Năm 2023, có những Thông tư nào hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ; nhỏ và vừa; hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh đang còn hiệu lực? – Tường Lam (Bà Rịa – Vũng Tàu).
>> Hướng dẫn cách tra cứu nhanh mã số thuế cá nhân năm 2023
>> Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn chính sách thuế với hoạt động khuyến mại, vay vốn
Trong năm 2023, tính tới thời điểm hiện tại có các Thông tư sau đây hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh:
Thông tư 200/2014/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2015; đã được các Thông tư sau đây sửa đổi, bổ sung: Thông tư 75/2015/TT-BTC, Thông tư 177/2015/TT-BTC, Thông tư 53/2016/TT-BTC.
Điều 1. Đối tượng áp dụng – Thông tư 200/2014/TT-BTC
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh – Thông tư 200/2014/TT-BTC
Thông tư này hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2023 |
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2023
Thông tư 133/2016/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh – Thông tư 133/2016/TT-BTC
Thông tư này hướng dẫn nguyên tắc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng – Thông tư 133/2016/TT-BTC
1. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã.
2. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán ... đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù.
Thông tư 132/2018/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh – Thông tư 132/2018/TT-BTC
Thông tư này hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp siêu nhỏ. Việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 2. Đối tượng áp dụng – Thông tư 132/2018/TT-BTC
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp siêu nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế và phương pháp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.
2. Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Thông tư 88/2021/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh – Thông tư 88/2021/TT-BTC
Thông tư này hướng dẫn việc lập chứng từ kế toán và ghi sổ kế toán của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng – Thông tư 88/2021/TT-BTC
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo quy định của pháp luật về thuế.
2. Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này thì được khuyến khích áp dụng.