Chính sách mới >> Tài chính 23/04/2012 13:33 PM

23/04/2012 13:33 PM

Hàng loạt quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và loại bỏ hàng loạt các đối tượng ra khỏi danh sách hạn chế cho vay là các chỉ dấu rõ nét nhất cho động thái nới lỏng tín dụng từ phía NHNN.

Thị trường có thể có thêm chỉ dấu mới nếu bản dự thảo thay thế thông tư 13 tới đây được thông qua.

Động thái vĩ mô mới

Dù NHNN vẫn giữ duy trì tỉ lệ an toàn vốn ở mức 9%, một số tổ chức đầu tư sớm nhận thấy những thay đổi mang tính kỹ thuật để nới lỏng dòng tín dụng từ dự thảo thông tư thay thế thông tư 13 vừa được NHNN công bố. Nếu được thông qua và có hiệu lực từ 1.6 tới, dự thảo sửa đổi thông tư 13 quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD sẽ bãi bỏ nhiều điều khoản hạn chế cho vay CK. Cụ thể, hệ số rủi ro đối với khoản cho vay, đầu tư kinh doanh BĐS, CK sẽ giảm từ 250% xuống 150% và đây là một động thái nới lỏng rõ rệt nhất, dù hệ số rủi ro này vẫn còn cao hơn so với mức 100% trước khi thông tư 13 ra đời. Theo nhiều đánh giá, với mức điều chỉnh này, các TCTD sẽ có thêm “room” để tăng tín dụng trong hai lĩnh vực CK và BĐS, hoặc không phải thu hồi bằng mọi giá để đáp ứng yêu cầu tỉ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu của NHNN. Dự thảo cũng bổ sung “tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức” vào tổng tiền gửi của các TCTD và thay đổi này sẽ nâng đáng kể tổng tiền gửi của NH lên bởi tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức được cho là rất lớn. “Với việc nâng tổng tiền gửi lên, điều này ngầm hàm ý sẽ đồng thời nâng mức cho vay so với trước dù không chính thức điều chỉnh tỉ lệ cho vay trên huy động” – phân tích của một tổ chức đầu tư nhận định.

Cũng theo các đánh giá trên, việc nới lỏng tín dụng cho BĐS có thể coi là một gói kích cầu khi lĩnh vực BĐS có mối quan hệ mật thiết với rất nhiều lĩnh vực quan trọng khác trong nền kinh tế như xây dựng, vật liệu xây dựng, giải quyết nợ xấu NH. Chính vì vậy, việc mở tín dụng cho BĐS sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho, tạo ra sự chu chuyển vốn cho nền kinh tế và khi lĩnh vực này được tháo gỡ phần nào, nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ được tháo gỡ (đặc biệt là nợ xấu NH). Đáng lưu ý, nếu giải quyết khéo có thể thúc đẩy được tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế (hiện đang chỉ ở mức 4% do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua). Với các tác động trên, những thay đổi trong Thông tư 13 được đánh giá sẽ là động thái vĩ mô quan trọng đối với nền kinh tế nói chung và thị trường CK, BĐS nói riêng sau khi lạm phát hạ nhiệt.

Lãi suất nhìn từ trái phiếu

Thực tế cho thấy, cùng với các đợt điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN, lãi suất trên thị trường trái phiếu cũng có xu hướng điều chỉnh giảm bám sát với xu hướng giảm lãi suất thị trường tiền tệ và sự cải thiện thanh khoản NH. Số liệu phân tích cho thấy, lợi suất trái phiếu chính phủ liên tiếp giảm từ trung tuần tháng 12.2011 và đến thời điểm cuối tháng 3.2012, lãi suất trái phiếu 5 năm chỉ ở mức 11,44%, giảm thấp hơn so với mức thấp nhất trong vòng 1 năm (mức 11,86% của tháng 3.2011) trong khi đó các kỳ hạn dưới 5 năm chủ yếu xoay quanh mức 10,5 - 11,5% và đặc biệt kỳ hạn 7 năm, lợi suất chỉ khoảng 9,5%. Cùng thời điểm trên thị trường liên NH, theo số liệu theo dõi của một tổ chức đầu tư, lãi suất bình quân qua đêm cũng ở mức 10,98%/năm, 1 tuần ở 10,13%/năm và 1 tháng ở 12,03%năm. Đáng lưu ý, dù NHNN liên tục hút ròng vốn trên thị trường mở (OMO) với giá trị lên tới 120.000 tỉ đồng trong tháng 2 và tháng 3, giao dịch trên thị trường liên NH vẫn sôi động. Lãi suất thỏa thuận giữa các NH trên thị trường liên này cũng giảm rất mạnh, thậm chí tuần đầu tháng 3, lãi suất qua đêm liên NH giảm về 9,66% và các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần chỉ quanh 10%/năm.

Trên cơ sở các giao dịch trái phiếu trong 3 tháng đầu năm, một phân tích cho thấy, sự cải thiện tích cực của thanh khoản và độ tín nhiệm của các ngân hàng, xu hướng giảm lãi suất, nhu cầu và sự kỳ vọng tăng giá trái phiếu làm cơ sở đáng tin cậy cho lựa chọn đầu tư trái phiếu. Đáng lưu ý, giá trị trái phiếu đến hạn trong quý I/2012 đạt mức đáo hạn cao nhất so với các quý khác trong năm, lên tới 40.000 tỉ đồng và chiếm tới 53% tổng giá trị trái phiếu đến hạn cả năm 2012 (75.000 tỉ đồng). Một trong các diễn biến quan trọng cùng với xu hướng giảm của lãi suất thị trường là nhu cầu nắm giữ trái phiếu càng tăng dần trong khối các NHTM, đưa tỉ lệ sở hữu trái phiếu lên tới 90% tổng khối lượng toàn thị trường. Khối lượng trúng thầu càng tăng dần sau khi mức CPI tháng 2, tháng 3 được công bố thấp hơn so với dự báo.

Theo Ngọc Tú

Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,470

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]