Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi 09 Luật bắt đầu có hiệu lực từ năm 2025. Theo đó đã bổ sung quy định Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh từ 04/2025.
>> Từ năm 2025, người nộp thuế không được trả lãi khi bị chậm hoàn thuế
>> Sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam từ năm 2025
Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 quy định như sau:
Điều 6. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 42 như sau:
...
b) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 như sau:
“4a. Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế.
…
Đồng thời căn cứ khoản 5 Điều 10 Luật số 56/2024/QH15: Quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2025.
Như vậy, từ ngày 01/04/2025, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trừ trường hợp hộ, cá nhân không thuộc đối tượng được khấu trừ.
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn mới nhất |
Từ 04/2025, sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Về trách nhiệm đăng ký, khai, nộp thuế của sàn thương mại điện tử nước ngoài có sự thay đổi từ năm 2025. Cụ thể như sau:
(i) Theo quy định hiện hành
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Theo đó, sàn thương mại điện tử nươc ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam mới phải đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
(ii) Từ ngày 01/01/2025
Tuy nhiên, căn cứ điểm a khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 (có hiệu lực từi ngày 01/01/2025), đã sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
“4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2025, sàn thương mại điện tử nước ngoài phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Căn cứ Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019, các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế bao gồm:
(i) Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.
(ii) Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.
(iii) Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.
(iv) Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.
(v) Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.
(vi) Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.
(vii) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
(viii) Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.