Số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá sẽ được xác định như thế nào từ năm 2023? – Trung Kiên (Hà Tĩnh).
>> Xác định số lợi bất hợp pháp là tiền từ năm 2023 theo Thông tư 65/2022/TT-BTC
>> Điều kiện và thủ tục để cơ sở kinh doanh được cấp giấy phép môi trường
Từ ngày 01/01/2023, Thông tư 65/2022/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2022 của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết khoản 2 Điều 91 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 08 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính; điểm e, khoản 3, Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và khoản 2, Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP là vật, tiền, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác có được từ hành vi vi phạm hành chính mà tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Điều 2 Thông tư 65/2022/TT-BTC đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức Việt Nam (hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài) thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, giấy tờ có giá, vật và tài sản khác có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hoặc
- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nộp vào ngân sách nhà nước.
Xác định số lợi bất hợp pháp là giấy tờ có giá từ năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Số lợi bất hợp pháp có được bằng giấy tờ có giá là toàn bộ giấy tờ có giá mà tổ chức, cá nhân vi phạm thu được từ hành vi vi phạm hành chính.
Trong đó, giấy tờ có giá là các loại giấy tờ có giá theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của Luật chuyên ngành. Cụ thể:
Theo khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định "Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Như vậy, giấy tờ có giá là một loại tài sản theo luật dân sự.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN thì giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và những điều kiện khác.
Bên cạnh đó, khoản 2 và khoản 3 Thông tư 01/2012/TT-NHNN cũng nêu rõ giấy tờ có giá gồm các loại như sau:
- Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
- Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
Các loại giấy tờ có giá được quy định tại Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 thì giấy tờ có giá bao gồm:
- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác;
- Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu;
- Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ;
- Các loại chứng khoán :
+ Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
+ Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
+ Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác ;
- Trái phiếu doanh nghiệp.
Lưu ý:
- Trường hợp giấy tờ có giá đã được chuyển nhượng thì số lợi bất hợp pháp được xác định bằng số tiền thực tế thu được tại thời điểm chuyển nhượng.
- Trường hợp giấy tờ có giá đã bị tẩu tán, tiêu hủy thì số lợi bất hợp pháp được xác định theo giá trị sổ sách của tổ chức phát hành giấy tờ có giá tại thời điểm tẩu tán, tiêu hủy.
XEM CHI TIẾT CÁC CÔNG VIỆC PHÁP LÝ CẦN BIẾT TRONG QUÁ TRÌNH: |
||