02 mốc thời gian về cải cách tiền lương mà cán bộ, công chức cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
09/10/2024 10:15 AM

Tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị đã nêu ra 02 mốc thời gian triển khai thực hiện chính sách cải cách tiền lương liên quan đến cán bộ, công chức.

02 mốc thời gian về cải cách tiền lương mà cán bộ, công chức cần biết

02 mốc thời gian về cải cách tiền lương mà cán bộ, công chức cần biết (Hình từ Internet)

Tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị đã đưa ra các nội dung kết luận về cải cách tiền lương của cán bộ, công chức; trong đó có việc đưa ra 02 mốc thời gian triển khai thực hiện chính sách này.

Mốc thời gian cải cách tiền lương trong năm 2025

- Đối với khu vực doanh nghiệp

Ngoài việc tăng mức lương tối thiểu vùng (theo tháng và theo giờ) từ ngày 01/7/2024 thì cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 01/01/2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp.

Theo nội dung mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 liên quan đến cải cách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp thì từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025 và tiến tới giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vào năm 2030.

(Điểm 2.2 Mục 2 Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018)

- Đối với khu vực công (gồm cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang)

Theo Kết luận 83-KL/TW năm 2024, sau năm 2026 nếu hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và sau khi nghiên cứu tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công thì Trung ương sẽ xem xét cải cách toàn diện chính sách tiền lương.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng nêu rõ, chính sách cải cách tiền lương sẽ bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 và quy định hiện hành của pháp luật để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chính sách có liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Do đó, trong năm 2025, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vẫn sẽ chưa thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Mốc thời gian cải cách tiền lương trong năm 2026

Như đã đề cập ở trên, tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024 về cải cách tiền lương, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 và đề xuất thực hiện 05 bảng lương, 09 chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Sau đó, trình Trung ương xem xét sau năm 2026 sẽ thực hiện cải cách tiền lương khi Bộ Chính trị đã ban hành, triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Theo đó từ năm 2026, chính sách cải cách tiền lương cho khu vực công sẽ có thể thực hiện.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, dự kiến sẽ xây dựng và ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, cụ thể:

- Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã;

- Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương;

- Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 692

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn