Các tổ chức được cơ quan nhà nước trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý như thế nào? – Nhật Nam (Kiên Giang).
>> Thực hiện quyền quản lý của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý năm 2023
>> Quy định về bảo mật dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm năm 2023
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, việc thực hiện quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý được hướng dẫn như sau:
Cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý) quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 45 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) bao gồm:
(i) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc một địa phương.
(ii) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là đại diện theo ủy quyền của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp chỉ dẫn địa lý thuộc nhiều địa phương.
(iii) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân cấp, ủy quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.
(iv) Cơ quan, tổ chức được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức đó đại diện cho quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 45 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
Cơ quan, tổ chức có quyền quản lý chỉ dẫn địa lý nêu tại đoạn (iv) bên trên được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý quy định tại khoản 2 Điều 123 và Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được bổ sung bởi được bổ sung bởi khoản 10 Điều 2 Luật số 42/2019/QH14 và được sửa đổi bởi khoản 46, khoản 76 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15).
Chủ sở hữu, tổ chức được phép thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý được xác định theo quy định pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó.
Quy định về việc thực hiện quyền sở hữu đối với chỉ dẫn địa lý năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý được quy định tại Điều 36 Nghị định 65/2023/NĐ-CP như sau:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xác định các loại đặc sản, các đặc tính của sản phẩm, quy trình sản xuất các đặc sản mang chỉ dẫn địa lý thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương trên cơ sở quy hoạch của địa phương.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép sử dụng địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; trực tiếp hoặc phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của địa phương.
- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.