Để có thể xác định được mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hay mức độ xâm phạm quyền đối với giống cây trồng thì dựa trên những căn cứ nào? – Vũ Minh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
>> Yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng 2023
>> Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền với tên thương mại năm 2023
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự (căn cứ theo khoản 1 Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Theo đó, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Điều 81 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Tính chất xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:
- Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: xâm phạm do vô ý, xâm phạm cố ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm.
- Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.
Mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:
- Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm.
- Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền với giống cây trồng 2023
(Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 79 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15), các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật số 36/2009/QH12) bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
- Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).