Trong năm 2023, nếu công ty mất khả năng thanh toán phục hồi hoạt động kinh doanh thì cần thực hiện thủ tục như thế nào? – Dương Minh (Đắk Nông).
>> Những lưu ý nổi bật về hội nghị chủ nợ năm 2023
>> Hồ sơ, thủ tục giảm tiền thuê đất năm 2022 với đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Để phục hồi hoạt động kinh doanh, công ty mất khả năng thanh toán cần xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được quy định tại Điều 87 Luật Phá sản 2014 như sau:
Bước 1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến.
Bước 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi ý kiến cho doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ, Ban đại diện chủ nợ (nếu có).
Bước 3. Ngay sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ báo cáo Thẩm phán.
Bước 4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Thẩm phán xem xét trước khi đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
Trong đó, phương án phục hồi hoạt động kinh doanh bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 88 Luật Phá sản 2014 bao gồm: các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.
Lưu ý: Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm:
- Huy động vốn;
- Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ;
- Thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh;
- Đổi mới công nghệ sản xuất;
- Tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất;
- Bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác;
- Bán hoặc cho thuê tài sản;
- Các biện pháp khác không trái quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thời hạn để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
Nếu Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (theo Điều 89 Luật Phá sản 2014).
Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty mất khả năng thanh toán năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trong quá trình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, các chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 94 Luật Phá sản 2014, trong đó:
- Thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được chấp nhận khi được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi văn bản đề nghị Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã được gửi cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Hiện nay, Thẩm phán được quyền ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 95 Luật Phá sản 2014 như sau:
(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
(2) Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
(3) Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Phá sản 2014.
Lưu ý: Khi bị đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, có thể dẫn đến các hậu quả sau:
- Nếu thuộc trường hợp (1) nêu trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là không còn mất khả năng thanh toán. Thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm ra thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Nếu thuộc trường hợp (2) và (3) nêu trên thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
>> Xem thêm bài viết:
>> Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản năm 2023 phải có những nội dung nào?
>> Năm 2023, khi nào Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?