Đã có Dự thảo Nghị định xử phạt về phòng cháy chữa cháy mới nhất
Cụ thể Dự thảo Nghị định xử phạt về phòng cháy chữa cháy mới nhất sẽ có 04 chương và 41 điều luật.
- Chương I gồm 05 điều (từ Điều 1 đến điều 5) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính; Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
- Chương II gồm 22 điều (từ Điều 6 đến Điều 28) quy định về: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
- Chương III gồm 10 điều (từ Điều 29 đến Điều 37) quy định về: Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.
- Chương IV gồm 04 điều (từ Điều 38 đến Điều 41) quy định về hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.
Dự thảo Nghị định này quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà không quy định tại Dự thảo Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Đối tượng áp dụng Dự thảo Nghị định xử phạt về phòng cháy chữa cháy mới nhất gồm:
(1) Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh thổ, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam.
Trong đó, tổ chức nêu trên sẽ bao gồm:
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác;
- Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (trừ cá nhân) và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp;
- Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
- Ban Quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư;
- Các tổ chức khác được thành lập theo quy định.
(2) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Dự thảo Nghị định này.
Dự kiến Dự thảo Nghị định này sẽ có hiệu lực trong năm 2025 và Bãi bỏ các Điều 29, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 49, 50, 51 và khoản 1, khoản 2 Điều 30 của Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ xảy ra trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý.
Trường hợp Dự thảo Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng các quy định của Dự thảo Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Dự thảo Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.