Chính sách mới >> Tài chính 05/06/2012 08:25 AM

05/06/2012 08:25 AM

TTCK đã phản ứng không mấy tích cực sau thông tin lãi suất trần huy động được điều chỉnh giảm xuống 11% kể từ ngày 28/5. Đây là diễn biến bình thường khi mà mọi việc đã được dự đoán trước và chứng khoán cũng đã tăng khá mạnh trước đó. Hơn nữa, dù lãi suất giảm nhưng khi các DN chưa hồi phục thực sự thì chứng khoán sẽ khó tiếp tục đà tăng cao.

Lãi suất giảm, chứng khoán đi xuống

Cùng với quyết định giảm lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất tiền gửi bằng VND từ 28/5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay.

Xét về lý thuyết, đây là những thông tin tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) bởi doanh nghiệp sẽ dần được tiếp cận với lãi suất thấp hơn. Mặc dù vậy, trong vài phiên gần đây, giao dịch trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội tiếp tục rơi vào cảnh trầm lắng với sức cầu rất thấp. Thanh khoản hai sàn sụt giảm mạnh và chỉ dao động quanh mốc 1.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến giá nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm cho dù sức cung cổ phiếu cũng đang co lại.

Giải thích cho hiện tượng sức cầu thấp, các công ty chứng khoán (CTCK) đồng loạt cho rằng thị trường chưa đủ mạnh để thiết lập xu hướng tăng hay lợi nhuận kỳ vọng không tương xứng với mức độ rủi ro và chính các CTCK cũng đã khuyến nghị các nhà đầu tư nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn này.

Trên thực tế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ giờ cũng đã rất nhạy bén trên TTCK. Hầu hết họ đều nhận thấy TTCK đã tăng quá nhanh trong thời gian qua (hơn 40% trong 4 tháng đầu năm) và cần thời gian để thiết lập mặt bằng mới trước khi tăng tiếp theo đà phục hồi của nền kinh tế (nếu có). Hơn thế, cách đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là phải theo sóng.

Mặc dù vậy, có thể thấy, hiện tượng sức cầu giảm mạnh không đồng nghĩa với việc dòng tiền bị rút hẳn ra khỏi tài khoản của các nhà đầu tư. Sức cầu giảm một phần do tâm lý bầy đàn và xảy ra đối với cả những cổ phiếu có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Đây thực sự là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn và những nhà đầu tư chậm chân không vào được trong các con sóng trước.

Trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, hiện có không ít các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong 3-4 năm khó khăn vừa qua. Doanh thu và lợi nhuận không những không giảm mà còn tăng trưởng đều đặn.

Lãi suất ngân hàng đã giảm và có thể còn giảm thực chất hơn nữa từ giờ tới cuối năm (khi mà lạm phát được dự báo sẽ về mức 8-9%). Với chi phí tài chính thấp đi, lợi nhuận doanh nghiệp chắc chắn sẽ được cải thiện. Đây là cơ sở cho TTCK phát bền vững hơn.

Không có cơ hội cho DN yếu

Mặc dù khả năng TTCK sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn được đánh giá cao nhưng có một sự thật là trên các sàn chứng khoán hiện còn khá nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với khủng hoảng và cần nhiều năm để thoát ra khỏi tình trạng này. Trong khi đó, giá một số cổ phiếu đã tăng quá nhiều theo thị trường.

Trong tháng 5 vừa qua, một cổ phiếu thuộc dòng khoáng sản là MCV của CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Chỉ trong vài ngày đầu tháng 6, TTCK cũng sẽ chứng kiến sự “ra đi” của hai cổ phiếu nữa là VSP (hủy niêm yết bắt buộc từ 1/6) và CAD (từ 4/6).

Đây là những trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhiều năm liên tục và không còn đủ điều kiện để niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội.

Bên cạnh đó, trên thị trường còn có một số doanh nghiệp làm ăn phát đạt và nổi lên nhanh chóng trong vài năm trước đây nhưng hiện giờ đang ngập ngụa trong đống nợ nần.

Báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản chứng khoán Hà Nội cho thấy, khối nợ của doanh nghiệp này tới cuối Quý I/2012 lên tới hơn 5.000 tỷ đồng bằng 96% tổng tài sản. Mặc dù mới thua lỗ nhẹ trong năm 2011 và Quý I/2012 nhưng con số nợ tương đối và tuyệt đối nói trên cho thấy một sự rủi ro rất lớn.

Tình trạng nợ đầm đìa như trên không hề hiếm trên TTCK Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn thua lỗ nhiều năm liên tiếp hoặc nợ nần chồng chất và chưa có lỗi thoát như: BAS, VKP, VSG, TLC, SHC, THV

Hơn thế, việc tiếp cận với lãi suất giá rẻ cũng sẽ không hề dễ dàng. Các ngân hàng vẫn đang phải vật lộn với nợ xấu. Do đó, chắc chắn sẽ khó có trường hợp các tổ chức này nới lỏng tín dụng theo kiểu hạ chuẩn lãi vay. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp vốn đã và đang hoạt động tốt sẽ sớm có cơ hội tiếp cận với vốn vay lãi suất ngày càng thấp, trong khi đó các doanh nghiệp yếu kém sẽ ngày càng tới gần bờ vực thẳm.

TTCK có lẽ sẽ có bước thanh lọc lớn về chất lượng hàng hóa. Do dó, dù lãi suất có giảm nhưng nếu DN không có lãi chứng khoán cũng khó tăng bền vững.Vì thế, mới có nghịch lý là chứng khoán cảnh giác với lãi suất.

Mạnh Hà

Vietnamnet

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,755

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]