>>> Xem công việc pháp lý mới tại đây.

Quy định về việc đăng ký chuyển giao nhãn hiệu trong Công ty Cổ Phần

Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet

1. Quy định về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp

Công ty cổ phần là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể chuyển giao các quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu sau đây cho các tổ chức, cá nhân khác:

(i) Chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác).

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu bị hạn chế bởi các điều kiện sau:

- Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp của mình trong phạm vi được bảo hộ.

- Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

(ii) Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình).

Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu:

- Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

- Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

2. Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu cũng như chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

2.1. Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

(i) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;

- Căn cứ chuyển nhượng;

- Giá chuyển nhượng;

- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

(ii) Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

2.2. Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu

(i) Các dạng hợp đồng sử dụng nhãn hiệu:

Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

- Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không độc quyền với người khác;

- Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu thứ cấp: là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.

(ii) Các nội dung chủ yếu phải có trong hợp đồng sử dụng nhãn hiệu:

Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

- Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng.

- Dạng hợp đồng.

- Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ.

- Thời hạn hợp đồng.

- Giá chuyển giao quyền sử dụng.

- Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

(iii) Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:

- Buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến nhãn hiệu do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó.

- Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu nhãn hiệu tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó.

- Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp.

- Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.

Lưu ý: Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp nêu trên mặc nhiên bị vô hiệu.

(iv) Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên và mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của bên giao bị chấm dứt. Đồng thời, hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn sẽ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba kể cả khi không đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

3. Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu

3.1. Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu gồm 01 bộ tài liệu sau đây:

- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV của Nghị định 65/2023/NĐ-CP);

- 01 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định): nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp được cấp dưới dạng giấy;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu, nếu quyền sở hữu nhãn hiệu tương ứng thuộc sở hữu chung;

- Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);

(Tham khảo tại mẫu Giấy quỷ quyền cho cá nhân hoặc mẫu Giấy quỷ quyền cho tổ chức).

- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp);

- Đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu nêu trên, cần có thêm các tài liệu sau đây:

+ Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của Bên nhận chuyển nhượng.

+ Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Trong trường hợp này, Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định lại về quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn ngoài các khoản phí, lệ phí đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu theo quy định.

Lưu ý: Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp nhãn hiệu được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu riêng.

3.2. Nơi nộp hồ sơ

Công ty cổ phần nộp 01 bộ hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ theo một trong các cách thức sau:

- Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

3.3. Nộp phí, lệ phí khi đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu (áp dụng từ ngày 01/01/2024)

Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (mỗi đối tượng): 230.000 đồng

- Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết (mỗi đối tượng): 600.000 đồng

- Phí thẩm định đơn (mỗi đối tượng): 550.000 đồng (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận)

- Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng

- Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng.

3.4. Thời gian giải quyết

02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho công ty cổ phần sửa chữa thiếu sót).

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!

Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.

Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây

6,230
Bài viết liên quan: