Ngoài tiền lương, thưởng Tết cũng là một trong những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, trải qua đại dịch Covid thì liệu rằng doanh nghiệp còn có thể thưởng Tết cho người lao động hay không. Cùng PLKN tìm hiểu về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây
>> Sa thải lao động nữ mang thai bị phạt như thế nào?
>> Tiền lương và bảo hiểm xã hội trong mùa giãn cách
Ảnh minh họa
1. Có bắt buộc Doanh nghiệp phải thưởng Tết hay không?
Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật lao động 2019 quy định:
Điều 104. Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Theo đó, việc thưởng Tết cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc được giao của người lao động. Như vậy, doanh nghiệp có thể hoàn toàn lựa chọn giữa thưởng và không thưởng Tết cho người lao động.
Bên cạnh đó, năm 2021 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp bất lợi, tình hình tài chính khó khăn nên khả năng cao là người lao động không được thưởng Tết
2. Có thể thưởng Tết bằng hiện vật hay không?
Khoản 1 Điều 104 Bộ luật lao động đã nêu rõ “Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.”
Dựa theo quy định trên, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tài sản hoặc các hình thức khác ngoài tiền. Trên thực tế, doanh nghiệp sẽ thưởng tết cho người lao động bằng các hình thức như chuyến du lịch, vé tàu xe để về quê; hoặc các hiện vật có giá trị như đồ gia dụng, xe máy,…
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể tùy tiện thưởng Tết cho người lao động mặc dù quy chế thưởng sẽ do doanh nghiệp quyết định nhưng phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Đồng thời, doanh nghiệp phải công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật này.
3. Thưởng Tết có phải đóng thuế TNCN và BHXH không?
- Đối với thuế TNCN:
Thưởng Tết tại điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019 là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công. Bởi lẽ, tiền thưởng được xác định trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, do đó, đây được xem là khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công.
Đồng thời, điểm a khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Do đó, người lao động nhận tiền thưởng Tết phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Đối với BHXH:
Theo khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm:
Như vậy, tiền thưởng Tết của người lao động sẽ không làm căn cứ tính đóng BHXH. Do đó, người lao động sẽ được hưởng toàn bộ số tiền thưởng Tết mà không phải trích để đóng BHXH.
CCPL: Bộ luật lao động 2019
Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012