Ngày 18/5/2012, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng và thi hành pháp luật thuế đối với các quỹ đầu tư chứng khoán” nhằm trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thi hành luật thuế đối với loại hình quỹ đầu tư chứng khoán. Cuộc hội thảo này là diễn biến mở đường cho việc giải quyết những bất cập trong chính sách thuế với loại hình quỹ đầu tư - mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp đang rất cần được khuyến khích.
Hình thức công ty quản lý quỹ và theo đó là quỹ đầu tư ra đời tại TTCK Việt Nam từ năm 2009, với đơn vị đầu tiên là Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM). Tính đến nay, Việt Nam có 47 công ty quản lý quỹ và khoảng 30 quỹ đầu tư. Tuy nhiên, vai trò của các quỹ đầu tư nội địa đã không như mong đợi, khi mức độ quan tâm của công chúng đối với loại hình đầu tư qua quỹ còn thấp và bản thân các quỹ chưa chứng minh được tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư trên thị trường.
Có nhiều lý do giải thích cho mức độ khiêm tốn của ngành quản lý quỹ và vai trò còn mờ nhạt của loại hình quỹ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, việc thiếu một chính sách thuế ưu đãi là một lý do trọng yếu. Phản ánh từ các công ty quản lý quỹ cho thấy, khó khăn lớn với các loại hình công ty này là Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích nhà đầu tư đầu tư thông qua quỹ. Thực tế, công ty quản lý quỹ không quá cần thiết được ưu đãi thuế, nhưng nhà đầu tư thì cần được khuyến khích bằng chính sách thuế, để tạo thói quen đầu tư qua quỹ, từ đó mới mong giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ, manh mún và hạn chế tâm lý bầy đàn trên thị trường.
Hiện nay, nhà đầu tư vào quỹ, cả cá nhân và tổ chức, chưa nhận được bất kỳ sự ưu đãi nào về chính sách thuế. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân, khi nhận cổ tức từ quỹ phải chịu thuế thu nhập 5%, còn nhà đầu tư tổ chức thì phải chịu thuế 25% trên lợi nhuận hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng.
Với định hướng phát triển TTCK thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn, trong đó, khuyến khích phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, không chỉ các công ty quản lý quỹ mà UBCK cũng cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên phát triển ngành quản lý quỹ bằng chính sách thuế dành cho nhà đầu tư. Sự ưu đãi này nhằm 2 mục tiêu: thứ nhất, khuyến khích những nguồn vốn nhỏ lẻ vào các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để giảm bớt tâm lý bầy đàn và sự biến động thất thường của TTCK; thứ hai là tạo nên những luồng vốn lớn cho đầu tư dài hạn, trực tiếp vào DN, vào nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho biết, từ hơn 1 tháng trước, VAFI đã có văn bản kiến nghị đến Bộ Tài chính về việc cần xây dựng 1 thông tư hướng dẫn riêng về thuế trong lĩnh vực chứng khoán. Không chỉ là thuế đối với quỹ đầu tư, mà còn cần định vị lại chính sách thuế đối với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức; chính sách thuế đối với việc đầu tư cổ phiếu (niêm yết, chưa niêm yết); đầu tư trái phiếu hay các công cụ phái sinh trên thị trường. Theo VAFI, quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận về nguyên tắc của Bộ Tài chính với dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Nếu gói 29.000 tỷ đồng miễn giảm thuế cho DN mà Bộ Tài chính mới xây dựng là giải pháp ứng cứu khẩn cấp, thì việc khuyến khích bằng chính sách thuế để khích lệ nhà đầu tư đến với TTCK nhằm khơi thông kênh huy động vốn qua thị trường này là giải pháp dài hạn, mà các thành viên thị trường rất mong đợi Bộ Tài chính chắp bút để thực thi.
Đầu tư chứng khoán