Những thông tin triển khai nội dung cải cách tiền lương năm 2025 theo Kết luận 83 (Hình từ internet)
Cụ thể tại khoản 8 Mục III BÁO CÁO TÓM TẮT Kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ có nêu:
Triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương theo Kết luận 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2025) về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Như vậy, triển khai nội dung cải cách tiền lương theo Kết luận 83 của Bộ Chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Nội vụ.
Cũng theo BÁO CÁO TÓM TẮT của Bộ Nội vụ có nêu: Hoàn thành nhiệm vụ tham mưu thực hiện chính sách cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung cao độ xây dựng Tờ trình và Báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành Kết luận 83-KL/TW làm cơ sở để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết 142/2024/QH15; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thảo luận kỹ lưỡng, tính toán các phương án tối ưu, khả thi nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cải cách tiền lương theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện đầy đủ cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công.
Trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); bổ sung quy định Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quỹ tiền lương của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được đông đảo cán bộ công chức viên chức phấn khởi đón nhận; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Trong Kết luận 83-KL/TW 2024, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, có 9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới gồm: (1) Phụ cấp kiêm nhiệm; (2) Phụ cấp thâm niên vượt khung; (3) Phụ cấp khu vực; (4) Phụ cấp trách nhiệm công việc; (5) Phụ cấp lưu động; (6) Phụ cấp ưu đãi theo nghề; (7) Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (8) Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; (9) Phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang.