Hiện nay Tiêu chuẩn Quốc gia nào về chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi? Nguyên tắc chung được quy định như thế nào? – Bình An (An Giang).
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 04/02/2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 03/02/2024
Hiện nay, đang áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4832:2015: Tiêu chuẩn chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4832:2015 có một số nội dung nổi bật như sau:
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4832:2015 đưa ra các nguyên tắc cơ bản liên quan đến các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, danh mục và mức tối đa về các chất nhiễm bẩn và các độc tố có mặt tự nhiên trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4832:2015 chỉ đưa ra các mức tối đa về các chất nhiễm bẩn và các độc tố có mặt tự nhiên trong thức ăn chăn nuôi có thể truyền sang thực phẩm, có nguồn gốc từ động vật và liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Ảnh chụp một phần Lược đồ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể bị nhiễm bẩn bởi nhiều nguyên nhân và cách thức khác nhau. Sự nhiễm bẩn thường có tác động xấu lên chất lượng của thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi và có thể đưa đến rủi ro cho sức khỏe con người hoặc động vật.
Các mức nhiễm bẩn trong thực phẩm phải càng thấp càng hợp lý. Những hành động sau đây có thể ngăn ngừa hoặc giảm được sự nhiễm bẩn trong thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi:
- Ngăn ngừa sự nhiễm bẩn thực phẩm ngay tại nguồn, ví dụ: giảm sự ô nhiễm từ môi trường.
- Áp dụng công nghệ thích hợp trong sản xuất, vận chuyển, bảo quản, chế biến và bao gói thực phẩm.
- Áp dụng các biện pháp để khử nhiễm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi đã bị nhiễm bẩn và có các biện pháp ngăn ngừa thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi bị nhiễm bẩn đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để đảm bảo rằng đã có hành động thích hợp để giảm sự nhiễm bẩn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, cần soạn thảo Quy phạm thực hành bao gồm nguồn gốc liên quan đến các biện pháp và Thực hành sản xuất Tốt (GMP) cũng như Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP) liên quan đến vấn đề nhiễm bẩn cụ thể.
Mức độ nhiễm bẩn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cũng như hiệu quả của các hành động giảm nhiễm phải được đánh giá bằng các chương trình kiểm tra, giám sát và nhiều chương trình nghiên cứu điển hình, khi cần thiết.
Khi có các bằng chứng rằng các mối nguy đối với sức khỏe có thể xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm bẩn, thì cần phải đánh giá các mối nguy đó. Khi các vấn đề liên quan đến sức khỏe có thể được chứng minh thì phải áp dụng chính sách quản lý rủi ro dựa trên sự đánh giá tình huống. Tuỳ thuộc vào sự đánh giá các vấn đề và các giải pháp tình thế, mà có thể cần phải thiết lập các mức tối đa hoặc các biện pháp khác để quản lý sự nhiễm bẩn thực phẩm. Trong các trường hợp đặc biệt điều này cũng có thể được xem xét để đưa ra các khuyến cáo về chế độ ăn, khi các biện pháp khác không đủ để loại bỏ khả năng xảy ra mối nguy đến sức khỏe.
Các biện pháp mang tính quốc gia liên quan đến nhiễm bẩn thực phẩm cần tránh tạo ra các rào cản không cần thiết đến thương mại quốc tế đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Mục đích của tiêu chuẩn này là đưa ra hướng dẫn về cách tiếp cận hợp lý vấn đề nhiễm bẩn và đẩy mạnh sự hài hòa mang tính quốc tế thông qua các khuyến nghị để tránh tạo ra rào cản thương mại.
Tất cả các chất nhiễm bẩn có thể tồn tại trong nhiều loại thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, nên cần phải áp dụng cách tiếp cận rộng rãi, tính đến tất cả mọi thông tin có liên quan có sẵn để đánh giá các nguy cơ và để xây dựng các khuyến nghị và các biện pháp, kể cả việc thiết lập các mức tối đa.
Các mức tối đa chỉ thiết lập cho các thực phẩm mà trong đó các chất nhiễm bẩn có thể được tìm thấy với lượng đáng kể phơi nhiễm hoàn toàn cho người tiêu dùng. Các mức này phải được thiết lập để bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, phải tính đến các khả năng công nghệ để tuân thủ các mức tối đa. Phải sử dụng các nguyên tắc về Thực hành Sản xuất Tốt (GMP), Thực hành Thú y Tốt (GVP) và Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP). Các mức tối đa phải dựa trên các căn cứ khoa học vững chắc dẫn đến được chấp nhận rộng rãi, sao cho đáp ứng được thương mại quốc tế về thực phẩm. Các mức tối đa phải được xác định rõ ràng về pháp lý và mục đích sử dụng đã định.
Các tiêu chí sau đây (không ngăn cản việc sử dụng các tiêu chí liên quan khác) phải được xem xét khi xây dựng các khuyến nghị và ra quyết định liên quan đến tiêu chuẩn này (các chi tiết cụ thể hơn về các tiêu chí này được nêu trong Phụ lục B):
Thông tin về tính độc
- Nhận dạng các chất độc;
- Sự trao đổi chất của con người và động vật, khi thích hợp;
- Động học của độc tố và động lực học của độc tố;
- Thông tin về tính độc cấp tính và mãn tính và các tính độc có liên quan khác;
- Lời khuyên của chuyên gia về độc tính học liên quan đến khả năng chấp nhận và độ an toàn của mức ăn vào của các chất nhiễm bẩn, bao gồm thông tin về bất kỳ các nhóm dân cư nào đặc biệt dễ bị tổn thương.
Dữ liệu phân tích
- Dữ liệu định tính và định lượng đã được xác nhận trên các mẫu đại diện;
- Các quy trình lấy mẫu thích hợp.
Dữ liệu về lượng ăn vào
- Lượng đáng kể các chất nhiễm bẩn trong thực phẩm ăn vào;
- Sự có mặt trong các thực phẩm được tiêu thụ rộng rãi;
- Dữ liệu về thực phẩm ăn vào tính theo trung bình và theo các nhóm người tiêu thụ nhiều nhất;
- Các kết quả từ các nghiên cứu theo chế độ ăn kiêng hoàn toàn;
- Dữ liệu về chất nhiễm bẩn ăn vào tính được từ các mô hình tiêu thụ thực phẩm;
- Dữ liệu được tính theo lượng ăn vào từ các nhóm người dễ bị tổn thương.
Các xem xét trong thương mại trung thực
- Các vấn đề hiện tại hoặc tiềm năng trong thương mại quốc tế;
- Các hàng hóa có liên quan đưa vào lưu thông trong thương mại quốc tế;
- Thông tin về các quy định kỹ thuật quốc gia, cụ thể là về các số liệu và các nghiên cứu là cơ sở của các quy định kỹ thuật đó.
Các xem xét về công nghệ
- Thông tin về các quá trình nhiễm bẩn, các khả năng công nghệ, thực hành sản xuất và chế biến và các khía cạnh kinh tế liên quan đến việc quản lý và kiểm soát mức nhiễm bẩn.
Các xem xét việc quản lý rủi ro và đánh giá rủi ro
- Đánh giá rủi ro;
- Các xem xét và lựa chọn việc quản lý rủi ro;
- Việc xem xét các mức tối đa có thể trong thực phẩm dựa trên các tiêu chí đã đề cập ở trên;
- Xem xét các giải pháp thay thế.