Chính sách mới >> Tài chính 07/05/2012 08:38 AM

Dự thảo mới về CTCK: Vừa quá lỏng vừa quá chặt

07/05/2012 08:38 AM

Các công ty chứng khoán có một năm kể từ ngày thông tư mới có hiệu lực để sửa đổi điều lệ và điều chỉnh các tỷ lệ đảm bảo theo quy định - đây là điều khoản cuối cùng của dự thảo. Nó cho phép các công ty chứng khoán thời gian dài để thích nghi với sự thay đổi, nhưng quan trọng là liệu sự thay đổi ấy có phù hợp với thực tế. Có không ít quy định quá lỏng hoặc quá chặt đang khiến các công ty chứng khoán bối rối.

Không được dự báo giá chứng khoán?

Theo điều 57 (các hành vi bị cấm) của dự thảo, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ đầu tư không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi dự báo giá của chứng khoán.

Mục đích của quy định trên mới nhìn thoáng qua khá tốt đẹp. Nó ngăn ngừa việc công ty chứng khoán đưa ra nhận định sai lệch, có thể kích nhà đầu tư mua bán một loại cổ phiếu, trái phiếu nào đó. Nhìn xa hơn, nó bảo vệ công ty niêm yết vì mọi động thái dẫn tới việc giao dịch một chứng khoán theo chiều giá lên hoặc xuống có thể tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của đơn vị đó.

Nhưng thực tế không như vậy. Cái khác cơ bản của chứng khoán so với các ngành nghề khác là sự biến động của giá cổ phiếu, trái phiếu. Không chỉ ở Việt Nam, mà tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nơi thị trường chứng khoán hoạt động, người ta dự báo giá cổ phiếu. Các tổ chức tài chính đều có bộ phận nghiên cứu, phân tích, dự báo sự biến động giá chứng khoán. Những dự báo đó mang tính tham khảo. Tổ chức càng chuyên nghiệp, kinh nghiệm, dự báo càng sát với thực tế, thì càng được người ta tham khảo nhiều. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới là người quyết định và tự chịu trách nhiệm về giao dịch của mình.

Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Đã từ nhiều năm nay những công ty chứng khoán lớn đều có bản tin phân tích, nhận định thị trường, đánh giá các công ty niêm yết, triển vọng cổ phiếu với giá mục tiêu khác nhau. Dự báo giá cổ phiếu sai, đúng là chuyện bình thường. Không ai thắc mắc giá cổ phiếu dao động đúng hay không đúng nhận định của công ty chứng khoán.

Tại sao một hành vi bình thường của chứng khoán như vậy lại bị dự thảo thông tư cấm?

Công ty chứng khoán không phải ngân hàng

Những quy định về hạn chế đầu tư, hạn chế vay nợ của dự thảo rất chặt, mang hơi hướng điều kiện đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính của tổ chức tín dụng. Chỉ có điều công ty chứng khoán không phải ngân hàng thương mại, nên nếu các quy định quá chặt đó được thực thi, nó sẽ bóp nghẹt hoạt động của một loại chủ thể trên thị trường.

Hãy xem điều 42 (hạn chế vay nợ). “Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá ba lần (giá trị tổng nợ không bao gồm tiền gửi giao dịch của khách hàng, quỹ phúc lợi khen thưởng, dự phòng trợ cấp mất việc, dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư); và nợ ngắn hạn tối đa bằng tài sản ngắn hạn”. Và “công ty chứng khoán chỉ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng”.

Khoan nói con số cố định ba lần có hợp lý. Chứng khoán Việt Nam với tuổi đời 12 vẫn đang được thế giới xếp vào hàng “cận biên”, chưa được lên mức “mới nổi” bởi sự biến động rất thất thường của nó. Chính từ sự thất thường mà con số cố định ba lần trở nên cứng nhắc. Lẽ ra tỷ lệ đó phải được điều chỉnh hợp lý theo thị trường. Ngân hàng Nhà nước đã rút ra bài học này. Thay vì quy định tỷ lệ cho vay chứng khoán là bao nhiêu phần trăm so với tổng dư nợ hay vốn tự có như trước đây, nay cơ quan quản lý ngành ngân hàng chủ trương tỷ lệ cho vay chứng khoán theo quy định từng thời kỳ. Tổng nợ và vốn chủ sở hữu là những định lượng thường xuyên thay đổi, nên mọi tỷ lệ liên quan đến chúng cần sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển.

Chứng khoán Việt Nam với tuổi đời 12 vẫn đang được thế giới xếp vào hàng “cận biên”, chưa được lên mức “mới nổi” bởi sự biến động rất thất thường của nó.

Thứ nữa, có nên cho phép công ty chứng khoán chỉ được vay tiền từ tổ chức tín dụng? Thời gian qua hoạt động ủy thác đầu tư của công ty chứng khoán bùng nổ. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cho công ty chứng khoán vay tiền. Trong hai năm thị trường con gấu 2010-2011, đa phần cá nhân, tổ chức ủy thác tiền cho công ty chứng khoán lỗ nặng.

Đây hoàn toàn là quan hệ dân sự và thuộc diện điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Nếu muốn ngăn ngừa hoạt động ủy thác đầu tư, mà quy định công ty chứng khoán chỉ được vay tiền từ ngân hàng, thì chẳng khác nào cực đoan. Doanh nghiệp thông thường được khuyến khích nhận sự góp vốn từ mọi thành phần kể cả người thân, bạn bè để kinh doanh. Ngân hàng là địa chỉ cuối cùng để vay mượn. Nhưng với công ty chứng khoán thì chỉ được vay ngân hàng.

Đầu vào của công ty chứng khoán là thế, còn đầu ra thì sao?

Theo điều 44 (hạn chế đầu tư), công ty chứng khoán không được mua, góp vốn mua bất động sản trừ trường hợp làm trụ sở hội sở, chi nhánh, phòng giao dịch; không được sử dụng quá 40% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua cổ phần hoặc tham gia góp vốn vào các tổ chức khác.

Hầu hết công ty chứng khoán có chức năng tự doanh, nên giới hạn 40% nói trên là eo hẹp. Với những công ty không có dịch vụ ký quỹ, hỗ trợ tài chính cho khách hàng, chỉ tập trung vào nghiệp vụ tự doanh, thì 40% là “khoảng vùng vẫy thiếu không khí”. Ngay cả khi công ty chứng khoán sử dụng 80-90% vốn chủ sở hữu để đầu tư cổ phiếu, mức độ an toàn cũng không phải đã đi quá xa. Còn sử dụng vốn vay để đầu tư là chuyện khác. Ở đây không nên nhầm lẫn giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay!

Cũng cần lưu ý là ngân hàng không được đầu tư vượt quá 11% vốn tự có vào một tổ chức bởi ngân hàng có chức năng huy động vốn trong dân, trong khi công ty chứng khoán không có chức năng này.

Các quy định mới về công ty chứng khoán là cần thiết, nhất là trong bối cảnh tái cơ cấu khối này đang được tiến hành. Tuy nhiên mới không có nghĩa là rời xa cuộc sống. Những quy định pháp luật không phù hợp với thực tế sẽ khó tồn tại lâu dài.

Lưu Hảo

TBKTSG

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,529

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]