Luật sửa đổi 9 Luật được thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ 01/01/2025, trong đó quy định sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam.
>> Tổng hợp các loại báo cáo định kỳ của công ty vốn nước ngoài
>> Bãi bỏ một nội dung bắt buộc trên chứng từ kế toán từ năm 2025
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, khai thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài được quy định như sau:
Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
…
4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Tuy nhiên, căn cứ điểm a khoản 5 Điều 6 Luật số 56/2024/QH15 (có hiệu lực từ tháng 01/2025), quy định về khai thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
...
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 42 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”.
Như vậy, kể từ 01/01/2025, nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực năm 2024 |
Sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
Căn cứ khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:
(i) Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập.
(ii) Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế.
(iii) Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
Căn cứ Điều 46 Luật Quản lý thuế 2019, việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế được quy định như sau:
(i) Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
(ii) Thời gian gia hạn không quá 30 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế năm, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; 60 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.
(iii) Người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước khi hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn quy định tại khoản (i) Mục này.
(iv) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.