Tôi định bán cá viên chiên tại khu du lịch, vậy tôi có cần Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm không? – Thái Linh (Hà Nam).
>> Thủ tục hành chính 2023: Không phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
>> Cách tìm hiểu và sử dụng văn bản pháp luật về Doanh nghiệp hiệu quả
Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm đã xác định bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (theo khoản 1 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm 2010). Có thể thấy, an toàn thực phẩm là mục tiêu quan trọng của các tổ chức, cá nhân khi tiến hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khoản 1 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về khái niệm an toàn thực phẩm, theo đó:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Qua khái niệm trên, ta thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn có nghĩa vụ thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mà mình đang sản xuất, kinh doanh. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ giúp cho thực phẩm hạn chế được nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Trường hợp không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn internet)
Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố (xem chi tiết khái niệm thức ăn đường phố tại khoản 26 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010)
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Mặc dù không phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên, tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải luôn tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng (theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
Khoản 6 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, khái niệm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
6. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người.
Từ quy định trên, ta thấy, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật hoặc những quy định khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành được áp dụng đối với:
- Thực phẩm;
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Có thể thấy, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi tiến hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm là thực hiện đúng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010 mặc dù không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.