Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn so với trước đây. Cùng PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP tham khảo chi tiết nội dung này qua bài viết sau đây.
>> Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động mới nhất
>> 20 trường hợp NLĐNN không thuộc diện cấp giấy phép lao động kể từ ngày 15/02/2021
Ảnh minh họa
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Trong đó:
- Quấy rối tình dục: có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
- Nơi làm việc: là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2021) thì quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Cùng với đó, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết, cụ thể các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc tại bên mình và ghi nhận trong Nội quy lao động.
- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật;
- Quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động, cụ thể như sau:
+ Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
+ Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;
+ Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;
+ Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;
+ Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.
- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 118 BLLĐ 2019 và Điểm d Khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong Nội quy lao động.
Doanh nghiệp sẽ không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm mà không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, những doanh nghiệp đã xây dựng và đăng ký Nội quy lao động theo BLLĐ 2012 thì cần thực hiện bổ sung quy định này vào Nội quy lao động đảm bảo phù hợp với quy định tại BLLĐ 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo phân tích nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm quy định chi tiết hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Theo đó, người lao động có hành vi vi phạm quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc được ghi nhận trong Nội quy lao động sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng. Doanh nghiệp được quy định, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động cao nhất (sa thải) với người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019).
Căn cứ pháp lý: