Hiện nay Tiêu chuẩn Quốc gia nào về bánh răng côn? Hệ thống độ chính xác theo ISO được quy định như thế nào? Mong được giải đáp, xin cảm ơn – Đức Dũng (Nghệ An).
>> Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12650:2020-Yêu cầu kỹ thuật về chất lượng của thiết bị sứ vệ sinh
>> Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12446:2018: Ván gỗ nhân tạo-Xác định môđun đàn hồi khi uốn
Hiện nay, đang áp dụng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12133:2017 (ISO 17485:2006) về Bánh răng côn - Hệ thống độ chính xác theo ISO. Theo đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12133:2017 có một số nội dung nổi bật như sau:
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12133:2017 xác lập một hệ thống phân loại dùng để truyền đạt các thông số độ chính xác hình học của các bánh răng côn chưa được lắp trong truyền động, các bánh răng hypoit và các cặp bánh răng côn. Tiêu chuẩn định nghĩa các thuật ngữ về độ chính xác của răng bánh răng và quy định cấu trúc của hệ thống cấp chính xác của bánh răng côn và các giá trị cho phép của hệ thống cấp chính xác này.
Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12133:2017 cung cấp cho nhà sản xuất bánh răng và khách hàng một tài liệu tham chiếu cùng có lợi về hệ thống dung sai bánh răng côn thống nhất. Mười cấp chính xác được định nghĩa, được đánh số từ 2 đến 11 theo thứ tự độ chính xác giảm dần. Các công thức về dung sai và các phạm vi có hiệu lực của chúng được đưa ra trong 5.4 cho độ chính xác đã quy định của bộ truyền bánh răng côn. Nói chung, các dung sai này bao phủ các phạm vi sau:
1,0 mm ≤ mmn ≤ 50 mm
5 ≤ z ≤ 400
5 mm ≤ dT ≤ 2500 mm
Trong đó:
dT là đường kính quy định dung sai;
mmn là môđun pháp trung bình;
z là số răng.
Về các phương pháp đo yêu cầu và tùy chọn, xem Điều 6. Vì các dung sai được tính toán từ các kích thước thực của một bánh răng côn cho nên không đưa ra các bảng dung sai. Để cung cấp bản mô tả ngắn gọn, Phụ lục A giới thiệu các giá trị và biểu đồ về dung sai như một ví dụ.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các bộ phận cơ cấu bánh răng kín, bao gồm các hộp giảm tốc hoặc tăng tốc, các động cơ tích hợp với cơ cấu bánh răng, các hộp giảm tốc lắp trên trục, các thiết bị cao tốc hoặc các cơ cấu bánh răng khác được chế tạo cho một công suất, tốc độ, tỷ số truyền hoặc ứng dụng đã cho.
Thiết kế bánh răng côn nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn này. Việc sử dụng các cấp chính xác để xác định chất lượng sử dụng của bánh răng đòi hỏi phải có kinh nghiệm rộng lớn với các ứng dụng riêng. Vì vậy, người sử dụng tiêu chuẩn này cần lưu ý tới việc áp dụng trực tiếp các giá trị dung sai cho vận hành theo dự định của các bánh răng tháo rời khi chúng được lắp ráp vào truyền động.
Các giá trị dung sai cho các bánh răng côn nằm ngoài các giới hạn đã công bố trong tiêu chuẩn này cần được xác lập bằng xác định các yêu cầu riêng của ứng dụng. Yêu cầu này đòi hỏi phải lập ra một dung sai khác so với dung sai được tính toán theo các công thức trong tiêu chuẩn này.
Toàn văn File Word Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cùng các văn bản hướng dẫn (đang có hiệu lực thi hành) |
Ảnh chụp một phần Lược đồ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thi áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi (nếu có).
ISO 1122-1:1998, Vocabulary of gear terms - Part 1: Definitions related to geometry (Từ vựng của các thuật ngữ bánh răng - Phần 1: Định nghĩa liên quan đến hình học);
ISO 23509, Bevel and hypoid gear geometry (Hình học của bánh răng côn và bánh răng hypoit).
- Quy định chung
Hệ thống phân loại là một mã số nhận biết dung sai của cấp chính xác cho một bánh răng cụ thể.
- Phân loại cấp chính xác
+ Quy định chung
Tiêu chuẩn này đưa ra mười cấp chính xác được đánh số từ 2 đến 11.
Cấp chính xác 2 có dung sai nhỏ nhất; cấp chính xác 11 có dung sai lớn nhất. Các cấp chính xác này được sắp xếp theo một cấp số hình học đều của các dung sai (xem 5.2).
+ Đánh giá độ chính xác của bánh răng
Độ chính xác của bánh răng được đánh giá bằng so sánh các sai lệch đo được với các giá trị bằng số tính toán theo các công thức trong 5.4. Nên thực hiện các phép đo so với một đường trục chuẩn. Để có thêm thông tin về định nghĩa một đường trục chuẩn, xem ISO/TR 10064-3.
Cấp chính xác được xác định cho các thông số quy định trong Bảng 4; cấp chính xác tổng là cấp chính xác lớn nhất trong các cấp chính xác riêng này. Cần lưu ý rằng có thể quy định các cấp chính xác khác nhau cho các thông số khác nhau nếu có yêu cầu của các ứng dụng riêng.
Ngoài ra, nếu không đo được các sai lệch kết hợp trong ăn khớp một sườn răng thì nên kiểm tra bổ sung vết tiếp xúc và chiều dày răng để xác minh bánh răng đáp ứng được mục đích yêu cầu. Các yêu cầu về vết tiếp xúc nên được thỏa thuận giữa khách hàng và nhà cung cấp trước khi chế tạo. Để có thêm thông tin về vấn đề này, tham khảo ISO/TR 10064-6.
+ Bảng ví dụ về dung sai
Phụ lục A đưa ra các bảng ví dụ về dung sai chỉ dùng cho mục đích tham khảo.
- Chiều của dung sai
Chiều của dung sai được quy định trong Điều 3. Chiều của dung sai có thể theo chiều pháp tuyến với bề mặt răng, nghiêng theo một góc nào đó hoặc dọc theo cung của một vòng tròn đã quy định. Nếu chiều đo và chiều của dung sai khác nhau thì giá trị đo được phải được hiệu chỉnh theo chiều của dung sai.
Khi chiều của dụng cụ đo của phép đo là chiều pháp tuyến và chiều của dung sai khác với chiều pháp tuyến thì các giá trị đo phải được tăng lên trước khi phân tích và so sánh theo các dung sai. Hệ số cho phép điều chỉnh nảy thường là cosin của góc giữa chiều pháp tuyến và chiều quy định của dung sai.
- Đặc tính bổ sung
Trong một số ứng dụng, có thể có các đặc tính bổ sung cần có các dung sai để bảo đảm đặc tính thỏa mãn. Ví dụ như, nếu các dung sai dạng răng, dung sai sườn răng, dung sai chiều dày răng hoặc các dung sai cho gia công tinh bề mặt là cần thiết cho các ứng dụng chuyên dùng thì các dung sai này cần được quy định trên các bản vẽ hoặc điều kiện kỹ thuật cho đặt hàng. Một số phương pháp dùng để đo các đặc tính này được thảo luận trong ISO/TR 10064-6.