Chính sách mới >> Tài chính 01/11/2024 16:18 PM

Kết luận 97 cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào đâu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
01/11/2024 16:18 PM

Kết luận 97-KL/TW ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào đâu?

Kết luận 97 cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào đâu?

Ngày 16/10/2024, Thủ tướng có Công điện 107/CĐ-TTg cho ý kiến đối với 02 nội dung điều chỉnh liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước và 02 nội dung tại Báo cáo về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, trong đó có đề cập một số nội dung của Kết luận 97-KL/TW ngày 05 tháng 10 năm 2024 của Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII.

Theo đó, tại Kết luận 97-KL/TW, Trung ương đồng ý: “Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ”.

Như vậy, Kết luận 97 cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương.

Ngoài ra, Kết luận 97-KL/TW yêu cầu: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thu chi NSNN, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; khẩn trương thực hiện Kết luận 93-KL/TW và tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả NSTW và NSĐP) theo hướng tăng cường tính chủ đạo của ngân sách trung ương và nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt của ngân sách địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả ngân sách trung ương và địa phương) theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư”.

Kết luận 97 cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào đâu?

Kết luận 97 cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư vào đâu? (Hình từ internet)

Trước đó, Thông báo 465/TB-VPCP năm 2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương do Văn phòng Chính phủ ban hành, cũng có đề cập đến việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư như sau:

2. Về việc được vay vốn với lãi suất thấp hoặc tạm sử dụng từ nguồn cải cách tiền lương để bổ sung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm của Vùng và tỉnh:

...Giao Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Khóa XV nội dung cho phép địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các công trình dự án.

Như vậy, sau khi được Quốc hội thông qua thì Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương.

Nguồn cải cách tiền lương năm 2025

Nội dung đề cập tại Thông tư 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027.

Năm 2025, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để cải cách tiền lương theo quy định.

Trong đó: Các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ);

nguồn tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý;

Các khoản được loại trừ theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2022), bao gồm 70% tăng thu thực hiện năm 2024 so dự toán năm 2024, 50% tăng thu dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao;

50% phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo phương án đề xuất của địa phương quy định tại Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ;

Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 còn dư; số thu được để lại theo chế độ năm 2025.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn