Chính sách mới >> Tài chính 03/08/2024 13:55 PM

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 11-NQ/TW 2017

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
03/08/2024 13:55 PM

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nội dung này đề cập tại Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.

Theo đó, Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017 đặt mục tiêu tổng quát: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Hình từ internet)

Như thế nào là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Theo Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2017, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến. Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Khẩu hiệu tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”

- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ chiến lược để phát triển nhanh và bền vững!

- Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, hiện đại, hội nhập quốc tế!

- Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

- Phát triển kinh tế tư nhân để giải phóng sức sản xuất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển!

- Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ!

- Phát huy phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa!

- Phấn đấu đến 2020 có một triệu doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân!

- Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân đạt 50% GDP vào năm 2020!

- Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thiện đầy đủ và vận hành có hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

(Theo Hướng dẫn 37-HD/BTGTW năm 2017)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,093

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]