Các đối tượng được quyền giao kết hợp đồng lao động

11/09/2019 10:45 AM

Về vấn đề này, ở phía người lao động thì chúng ta không cần bàn cãi, chắc chắn phải là người tham gia lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, về phía người sử dụng lao động thì chúng ta phải tìm hiểu kỹ để có câu trả lời chính xác.

hợp đồng lao động

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Bộ luật lao động 2012 quy định trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Bài viết này, sẽ làm rõ người sử dụng lao động trong trường hợp này là ai.

“Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” – Khoản 2 Điều 3 Bộ luật lao động 2012.

Như vậy có thể hiểu là người giao kết ở đây là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức… nhưng không phải chủ thể là nguyên một doanh nghiệp hay nguyên một tổ chức mà là người đại diện cho các tổ chức đó như thủ trưởng, chủ tịch UBND, chủ tịch hội, người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp…

Cụ thể điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về hợp đồng lao động có hướng dẫn như sau:

Bên người sử dụng lao động

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật hợp tác xã;

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức ủy quyền đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có sử dụng lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động;

- Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền đối với cơ quan, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại điện của nước ngoài hoặc quốc tế đóng tại Việt Nam;

- Chủ hộ hoặc người đại diện hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng lao động;

- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.

Bên người lao động

- Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động;

- Người đại diện theo pháp luật đối với người dưới 15 tuổi và có sự đồng ý của người dưới 15 tuổi;

- Người lao động được nhóm người lao động ủy quyền giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, kèm theo danh sách họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động ủy quyền.

Như vậy khi giao kết hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động cần chú ý đến vấn đề thẩm quyền để tránh hợp đồng bị vô hiệu, ảnh hưởng đến quyền lợi cả hai bên.

Hân Nguyễn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,203

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn