Năm 2023, việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra bao gồm những tài liệu gì? – Thanh Tuấn (Hải Phòng).
>> Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu năm 2023
Ngày 23/8/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Theo đó, căn cứ Điều 63 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể như sau:
Việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp được tiến hành nhằm đánh giá khả năng vận dụng pháp luật sở hữu công nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Quy định về kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp định kỳ 02 năm/lần. Kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp phải được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.
Kết quả kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người dự kiểm tra. Người dự kiểm tra có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phúc tra kết quả kiểm tra.
Kết quả kiểm tra của cá nhân đáp ứng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 61 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) có giá trị trong thời hạn 05 năm (kể từ ngày ra thông báo kết quả kiểm tra) cho việc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thành lập, có nhiệm vụ tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo Quy chế kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan đó ban hành.
Cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại các điểm từ a đến đ khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 61 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) được đăng ký dự kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp theo quy định tại Mục 7 của bài viết.
Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gồm 01 bộ tài liệu sau đây:
- Tờ khai đăng ký dự kiểm tra, làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục V Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
- Bản sao bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương quy định tại điểm c khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 61 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15) (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);
- Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận quy định tại Điều 62 Nghị định 65/2023/NĐ-CP (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực); hoặc bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động và tài liệu khác (có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác) chứng minh thời gian ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp hoặc công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 155 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 61 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, xét xử, pháp chế, tư vấn pháp luật, quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp; nghiên cứu khoa học (có chức danh nghiên cứu viên) và giảng dạy về sở hữu công nghiệp (xuất trình bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực);
- 02 ảnh 3 x 4 (cm);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Hồ sơ đăng ký dự kiểm tra được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ theo trình tự như sau:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo cho người nộp hồ sơ về việc đủ điều kiện tham dự kỳ kiểm tra, đồng thời thông báo về dự kiến thời gian, địa điểm, lịch kiểm tra;
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo các thiếu sót của hồ sơ và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót;
- Trường hợp người nộp hồ sơ không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối chấp nhận đơn đăng ký dự kiểm tra, trong đó nêu rõ lý do từ chối.