Đã có Nghị quyết 179 về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
22/02/2025 09:28 AM

Dưới đây là nội dung cập nhật Nghị quyết 179 về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Đã có Nghị quyết 179 về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (Hình từ internet)

Ngày 18/02/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 179/2025/QH15 về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sau tinh gọn bộ máy).

Nghị quyết 179/2025/QH15

Đã có Nghị quyết 179 về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV

Theo Điều 1 Nghị quyết 179/2025/QH15 thì số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là 19 người, gồm:

- Chủ tịch Quốc hội;

- 06 Phó Chủ tịch Quốc hội;

- 12 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết 179/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Nghị quyết 01/2021/QH15 ngày 20/7/2021 của Quốc hội về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV hết hiệu lực từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Quy định về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội

(1) Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

(2) Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ. Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.

(3) Nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(4) Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.

 (5) Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công tác của mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối của mỗi khóa Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình báo cáo công tác nhiệm kỳ để Quốc hội xem xét, thảo luận.

(Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, (sửa đổi, bổ sung 2020))

Trách nhiệm của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội

- Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công; tham gia các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Trong trường hợp được sự ủy nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc với bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác và báo cáo kết quả làm việc với Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(Điều 45 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

Thời gian tiến hành phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội

- Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên.

- Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(Điều 61 Luật Tổ chức Quốc hội 2014)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]