Sau vụ việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của tập đoàn Tân Hoàng Minh, có thể thấy việc phát hành trái phiếu được pháp luật quy định rất nghiêm ngặt về điều kiện cũng như trình tự, thủ tục để tiến hành. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin mà doanh nghiệp cần nắm rõ trước khi phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước.
>> Hướng dẫn thủ tục nộp thông báo tạm ngừng kinh doanh trực tuyến
>> Hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi ngành nghề kinh doanh trực tuyến
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định: Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
Nói dễ hiểu hơn thì trái phiếu doanh nghiệp là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành (người vay tiền) phải trả một khoản tiền cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay). Đây là một trong những cách huy động vốn của doanh nghiệp.
Căn cứ Khoản 20 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, phát hành trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán trái phiếu không thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau:
- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện để phát hành trái phiếu riêng lẻ như sau:
Trường hợp 1: Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (là trái phiếu không thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông và không có quyền mua cổ phiếu phổ thông)
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần (CTCP) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty TNHH) được thành lập và hoạt động hợp pháp.
- Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận bởi Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty/chủ sở hữu công ty.
- Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Lưu ý: đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (không phải là công ty đại chúng) khi phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng từ thì không cần phải đáp ứng điều kiện về việc thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ đến hạn (điều kiện thứ 2 nêu trên).
Trường hợp 2: Trái phiếu chuyển đổi (có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông) hoặc trái phiếu kèm chứng quyền (có quyền mua một số cổ phiếu phổ thông)
- Doanh nghiệp phát hành là CTCP.
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược
- Đáp ứng các điều kiện giống như trong trường hợp phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền về:
+ Thanh toán trái phiếu đã phát hành và các khoản nợ;
+ Tỷ lệ an toàn tài chính,
+ Phương án phát hành trái phiếu;
+ Báo cáo tài chính.
- Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
- Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 1: Phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán); phát hành trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu
- Bước 2: Công bố thông tin trước đợt chào bán
- Bước 3: Tổ chức chào bán trái phiếu, phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu
- Bước 4: Thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu
Trường hợp 2: Phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng; phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu, gửi 01 bộ hồ sơ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)
- Bước 2: Sau khi UBCKNN chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán
- Bước 3: Tổ chức phát hành trái phiếu, tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Bước 4: Báo cáo kết quả chào bán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được cho UBCKNN.
- Bước 5: Giải tỏa số tiền thu được từ chào bán sau khi UBCKNN thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán.
- Bước 6: Thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.
Căn cứ quy định tại Điều 29 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước cần phải công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố cho Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu.
Nội dung công bố thông tin trước đợt chào bán (quy định tại Phụ lục I Thông tư 122/2020/TT-BTC) là các thông tin tóm tắt và cụ thể về đợt chào bán trái phiếu, bao gồm:
- Thông tin về người chịu trách nhiệm chính công bố thông tin;
- Thông tin về doanh nghiệp phát hành;
- Thông tin về đợt chào bán trái phiếu;
- Kế hoạch sử dụng tiền thu được từ đợt chào bán và kế hoạch thanh toán gốc lãi cho nhà đầu tư;
- Các tổ chức liên quan;
- Các rủi ro có thể xảy ra liên quan đến đợt chào bán trái phiếu.
Trên đây là quy định về Trái phiếu là gì? Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ trong nước. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý: