Chính sách mới >> Tài chính 08/03/2012 23:02 PM

Ngừng nghiệp vụ môi giới: Lối thoát cho công ty chứng khoán?

08/03/2012 23:02 PM

Sau một thời gian dài rơi vào tình cảnh đìu hiu, thị trường chứng khoán 2012 đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Đến lúc này, nhiều người bỗng “tiếc” cho những Cty chứng khoán từ bỏ nghiệp vụ môi giới – lĩnh vực vốn mang lại nhiều lợi nhuận cho các đơn vị này.

Khi TTCK đi xuống, hơn 100 Cty chứng khoán phải cùng tranh giành “miếng bánh môi giới” đã khiến hoạt động này rơi vào trạng thái khó khăn, thậm chí ở nhiều Cty, doanh thu môi giới không đủ để trả phí lưu ký. Trong bối cảnh kinh doanh gặp khó, nhiều Cty đã quyết định “chia tay” với môi giới chứng khoán.

Chia tay

Khai màn cho quyết định này phải kể đến CTCK Gia Anh vào năm 2009. Vào tháng 3/2009, đơn vị này đã bỏ hết các nghiệp vụ môi giới, tự doanh và lưu ký chứng khoán. Theo đó, toàn bộ các tài khoản giao dịch chứng khoán của khách hàng được chuyển giao sang CTCP Chứng khoán An Phát (HNX: APG) quản lý. Tiếp đó, vào tháng 12/2009, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ban hành quyết định chấm dứt tư cách thành viên của CTCK Gia Anh vì không đáp ứng đủ điều kiện.

Sau chứng khoán Gia Anh, phải kể đến Cty chứng khoán Đông Dương (DDSC). Vào giữa tháng 12/2011, DDSC có thông báo gửi khách hàng về việc tạm ngưng nghiệp vụ môi giới với lý do thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng ngốn chi phí lớn và chuyển khách hàng qua Kim Eng.

Ngay sau khi DDSC thông báo tạm ngừng nghiệp vụ môi giới, thì CTCP Chứng khoán Trường Sơn (TSS) cũng có công văn đề nghị chấm dứt tư cách thành viên vào cuối tháng 12/2011. Với việc xin chấm dứt tư cách thành viên, TSS đã tự nguyện rời bỏ nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán. Tài khoản của nhà đầu tư được chuyển qua CTCP Chứng khoán Navibank (NVS).

Cty CP Chứng khoán SME cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngày 08/02/2012, sau nhiều lần gặp “sự cố” liên tiếp bị đình chỉ hoạt động giao dịch, đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ và mới nhất là bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động lưu ký và ngừng hoạt động giao dịch tại HOSE kể từ 10/2/2012 (để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên) sau khi liên tục vi phạm các quy định và mất khả năng thanh toán, đơn vị này chính thức công bố thông tin bất thường về việc tạm dừng hoạt động môi giới từ 01/03 đến 31/08. Đồng thời, Cty cũng đóng cửa chi nhánh TPHCM và ngừng hoạt động lưu ký chứng khoán.

Gần đây nhất, khách hàng của CTCP Chứng khoán Hà Nội (HSSC) và thị trường lại đón nhận thông tin Cty đã hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục chấm dứt tư cách thành viên của HNX. Cụ thể, theo công văn số 225/CV-HSSC mà HNX đã nhận được ngày 15/12 về việc đề nghị chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại HNX, Cty đang hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục chấm dứt tư cách thành viên tại sở. Theo đó, HSSC sẽ rút nghiệp vụ môi giới kể từ ngày 17/02/2012.

Nói về nguyên nhân rời thị trường của hàng loạt Cty chứng khoán, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia phân tích bày tỏ quan điểm: điều này xuất phát từ việc cho ra đời quá nhiều Cty chứng khoán trong một thị trường được đánh giá là khá nhỏ bé, chưa có nhiều hàng hóa và dịch vụ chất lượng. Trong thời kỳ sôi động, nhiều Cty dù có rất ít khách hàng nhưng vẫn có thể tồn tại nhờ vào việc kinh doanh chứng khoán với giá cổ phiếu tăng lên từng ngày, nhưng tới thời kỳ thị trường đi xuống kéo dài và thậm tệ như trong vài năm qua thì thua lỗ gần như là đương nhiên bởi khoản thu chưa bù đắp được chi, trong khi còn gánh một khoản lỗ do tự doanh, do cho vay cầm cố,.. Cũng theo ông Dương, trong suốt một thời gian dài vừa qua, nhiều CTCK đã không tạo được niềm tin trong con mắt của các nhà đầu tư bằng việc khi trị trường sôi động, các DN đã làm mưa làm gió, chi phối thị trường trong một thời gian dài bằng những thủ đoạn như đội lái, đánh lên đánh xuống, hợp tác đầu tư... Vậy nên khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu, vào CTCK và rút tiền ra cũng là lúc các thành viên của thị trường không còn hoặc còn ít đất sống nên việc các đơn vị này “chia tay” nghiệp vụ môi giới cũng là điều dễ hiểu.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh, UBCK cho rằng lý do khiến các Cty rời bỏ nghiệp vụ môi giới là do các Cty này không còn thấy nghiệp vụ môi giới tạo ra lợi nhuận cho cổ đông Cty. Theo ông Sơn, thực tế trong thời gian qua cho thấy, TTCK VN đã và đang phải trải qua giai đoạn suy thoái nghiêm trọng, môi trường kinh doanh của các CTCK đang ở giai đoạn rất khó khăn. Không những thế, năm 2012, khả năng TTCK phục hồi còn chưa rõ ràng, đã khiến nhiều các CTCK buộc phải đặt các nghiệp vụ nói chung, môi giới nói riêng lên bàn cân để cân nhắc. Trong bối cảnh này, dư luận nên nhìn nhận việc CTCK rút nghiệp vụ môi giới là bình thường, vì đồng vốn của DN (CTCK) phải chảy vào những nơi sinh lợi tốt hơn.

Có dễ quay lại

Những ngày qua, thị trường tăng điểm mạnh, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là cơ hội cho những Cty chứng khoán đã rút bớt nghiệp vụ môi giới sớm quay trở lại với thị trường.

Năm 2012, khả năng TTCK phục hồi còn chưa rõ ràng, đã khiến nhiều các CTCK buộc phải đặt các nghiệp vụ lên bàn cân để cân nhắc

Giám đốc một Cty chứng khoán (đề nghị không nêu tên) phân tích, khi các đơn vị này từ bỏ nghiệp vụ môi giới cũng có nghĩa là bản thân các Cty chứng khoán đó đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, có thể là đã hết tiền mặt nhưng tài sản và các giá trị sổ sách vẫn còn nên họ vẫn giữ được các nghiệp vụ đầu tư chứng khoán. “Có thể những đơn vị này đang tái cơ cấu và chờ thị trường thay đổi để tìm các nguồn vốn mới hoặc có thể chuyển nhượng, bán cho các cổ đông mới”, vị này nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, ông Dương – chuyên gia phân tích nhận định, với những Cty đã hủy nghiệp vụ môi giới như Cty chứng khoán… chứng tỏ bản thân họ đã hết năng lực nên việc tổ chức lại bộ phận môi giới là cực kỳ phức tạp vì phải tuyển dụng nhân viên, khôi phục lại hệ thống thông tin,… Như vậy, đối với những Cty này, để quay lại thị trường sẽ phải cần một số vốn không nhỏ. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường hiện nay để thực hiện được điều đó là điều không hề dễ dàng.

Trong khi đó, ông Sơn - Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK, cho biết, định hướng của UBCK trong quá trình tái cấu trúc các CTCK cũng là khuyến khích các CTCK tự nguyện từ bỏ những nghiệp vụ mà đối với họ không có hiệu quả kinh tế. CTCK khi xin rút nghiệp vụ môi giới đã có sự cân nhắc kỹ, đã chọn lựa được CTCK khác để tiếp nhận số khách hàng của mình, bản thân các CTCK đã thỏa thuận về nhiều mặt, trong đó có quyền lợi nhà đầu tư và các nghĩa vụ liên quan, nên nhà đầu tư có tài khoản tại CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới không phải lo lắng. “UBCK không hạn chế, không khuyến khích và cũng không làm thay CTCK trong các quyết định xin rút nghiệp vụ môi giới. Đây là quyết định hoàn toàn tự nguyện của CTCK, trên cơ sở cân đối lợi ích cổ đông, lợi ích khách hàng của mỗi công ty” ông Sơn nhấn mạnh.

Nguyễn Phước

Diễn đàn doanh nghiệp

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,221

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn