Kiều tham mưu cho UBND quận Ninh Kiều xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp chức danh Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự các phường An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình và hướng dẫn về tổ chức lực lượng dân quân tự vệ sau sắp xếp ĐVHC cấp xã.

4. Sở Nội vụ

a) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; đôn đốc các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo đúng tiến độ;

b) Tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho số cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp các phường An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình;

c) Phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng Kế hoạch, lộ trình thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với tinh giản biên chế tại các phường An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình sau khi sắp xếp đảm bảo lộ trình quy định của Trung ương;

d) Tham mưu lập thủ tục việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp liên quan đến việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; thực hiện phân loại ĐVHC theo quy định. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện của các đơn vị, kịp thời báo cáo đề xuất UBND thành phố những vấn đề phát sinh, vướng mắc.

5. Sở Tài chính

a) Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí thực hiện theo quy định;

b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan sử dụng và thực hiện thủ tục thanh quyết toán tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều và cơ quan, đơn vị có liên quan liên quan về dự toán, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã; việc thực hiện quy định về miễn phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới hành chính và tên gọi của ĐVHC cấp xã;

d) Chủ trì phối hợp với sở, ban, ngành thành phố, UBND quận Ninh Kiều lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với nhà đất của cơ quan, tổ chức có liên quan đến sắp xếp ĐVHC các phường; bàn giao trụ sở, tài sản, kinh phí, quản lý sử dụng kinh phí ngân sách và tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khi sắp xếp theo quy định.

6. Sở Xây dựng

Hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều các nội dung liên quan công tác lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sau khi thực hiện sắp xếp các phường An Phú, An Nghiệp, An Cư và Thới Bình đúng theo quy định.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn các cơ quan, địa phương rà soát, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau khi sắp xếp ĐVHC các cấp do thay đổi đường địa giới hành chính và tên gọi của ĐVHC sau khi thực hiện sắp xếp theo hướng dẫn tại Công văn số 6675/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản có liên quan theo quy định;

b) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc phối hợp hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều thực hiện điều chỉnh biến động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đúng theo quy định pháp luật về đất đai;

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tăng cường công tác phổ biến pháp luật và hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu triển khai các nhiệm vụ, công việc có liên quan theo hướng dẫn tại Công văn số 5526/BKHĐT-KTĐPLT ngày 13 tháng 7 năm 2023, Công văn số 6183/BKHĐT-KTĐPLT ngày 02 tháng 8 năm 2023, Công văn số 6356/BKHĐT-QLQH ngày 8 tháng 8 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các văn bản có liên quan theo quy định;

b) Rà soát, báo cáo đề xuất UBND thành phố tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở công tác tại những ĐVHC dự kiến sắp xếp vào ĐVHC khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

c) Tham mưu, hướng dẫn việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công tại các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp và việc chuyển đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới, tên gọi ĐVHC cấp xã khi thực hiện sắp xếp;

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp theo quy định tại Điều 21 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và các văn bản có liên quan theo quy định.

9. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo quy định;

b) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác phổ biến pháp luật và hướng dẫn UBND quận Ninh Kiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đăng ký biện pháp bảo đảm khi thực hiện thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp;

c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi của ĐVHC sau sắp xếp theo quy định tại Điều 21 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và các văn bản có liên quan.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo, đài địa phương, Trung ương đóng trên địa bàn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền sâu rộng các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý về chủ trương sắp xếp các ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định phải sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong quá trình thực hiện sắp xếp lại các ĐVHC.

11. Sở, ngành thành phố

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực phối hợp Sở Nội vụ, UBND quận Ninh Kiều trong triển khai thực hiện Đề án đảm bảo kịp thời đúng quy định.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội cấp thành phố

a) Tổ chức tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố;

b) Phối hợp tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố;

c) Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại các ĐVHC cấp xã sau sắp xếp; tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố.

13. Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều

a) Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các phường có liên quan tổ chức lấy ý kiến cử tri, Nhân dân theo quy định. Thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức và những người hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước sau khi thực hiện việc sắp xếp;

b) Chú trọng công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức khi tiến hành rà soát, sắp xếp nhân sự, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại những đơn vị sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực nổi trội để đảm nhận những vị trí công việc tại ĐVHC mới;

c) Có giải pháp, lộ trình để bố trí số lượng cán bộ, công chức của các ĐVHC phường sau khi sáp nhập phải bảo đảm đúng quy định (hoặc thực hiện theo các quy định và hướng dẫn hiện hành);

d) Chủ động xây dựng phương án nhân sự chủ chốt của chính quyền địa phương các cấp trong đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030; bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và các nhiệm kỳ tiếp theo phù hợp với lộ trình, kế hoạch sắp xếp các ĐVHC phường;

đ) Giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước dôi dư do sắp xếp ĐVHC phường theo quy định;

e) Căn cứ hướng dẫn của sở, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền khi thay đổi địa giới ĐVHC sau sắp xếp; đảm bảo thủ tục chuyển đổi phải đơn giản, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện; không thu các loại lệ phí khi thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ nêu trên. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và tổ chức, cá nhân giao dịch ở ĐVHC phường mới sau khi sắp xếp;

g) Phối hợp với các cơ quan có liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện các nội dung có liên quan đến Đề án khi được cơ quan cấp trên giao theo quy định.

VII. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Việc thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ là cần thiết, cơ bản đáp ứng theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Bộ Chính trị, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và nhằm để điều chỉnh lại diện tích tự nhiên, dân số cho phù hợp với Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC, Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

2. Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương của Trung ương, thành phố và cấp huyện. Khi sắp xếp sẽ giảm được 03 ĐVHC cấp xã, đồng thời, giảm số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tạo điều kiện giảm chi ngân sách nhà nước, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho ĐVHC cấp xã mới thành lập.

Trên đây là Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ, kính trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị./.

(Đề án này thay thế Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
- Chính phủ;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ;
- TT.TU TT. HĐND TP;
- CT, PCT UBND TP;
- UBMTTQVN TP và các đoàn thể;
- Ban Tổ chức Thành ủy;
- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP;
- Công an TP;
- Bộ Chỉ huy Quân sự TP;
- Quận ủy, HĐND, UBND quận Ninh Kiều;
- Đảng ủy, HĐND, UBND các phường: An Cư, An Nghiệp, An Phú, Thới Bình.
- VP UBND TP (2AC, 3E);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, LhT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

PHỤ LỤC 2-1A

THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP HUYỆN
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số ĐVHC cấp xã trực thuộc

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (người)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

I

Các huyện:

1

Huyện Cờ Đỏ

9.047

6,46

319,91

71,09

154.940

129,12

10

2

Huyện Phong Điền

778

0,62

125,59

27,91

132.483

110,40

7

3

Huyện Thới Lai

4.783

3,15

267,00

59,33

152.899

127,42

13

4

Huyện Vĩnh Thạnh

1.457

1,10

306,74

68,16

134.182

111,82

11

II

Các quận:

1

Quận Bình Thủy

1.697

1,29

70,87

202,49

138.847

92,56

8

2

Quận Cái Răng

1.834

1,68

67,82

193,77

131.894

87,93

7

3

Quận Ninh Kiều

10.233

4,20

28,90

82,57

264.996

176,66

11

4

Quận Ô Môn

7.096

4,65

131,91

376,89

153.045

102,03

7

5

Quận Thốt Nốt

1.103

0.61

121,67

347,63

189.707

126,47

9

Ghi chú

- Cột 7: Diện tích tự nhiên được xác định theo số liệu nguồn kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 2696/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

- Cột 9: Quy mô dân số được xác định theo nguồn số liệu dân số thực tế thường trú và dân số tạm trú quy đổi tính đến ngày 31/12/2022 do Công an thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 1848/CATP-QLHC ngày 22 tháng 8 năm 2023.

PHỤ LỤC 2-1B

THỐNG KÊ ĐVHC CẤP HUYỆN THUỘC DIỆN SẮP XẾP GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số ĐVHC cấp xã trực thuộc

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (người)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

Giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Cần Thơ không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp

PHỤ LỤC 2-1C

THỐNG KÊ ĐVHC CẤP HUYỆN THUỘC DIỆN KHUYẾN KHÍCH SẮP XẾP GIAI ĐOẠN 2023-2025
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số ĐVHC cấp xã trực thuộc

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (người)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

Giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Cần Thơ không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích sắp xếp

PHỤ LỤC 2 - 2A

THỐNG KÊ HIỆN TRẠNG ĐVHC CẤP XÃ
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp xã

Thuộc ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (nguôi)

Tỷ lệ(%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

I

Các xã:

