Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng 2021

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thùy Liên
19/10/2020 11:18 AM

Điều kiện cơ bản để cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng 2021 (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018, cụ thể như sau:

 

hành nghề xây dựng

Cá nhân hành nghề xây dựng phải đáp ứng điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề (Ảnh minh hoạ).

Chứng chỉ hành nghề được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:

- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể:

+ Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;

+ Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;

+ Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

- Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.

Trong đó:

- Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực tối đa 05 năm. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.

- Lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, gồm:

(1) Lĩnh vực hành nghề khảo sát xây dựng.

(2) Lĩnh vực hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng.

(3) Lĩnh vực hành nghề thiết kế xây dựng công trình.

(4) Lĩnh vực hành nghề giám sát thi công xây dựng.

(5) Lĩnh vực hành nghề định giá xây dựng.

(6) Lĩnh vực hành nghề quản lý dự án.

Đối với mỗi lĩnh vực khác nhau, cá nhân phải đáp ứng điều kiện riêng ngoài điều kiện cơ bản nêu trên để được cấp chứng chỉ hành nghề cho các lĩnh vực đó.

Lưu ý: Đối với chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp

- Trường hợp cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng thì được công nhận hành nghề.

- Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý: Theo Khoản 2, Khoản 5 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 47,532

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]