Tải App trên Android

Đề xuất không xuất trình căn cước điện tử có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
07/11/2024 13:15 PM

Bộ Công an đang đề xuất cá nhân không xuất trình căn cước điện tử khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể bị phạt đến 500.000 đồng.

Đề xuất không xuất trình căn cước điện tử có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Đề xuất không xuất trình căn cước điện tử có thể bị phạt đến 500.000 đồng (Hình từ Internet)

Đây là một trong những nội dung đề xuất nổi bật liên quan đến xử phạt các hành vi bạo lực về kinh tế trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình được Bộ Công an đề xuất tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. (Bản dự thảo thứ 3)

Đề xuất không xuất trình căn cước điện tử có thể bị phạt đến 500.000 đồng

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất trường hợp cá nhân không xuất trình căn cước điện tử khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, cũng tại Dự thảo Nghị định, Bộ Công an cũng dự kiến đưa các quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến căn cước điện tử như sau:

(1) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp căn cước điện tử.

(2) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu chiếm đoạt, sử dụng trái phép căn cước điện tử của người khác.

(3) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu:

- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp căn cước điện tử nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp căn cước điện tử.

(4) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu:

- Làm giả căn cước điện tử nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Sử dụng căn cước điện tử giả nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Được biết, căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; trong đó, mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

Về giá trị sử dụng:

- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

(Khoản 17 Điều 3; khoản 1 Điều 31; Điều 33 Luật Căn cước 2023)

Quy định về cấp căn cước điện tử năm 2024

Cụ thể tại Điều 28 Nghị định 69/2024/NĐ-CP quy định về cấp căn cước điện tử như sau:

- Căn cước điện tử được thể hiện dưới dạng một tính năng, tiện ích của Ứng dụng định danh quốc gia thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử của công dân.

- Căn cước điện tử được cấp cùng với việc cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 02 cho công dân Việt Nam và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 10 Nghị định 69/2024/NĐ-CP.

- Việc sử dụng căn cước điện tử thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước còn hiệu lực trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

- Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thông tin lịch sử về việc sử dụng căn cước điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 05 năm kể từ thời điểm sử dụng.

- Bộ trưởng Bộ Công an quy định hình thức thể hiện của căn cước điện tử trên Ứng dụng định danh quốc gia.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 700

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]