1

Xã Đông Hiệp

Huyện Cờ Đỏ

309

3,87

16,35

54,50

8.494

106,18

2

Xã Đông Thắng

Huyện Cờ Đỏ

855

15,02

16,26

54,20

6.254

78,18

3

Xã Thạnh Phú

Huyện Cờ Đỏ

515

2,50

99,07

330,23

23.513

293,91

4

Xã Thới Đông

Huyện Cờ Đỏ

1.104

15,37

19,54

65,13

7.515

93.94

5

Xã Thới Hưng

Huyện Cờ Đỏ

615

3,54

69,92

233,07

18.790

234,88

6

Xã Thới Xuân

Huyện Cờ Đỏ

2.682

30,48

16,75

55,83

9.671

120,89

7

Xã Trung An

Huyện Cờ Đỏ

103

0,88

12,63

42,10

12.952

161,90

8

Xã Trung Hưng

Huyện Cờ Đỏ

0

0,00

35,84

119,47

27.441

343,01

9

Xã Trung Thạnh

Huyện Cờ Đỏ

130

0,64

25,23

84,10

22.658

283,23

10

Xã Giai Xuân

Huyện Phong Điền

155

0,82

19,63

65,43

19.107

238,84

11

Xã Mỹ Khánh

Huyện Phong Điền

108

0,81

10,83

36,10

16.973

212,16

12

Xã Nhơn Ái

Huyện Phong Điền

83

0,49

16,28

54,27

17.510

218,88

13

Xã Nhơn Nghĩa

Huyện Phong Điền

103

0,48

21,88

72,93

23.533

294,16

14

Xã Tân Thới

Huyện Phong Điền

161

0.94

17,82

59,40

17.305

216.31

15

Xã Trường Long

Huyện Phong Điền

96

0,41

31,01

103,37

23.707

296,34

16

Xã Định Môn

Huyện Thới Lai

1.429

10,57

22,27

74,23

13.551

169,39

17

Xã Đông Bình

Huyện Thới Lai

159

1,42

29,60

98,67

11.291

141,14

18

Xã Đông Thuận

Huyện Thới Lai

215

1,72

31,29

104,30

12.570

157,13

19

Xã Tân Thạnh

Huyện Thới Lai

188

2,15

17,35

57.83

8.962

112,03

20

Xã Thới Tân

Huyện Thới Lai

322

3,84

18,13

60,43

8.419

105,24

21

Xã Thới Thạnh

Huyện Thới Lai

409

3,01

14,67

48,90

13.638

170,48

22

Xã Trường Thành

Huyện Thới Lai

118

0,83

19,47

64,90

14.291

178,64

23

Xã Trường Thắng

Huyện Thới Lai

137

0,98

22,96

76,53

14.033

175,41

24

Xã Trường Xuân

Huyện Thới Lai

77

0,45

28,99

96,63

17.348

216,85

25

Xã Trường Xuân A

Huyện Thới Lai

69

0,78

18,68

62,27

8.843

110,54

26

Xã Trường Xuân B

Huyện Thới Lai

160

1,81

20.27

67,57

8.887

111,09

27

Xã Xuân Thắng

Huyện Thới Lai

139

1,69

13,64

45,47

8.241

103,01

28

Xã Thạnh An

Huyện Vĩnh Thạnh

119

1,26

45,33

151,10

9.464

118,30

29

Xã Thạnh Lộc

Huyện Vĩnh Thạnh

116

0,67

36,27

120,90

17.225

215,31

30

Xã Thạnh Lợi

Huyện Vĩnh Thạnh

0

0,00

43,82

146,07

10.116

126,45

31

Xã Thạnh Mỹ

Huyện Vĩnh Thạnh

43

0,42

23,13

77,10

10.179

127,24

32

Xã Thạnh Quới

Huyện Vĩnh Thạnh

151

0.88

35,56

118,53

17.225

215,31

33

Xã Thạnh Thắng

Huyện Vĩnh Thạnh

9

0.14

23,50

78,33

6.675

83,44

34

Xã Thạnh Tiến

Huyện Vĩnh Thạnh

32

0,29

22,97

76,57

11.104

138,80

35

Xã Vĩnh Bình

Huyện Vĩnh Thạnh

823

10,23

21,78

72,60

8.392

104,90

36

Xã Vĩnh Trinh

Huyện Vĩnh Thạnh

26

0,11

29,23

97,43

23.276

290,95

II

Các thị trấn:

1

Thị trấn Cờ Đỏ

Huyện Cờ Đỏ

2.734

17,90

8,30

59,29

17.652

220,65

2

Thị trấn Phong Điền

Huyện Phong Điền

72

0,55

8,13

58,07

14.348

179,35

3

Thị trấn Thới Lai

Huyện Thới Lai

1.361

10,77

9,69

69,21

12.825

160,31

4

Thị trấn Thạnh An

Huyện Vĩnh Thạnh

107

0,79

18,65

133,21

13.676

170,95

5

Thị trấn Vĩnh Thạnh

Huyện Vĩnh Thạnh

31

0,46

6,50

46,43

6.850

85,63

III

Các phường:

1

Phường An Thới

Quận Bình Thủy

253

1,22

3,82

69,45

21.038

140,25

2

Phường Bình Thủy

Quận Bình Thủy

475

2,23

6,02

109,45

21.707

144,71

3

Phường Bùi Hữu Nghĩa

Quận Bình Thủy

416

3,43

7,16

130,18

12.743

84,95

4

Phường Long Hòa

Quận Bình Thủy

73

0,34

14,30

260,00

22.259

148,39

5

Phường Long Tuyền

Quận Bình Thủy

124

0.57

14,53

264,18

22.295

148,63

6

Phường Thới An Đông

Quận Bình Thủy

42

0.32

12,10

220,00

13.541

90,27

7

Phường Trà An

Quận Bình Thủy

39

0,51

6.48

117.82

11.559

77,06

8

Phường Trà Nóc

Quận Bình Thủy

275

2,12

6,46

117,45

13.705

91,37

9

Phường Ba Láng

Quận Cái Răng

184

2,57

4,66

84,73

8.071

53.81

10

Phường Hưng Phú

Quận Cái Răng

276

1,36

8,70

158,18

27.080

180,53

11

Phường Hưng Thạnh

Quận Cái Răng

105

0,73

9,13

166,00

19.887

132,58

12

Phường Lê Bình

Quận Cái Răng

890

5,13

2,43

44,18

20.914

139,43

13

Phường Phú Thứ

Quận Cái Răng

170

0,72

21,33

387,82

28.786

191,91

14

Phường Tân Phú

Quận Cái Răng

75

0,82

10.90

198,18

9.498

63,32

15

Phường Thường Thạnh

Quận Cái Răng

134

0,77

10,66

193,82

17.658

117,72

16

Phường An Bình

Quận Ninh Kiều

386

1,51

7,21

131,09

27.035

180,23

17

Phường An Cư

Quận Ninh Kiều

1.152

5,10

0,61

11,09

23.313

155,42

18

Phường An Hòa

Quận Ninh Kiều

599

2,25

1,79

32,55

28.007

186,71

19

Phường An Khánh

Quận Ninh Kiều

469

1,41

4,67

84,91

34.172

227,81

20

Phường An Nghiệp

Quận Ninh Kiều

583

7,97

0,35

6,36

7.635

50.90

21

Phường An Phú

Quận Ninh Kiều

275

2,74

0,50

9,09

10.851

72,34

22

Phường Cái Khế

Quận Ninh Kiều

689

2,95

6,42

116,73

24.116

160,77

23

Phường Hưng Lợi

Quận Ninh Kiều

651

2,06

3,39

61,64

32.885

219,23

24

Phường Tân An

Quận Ninh Kiều

3.740

12,38

1,37

24,91

35.564

237,09

25

Phường Thới Bình

Quận Ninh Kiều

542

3,89

0,53

9,64

14.565

97,10

26

Phường Xuân Khánh

Quận Ninh Kiều

1.147

6,05

2,06

37,45

26.853

179.02

27

Phường Châu Văn Liêm

Quận Ô Môn

4.501

17.14

8,80

160,00

26.346

175,64

28

Phường Long Hưng

Quận Ô Môn

58

0.35

18,12

329.45

16.432

109,55

29

Phường Phước Thới

Quận Ô Môn

422

1,55

29,11

529,27

27.372

182,48

30

Phường Thới An

Quận Ô Môn

616

2,06

23,78

432,36

29.990

199,93

31

Phường Thới Hòa

Quận Ô Môn

244

2,87

7,44

135,27

8.534

56,89

32

Phường Thới Long

Quận Ô Môn

295

1,23

20,66

375,64

24.098

160,65

33

Phường Trường Lạc

Quận Ô Môn

960

4,74

24,00

436.36

20.273

135,15

34

Phường Tân Hưng

Quận Thốt Nốt

46

0,40

15,32

278,55

11.811

78,74

35

Phường Tân Lộc

Quận Thốt Nốt

57

0,16

33,40

607,27

35.451

236,34

36

Phường Thạnh Hòa

Quận Thốt Nốt

20

0,17

7,46

135,64

12.226

81,51

37

Phường Thốt Nốt

Quận Thốt Nốt

609

2,35

5,65

102,73

25.899

172,66

38

Phường Thới Thuận

Quận Thốt Nốt

161

0,87

10,83

196,91

24.211

161,41

39

Phường Thuận An

Quận Thốt Nốt

39

0,26

8,07

146,73

15.201

101,34

40

Phường Thuận Hưng

Quận Thốt Nốt

84

0,39

15,05

273,64

22.560

150,40

41

Phường Trung Kiên

Quận Thốt Nốt

43

0,15

15,14

275,27

29.601

197,34

42

Phường Trung Nhứt

Quận Thốt Nốt

44

0,35

10,75

195,45

12.747

84,98

Ghi chú

- Cột 8: Diện tích tự nhiên được xác định theo số liệu nguồn kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 2696/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

- Cột 10: Quy mô dân số được xác định theo nguồn số liệu dân số thực tế thường trú và dân số tạm trú quy đổi tính đến ngày 31/12/2022 do Công an thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 1848/CATP-QLHC ngày 22 tháng 8 năm 2023.

PHỤ LỤC 2 - 2B

THỐNG KÊ ĐVHC CẤP XÃ THUỘC DIỆN SẮP XẾP GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp xã

Thuộc ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (người)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

1

Phường An Cư

Quận Ninh Kiều

1.152

5,10

0,61

11,09

23.313

155,42

2

Phường An Nghiệp

Quận Ninh Kiều

583

7,97

0,35

6,36

7.635

50,90

3

Phường An Phú

Quận Ninh Kiều

275

2,74

0,50

9,09

10.851

72,34

4

Phường Thới Bình

Quận Ninh Kiều

542

3,89

0,53

9,64

14.565

97,10

Ghi chú

- Cột 8: Diện tích tự nhiên được xác định theo số liệu nguồn kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 2696/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

- Cột 10: Quy mô dân số được xác định theo nguồn số liệu dân số thực tế thường trú và dân số tạm trú quy đổi tính đến ngày 31/12/2022 do Công an thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 1848/CATP-QLHC ngày 22 tháng 8 năm 2023.

PHỤ LỤC 2 - 2C

THỐNG KÊ ĐVHC CẤP XÃ THUỘC DIỆN KHUYẾN KHÍCH SẮP XẾP GIAI ĐOẠN 2023 - 2025
(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

Số TT

Tên ĐVHC cấp xã

Thuộc ĐVHC cấp huyện

Khu vực miền núi, vùng cao

Khu vực hải đảo

Dân tộc thiểu số

Yếu tố đặc thù khác (nếu có)

Diện tích tự nhiên

Quy mô dân số

Số người

Tỷ lệ (%)

Diện tích (km2)

Tỷ lệ (%)

Quy mô dân số (người)

Tỷ lệ (%)

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

Giai đoạn 2023 - 2025, thành phố Cần Thơ không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp

DANH SÁCH VÀ DỰ KIẾN PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TRỤ SỞ, TÀI SẢN CÔNG CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ Ở ĐỊA PHƯƠNG SAU SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025 CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

(Kèm theo Đề án số 05/ĐA-UBND ngày 11 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố về sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Cần Thơ)

TT

Tên ĐVHC

Hiện trạng trụ sở, tài sản công của 04 phường trước khi thực hiện sắp xếp

Phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công

Phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp (lộ trình giải quyết năm 2024, 2025, 2026)

Số lượng

Địa chỉ

Số lượng trụ sở tài sản công sẽ tiếp tục được sử dụng

Số thanh lý

Chuyển đổi mục đích sử dụng

Hình thức khác

1

2

3

4

5

6

7

8

I

Phường An Cư

11

11

0

0

0

1

Trụ sở HĐND-UBND phường An Cư

1

Số 19, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí làm trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội hiện sử dụng chung trụ sở (kể cả các Hội được thành lập theo quy định sau này khi phát sinh)

2

Trụ sở Công an phường An Cư

1

Số 12, đường Mạc Đĩnh Chi

1

Sau khi ngành công an có phương án xử lý, được Chính phủ chuyển giao về địa phương quản lý, sử dụng.

