Cho đến khi cải cách tiền lương: Tiếp tục áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong ĐVSN ngành, lĩnh vực lao động, người có công và XH

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
13/11/2024 10:30 AM

Theo Thông tư 11 của Bộ LĐTB&XH, tiếp tục áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong ĐVSN ngành, lĩnh vực lao động, người có công và XH đến khi cải cách tiền lương.

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo được tiếp tục thực hiện đến khi cải cách tiền lương (Hình từ internet)

Tiếp tục áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đến khi cải cách tiền lương

Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/12/2024, có quy định:

Điều 6. Quy định chuyển tiếp

...

3. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại Điều 5 được áp dụng cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo quy định này, sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo Điều 5 Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH đến khi thực hiện cải cách tiền lương.

Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý

Điều 5 Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH quy định về phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý như sau:

(1) Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý

TT

Chức danh

Hệ số phụ cấp chức vụ

Hạng I

Hạng II

Hạng III

Hạng IV

1

Giám đốc

0,7

0,6

0,5

0,3

2

Phó Giám đốc

0,5

0,4

0,3

0,2

3

Trưởng phòng và tương đương

0,3

0,25

0,20

0,15

4

Phó trưởng phòng và tương đương

0,25

0,20

0,15

0,10

(2) Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

**Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ chức sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ:

Số TT

Chức danh lãnh đạo

Hệ số

1

Giám đốc

0,60

2

Phó Giám đốc

0,40

3

Trưởng phòng

0,30

4

Phó Trưởng phòng

0,20

Nội dung cải cách tiền lương tại Kết luận 83 với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Theo Kết luận 83, việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Theo đó thực hiện 7 nội dung sau:

(1) Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.

(2) Thực hiện chế độ tiền thưởng từ ngày 01/7/2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản). Quy định chế độ tiền thưởng gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của người hưởng lương, kịp thời động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng 2022.

(3) Hoàn thiện chế độ nâng lương phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

(4) Quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm:

(i) Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang.

(ii) Từ nguồn ngân sách trung ương.

(iii) Từ một phần nguồn thu sự nghiệp.

(iv) Từ 10% tiết kiệm tăng thêm chỉ thường xuyên.

(v) Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.

(5) Hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập: Quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung, gồm:

(i) Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.

(ii) Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

(iii) Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo chủ trương tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

(iv) Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

(6) Thực hiện tiền lương và thu nhập của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù:

Giao Ban cán sự đảng Chính phủ: Chỉ đạo Chính phủ, các bộ, các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ thì thực hiện như sau:

Từ ngày 01/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.

(7) Về sửa đổi, bổ sung một số chế độ phụ cấp: Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu và quyết định việc sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, nhất là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 565

Bài viết về

Cải cách tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]