3

Ban Chỉ huy Quân sự phường

1

Số 04, đường Lý Tự Trọng

1

Dự kiến làm Nhà Văn hóa khu vực 1

4

Trạm Y tế phường An Cư

1

Số 85-87, đường Ngô Quyền

1

Dự kiến làm nhà Văn hóa khu vực 3

5

Nhà Văn hóa khu vực 2

1

Số 42/2A, đường Lý Tự Trọng

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

6

Nhà Văn hóa khu vực 3

1

Số 84, đường Trương Định

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

7

Nhà Văn hóa khu vực 4

1

Số 107/68/52, đường Hoàng Văn Thụ

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

8

Nhà Văn hóa khu vực 5

1

Số 63, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

9

Nhà Văn hóa khu vực 6

1

Số 125/29A, đường Hoàng Văn Thụ

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

10

Trung tâm Văn hóa phường

1

Số 107/60, đường Hoàng Văn Thụ

1

Kiến nghị bỏ ngoài phương án sắp xếp; Chuyển sang hình thức khai thác chợ

11

Chốt gác Khu vực 6 (Chưa cấp giấy)

1

Số 107/59A, đường Hoàng Văn Thụ

1

Bố trí cho Ban bảo vệ dân phố trực, sử dụng

II

Phường An Nghiệp

6

5

0

1

0

1

Trụ sở HĐND - UBND phường An Nghiệp

1

Số 30, Trần Hưng Đạo

1

Điều chuyển, bố trí làm trụ sở Công an phường mới. Đồng thời, đề nghị Công an thành phố điều chuyển về cho UBND quận Ninh Kiều quản lý các trụ sở Công an phường Thới Bình, An Cư, An Phú.

2

Ban Chỉ huy Quân sự phường An Nghiệp

1

Số 117, đường Huỳnh Thúc Kháng

1

Bố trí cho Hội Chữ thập đỏ quận làm trụ sở hoạt động (Hội CTĐ quận có văn bản đề nghị)

3

Nhà Văn hóa khu vực 1

1

Số 70/3, đường Huỳnh Thúc Kháng

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

4

Nhà Văn hóa khu vực 2

1

Số 89/16, Huỳnh Thúc Kháng

1

Giao trả đất mượn, dời về địa chỉ 127 đường Huỳnh Thúc Kháng (Trạm Y tế phường).

5

Nhà Văn hóa khu vực 3

1

Số 01, đường Cao Thắng

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

6

Trạm Y tế phường An Nghiệp

1

Số 127, đường Huỳnh Thúc Kháng

1

Dự kiến làm Nhà Văn hóa khu vực

III

Phường An Phú

9

8

1

0

0

1

Trụ sở HĐND- UBND phường An Phú

1

Số 132, đường 30 tháng 4

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí làm trụ Sở Phòng Tài nguyên và Môi trường và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận

2

Trung tâm Văn hóa phường An Phú

1

Số 105B, đường Trần Hưng Đạo

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí làm trụ sở hoạt động của Trung tâm Văn hóa phường mới

3

Trạm Y tế phường An Phú

1

Số 9, đường Lê Lai

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí làm trụ sở hoạt động của Trạm Y tế phường mới

4

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường An Phú

1

Số 153, đường Lý Tự Trọng

1

Dự kiến làm Nhà Văn hóa khu vực 2

5

Ban Chỉ huy Quân sự phường An Phú

1

Số 140, đường 30 tháng 4

1

Dự kiến làm Nhà Văn hóa khu vực

6

Nhà Văn hóa khu vực 1

1

Số 02, đường Lê Lai

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

7

Nhà Văn hóa khu vực 2

1

Số 123/40, đường Lý Tự Trọng

1

Dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng

8

Nhà Văn hóa khu vực 3

1

Số 158/53, đường Nguyễn Việt Hồng

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

9

Nhà Văn hóa khu vực 4

1

Số 108/49A, đường 30 tháng 4

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

IV

Phường Thới Bình

8

8

0

0

0

1

Trụ sở HĐND - UBND phường Thới Bình

1

Số 51/1, đường Hùng Vương

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí làm trụ sở hành chính của phường Thới Bình (mới)

2

Chốt gác Bảo vệ dân phố

1

Cạnh số 01/53, đường Đinh Tiên Hoàng

1

Bố trí Ban bảo vệ dân phố trực, sử dụng

3

Nhà Văn hóa khu vực 1

1

Số 67/2, đường Hùng Vương

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

4

Nhà Văn hóa khu vực 2

1

Số 01, đường Bùi Thị Xuân

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

5

Nhà Văn hóa khu vực 3

1

Đầu Hẻm 52, đường Hùng Vương

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

6

Nhà Văn hóa khu vực 4

1

Cạnh số 35/53, đường Phạm Ngũ Lão

1

Tiếp tục làm Nhà Văn hóa khu vực

7

Trạm Y tế phường Thái Bình

1

Đường Yết Kiêu

1

Sử dụng làm nhà văn hóa khu vực 3 (thay thế Nhà văn hóa cũ có diện tích quá nhỏ)

8

Trụ sở Công an phường Thới Bình

1

Số 39, đường Phan Đăng Lưu

1

Sử dụng làm nhà văn hóa khu vực 1 (Nhà văn hóa cũ có diện tích quá nhỏ)

V

Trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận

1

Số 71A, đường Hùng Vương

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, giao cho Trường Tiểu học Thới Bình 1 sử dụng để cải tạo thành dãy phòng học bộ môn của Trường đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

VI

Trụ sở Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận

1

Số 7-7A, đường Lý Tự Trọng

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí trụ sở cho Phòng Quản lý đô thị quận (trụ sở chính)

VII

Trụ sở Phòng Quản lý đô thị quận

1

Số 30, đường Hồ Xuân Hương, phường Thới Bình

1

Giữ lại tiếp tục sử dụng, bố trí cho phòng Quản lý đô thị sử dụng (trụ sở phụ, chứa tài liệu, vật chất)

VIII

Sự nghiệp giáo dục

2

2

0

0

0

1

Trường Tiểu học Thới Bình 1 (điểm A)

1

Số 73, đường Hùng Vương

1

Tiếp tục sử dụng

2

Trường Tiểu học Thới Bình 1 (điểm B)

1

Số 132/42/39, đường Hùng Vương

1

Tiếp tục sử dụng

CỘNG

39

37

1

1

0

* Ghi chú:

Sau khi sắp xếp đầy đủ trụ sở hoạt động phường mới, tiếp tục rà soát sắp xếp, hoán đổi vị trí phù hợp, đảm bảo vị trí thuận tiện, đủ diện tích hoạt động cho các phòng, ban, đơn vị quận Ninh Kiều, các cơ sở dôi dư còn lại mới sắp xếp phương án bán đấu giá.



[1] Theo nguồn kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cung cấp lại Công văn số 2696/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023 (hướng dẫn tại Công văn số 6043/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cung cấp số liệu diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

[2] Theo nguồn số liệu dân số thực tế thường trú và dân số tạm trú quy đổi tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 do Công an thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 1848/CATP-QLHC ngày 22 tháng 8 năm 2023.

[3] Phường An Cư có diện tích tự nhiên: 0,61 km2 và quy mô dân số: 23.313 người; Phường An Nghiệp có diện tích tự nhiên 0,35 km2 và quy mô dân số: 7.635 người: Phường An Phú có diện tích tự nhiên 0,50 km2 và quy mô dân số: 10.851 người: phường Thới Bình có diện tích tự nhiên: 0.53 km2 và quy mô dân số: 14.565 người.

[4] Nguồn tài liệu từ website https://vi.wikipedia.org.

[5] Theo nguồn kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 2696/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2023 (hướng dẫn tại Công văn số 6043/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 28 tháng 7 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cung cấp số liệu diện tích tự nhiên của các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

[6] Theo nguồn số liệu dân số thực tế thường trú và dân số tạm trú quy đổi tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2022 do Công an thành phố Cần Thơ cung cấp tại Công văn số 1848/CATP-QLHC ngày 22 tháng 8 năm 2023.

[7] Quyết định số 4174/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

[8] Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông-lâm-thủy sản an toàn được 99 chuỗi, với 260 sản phẩm đang hoạt động theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL ngày 20/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

[9] Hình thành vùng chuyên canh rau màu tập trung 229 ha, sản lượng 28.390 tấn; trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương 18 ha.

[10] Hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích 10.392 ha, sản lượng trên 100 ngàn tấn. Năm 2022, đã cấp 28 mã số cho 13 vùng trồng với tổng diện tích 205 ha, lũy kế đã cấp và quản lý 49 mã vùng trồng, tổng diện tích bao tiêu trong mã vùng trồng là 631 hộ; 71 điểm vườn kinh doanh du lịch.

[11] (chonongsancantho.vn; voso.vn; postmart.vn). Đến nay, có trên 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn thương mại điện tử, gấp 5,9 lần so KH.

[12] Trong đó: Diện tích xuống giống lúa Đông Xuân 76.039 ha, vượt 0.47% KH, giảm 1% so cùng kỳ; lúa Hè Thu 73.506 ha, vượt 2% KH, giảm 2%; lúa Thu Đông đã xuống giống 66.839 ha, vượt 14% KH, giảm 5%. Hàng vụ duy trì thực hiện 136 - 140 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 33.000 - 35.000 ha: có 992 ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương.

[13] Bao gồm: Lúa Đông Xuân sản lượng thu hoạch 564.007 tấn, vượt 6% KH, giảm 2% so cùng kỳ; lúa Hè Thu 434.255 tấn, vượt 4% KH, giảm 3.21%; lúa Thu Đông 368.331 tấn, vượt 24% KH, giảm 6%.

[14] Thành phố hiện có 271 trang trại chăn nuôi, 04 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, 04 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP, 05 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật.

[15] Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đạt 296 ha.

[16] Tổ chức 28 Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố thực hiện năm 2022 và năm 2023; tổ chức Hội đồng tuyển chọn, xét giao tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện 14 nhiệm vụ KH&CN, vượt 10% KH; ký kết hợp đồng thực hiện 11 nhiệm vụ KH&CN; nghiệm thu 10 nhiệm vụ KH&CN, đạt 100% KH; 90% nhiệm vụ KH&CN hoàn thiện sản phẩm sau nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN cho 04 tổ chức KH&CN.

[17] Tổ chức Hội thảo Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tổ chức thành công Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2022 -Techfest Mekong 2022 với sự chủ trì của Bộ KH&CN và UBND thành phố Cần Thơ cùng sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, diễn ra với 12 sự kiện chuyên sâu, quy tụ 100 gian hàng triển lãm, trưng bày trực tiếp, 30 gian hàng trực tuyến giới thiệu các sản phẩm dự án KNĐMST và sản phẩm khoa học công nghệ... đến từ các tỉnh ĐBSCL. Thông qua các sự kiện, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các chuyên gia, nhà đầu tư về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những quan điểm, những góc nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, những vấn đề đã được đặt ra, những kiến nghị cũng đã được đưa ra, và những kinh nghiệm quý báo từ cách thức vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc tế. Đây sẽ là nguồn năng lượng mới, nguồn sinh khí mới cho hệ sinh thái KNĐMST vùng ĐBSCL trong thời gian sắp tới. Thành lập gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - “STARTUPS STORE” với hơn 80 sản phẩm khởi nghiệp của 21 đơn vị đến từ Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang.

Hoạt động Vườn ươm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cần thiết để doanh nghiệp tiến hành việc thí nghiệm mẫu tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Thực hiện các nghiên cứu cải tiến công nghệ, giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm.

[18] Thực hiện kiểm định 13.718 phương tiện đo; hiệu chuẩn 8.081 phương tiện đo; thử nghiệm 13.524 mẫu với 81.923 chỉ tiêu về các lĩnh vực...

[19] Hiện có 240 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ, thiết bị với tổng số sản phẩm chào bán là 11.536 sản phẩm: trong đó có 10.574 sản phẩm từ gian hàng, 44 sản phẩm đang đấu giá và 918 sản phẩm từ các nhà chào bán tự do với hơn 12.7 triệu lượt truy cập. Mỗi năm có trên 1.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị mới được cập nhật và hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được quan tâm, tìm kiếm trên sàn.

[20] Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn thành phố đạt 98.43%. Kết quả Kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia THPT đạt 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. Năm 2022, thành phố Cần Thơ có 01 HS đoạt huy chương Đồng Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (Đây là năm thứ hai liên tiếp, học sinh thành phố Cần Thơ đoạt giải tại kỳ thi cấp quốc tế). Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 có 11.425 thí sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập, đạt 99.37% so với chỉ tiêu kế hoạch.

[21] Giới thiệu phần mềm dạy học trực tuyến ViOLET đến các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố; tập huấn sử dụng phần mềm Office 365 cho 300 viên chức các trường THCS, THPT. 100% cơ sở giáo dục trung học tổ chức quản lý hồ sơ, sổ sách của GV trên môi trường số; quản lý hoạt động dạy học được sử dụng thông qua ứng dụng thông tin. 100% cơ sở giáo dục đều có sử dụng các phần mềm, ứng dụng khác nhau trong tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến đối với thời điểm và nội dung phù hợp. 100% học sinh đều có học bạ điện tử...

[22] Triển khai Chương trình GDMN theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trễ, các giải pháp xây dựng mới trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ trong cơ sở GDMN.

Triển khai các điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018, 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022 - 2023 được tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới. Công tác biên soạn, thẩm định và tổ chức triển khai các nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học theo Chương trình GDPT 2018 được triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đã trình Bộ GD&ĐT bản thảo tài liệu giáo dục địa phương lớp 3: đang hoàn thiện bản thảo tài liệu giáo dục địa phương lớp 7, lớp 10; tiếp tục biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, lớp 8, lớp 11, Thực hiện quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Năm học 2022 - 2023, thành phố không xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa các cấp học, bậc học...

[23] Trong 447 trường, không kể Trường Dạy trẻ khuyết tật và Trường phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao.

[24] Lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/11/2022, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 6.428 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 5.639 trường hợp so cùng kỳ năm 2021; bệnh tay chân miệng ghi nhận 2.053 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 940 trường hợp; sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 03 trường hợp, không có tử vong, tăng 02 trường hợp; không ghi nhận trường hợp nhiễm Bạch hầu, SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1).

[25] Duy trì 05 cơ sở điều trị Methadone lại quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS: 05 cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thới Lai và Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ. Lũy tích điều trị Methadone cho 321 trường hợp. Tổng số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV là 4.766 người.

[26] Tiếp tục triển khai Dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, sơ sinh, Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh... Duy trì thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trên địa bàn. Thực hiện chương trình giám sát suy dinh dưỡng trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số.

[27] Trong đó Bác sĩ: 86 người (có 21 Bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng). Điều dưỡng: 64 người, Kỹ thuật y: 21 người, chuyên ngành khác: 60. Nhân viên ngành y tế nghỉ việc nguyên nhân chính là do áp lực công việc; bệnh viện ngoài công lập thu hút với mức lương cao.

[28] Trong đó Bác sĩ: 26 người, Y sĩ: 04 người, Dược sĩ đại học: 04 người, Dược sĩ cao đẳng: 02 người, Điều dưỡng đại học: 02 người, Điều dưỡng cao đẳng: 14 người, Kỹ sư: 04 người, Kỹ thuật y đại học: 02 người, Kỹ thuật y Cao đẳng: 01 người, Y tế công cộng đại học: 01 người, Luật: 01 người, Kế toán: 02 người, khác: 02 người.

[29] Trong đó có: 14 trường cao đẳng (05 trường cao đẳng đặt cơ sở tại Cần Thơ); 08 trường trung cấp (trong đó có 01 phân hiệu): 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 28 cơ sở khác có dạy nghề.

[30] Trong đó có 153 hộ nghèo vay số tiền 5.294 tỷ đồng, 673 hộ cận nghèo số tiền 23.565 tỷ đồng.

[31] Chào năm mới: kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2022); Khánh thành Đền thờ vua Hùng tại thành phố Cần Thơ, Giỗ Tổ Hùng Vương; Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022; kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), ngày Quốc tế Lao động (01/3) và 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022); 77 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022);...

[32] Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 26/8/2022 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn thành phố. Tổ chức phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, di tích lịch sử - văn hóa. Đền thờ Vua Hùng thành phố, thu hút 534.404 lượt khách, vượt 167.2% KH. Thực hiện hồ sơ khoa học của 271 hiện vật, vượt 35.5% KH. Thực hiện điều tra, khảo sát di chỉ khảo cổ văn hóa Ốc Eo trên địa bàn thành phố. Triển khai thực hiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ”...

[33] Tổ chức 07 giải quốc gia tại thành phố. Phối hợp tổ chức Lễ Khai mạc và các trận thi đấu Giải Bóng đá hạng nhất quốc gia. Giải Futsal vô địch quốc gia…Tổ chức 09 giải thể thao cấp thành phố có 2.043 vận động viên tham dự, thu hút trên 8.400 lượt người xem.

[34] Thực hiện cấp mã định danh điện tử cho 28 bộ phận một cửa điện tử (19 sở ban ngành và 09 quận, huyện) và 83 xã, phường, thị trấn. Cập nhật, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, biểu mẫu, chế độ báo cáo; tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước; Đồng thời, số hóa và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu kết quả thủ tục hành chính cập nhật Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố cho phép thu thập, lưu trữ, tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, phân tích, xử lý, khai phá, hỗ trợ ra quyết định và chia sẻ cho các cơ quan thành phố sử dụng. Hệ thống thư điện tử thành phố, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả, trong năm 2022, số văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản thành phố 702.523/716.862 văn bản đạt tỷ lệ 98%. Tăng cường triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số đạt 98%. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai cho 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn với 130 điểm cầu. UBND thành phố ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022: Chỉ thị số 02/CT-UBND về tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện CCHC lại các quận, huyện và Hội thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2022. Thực hiện chuyên mục CCHC với 12 số phát sóng và 03 chương trình “Gặp gỡ và đối thoại về CCHC”...

[35] Giao 1.916 thanh niên cho các đơn vị nhận quân, đạt 100%. Thực hiện chặt chẽ các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023.

[36] Tính từ ngày 01/12/2021 đến ngày 3 1/10/2022: (1) Tội phạm về trật tự xã hội: Xảy ra 537 vụ, giảm 32 vụ so cùng kỳ, điều tra khám phá 478 vụ, bắt, xử lý 695 đối tượng, tỷ lệ điều tra đạt 89% (trong đó điều tra, khám phá 32/33 vụ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, bắt, xử lý 40 đối tượng, tỷ lệ điều tra đạt 96.9%). (2) Tội phạm về tham nhũng, chức vụ: Đã khởi tố, điều tra 04 vụ, 02 bị can về các tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tăng 01 vụ so cùng kỳ. (3) Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế: Phát hiện 170 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tăng 34 vụ so cùng kỳ, khởi tố 19 vụ, 27 bị can, xử phạt hành chính 113 vụ, với số tiền 2.5 tỷ đồng. (5) Tội phạm sử dụng công nghệ cao: Triệt phá 04 vụ, tăng 03 vụ. (6) Công tác phòng, chống tội phạm ma túy: Phát hiện, triệt phá 255 vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, bắt, xử lý 360 đối tượng, giảm 94 vụ. (7) Tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm: Phát hiện, xử lý 113 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tăng 25 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 70 vụ số tiền 1.165 tỷ đồng....;

[37] Thành lập 962 Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án từ cấp thành phố đến cấp huyện, xã và khu vực/ấp trên địa bàn thành phố. Tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố. Thông báo đủ 100% mã số định danh cho công dân, cấp 944.003 thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử (đạt 81.3%)...

[38] Kiểm tra phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 02 tổ chức, 108 cá nhân vi phạm hành chính trên lĩnh vực xuất, nhập cảnh.

[39] Vận động, thu hồi 927 vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ và đạn các loại; xử phạt vi phạm hành chính 155 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự, số tiền 518.5 triệu đồng; xử phạt 20 trường hợp vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu.

[40] Công văn số 2386-CV/BTCTU ngày 30 tháng 01 năm 2024.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Đề án 05/ĐA-UBND ngày 11/06/2024 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Thành phố Cần Thơ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


676

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.190.244
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!