Tôi có thắc mắc liên quan đến quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau trong năm 2024? Hy vọng được giải thích rõ. Trân trọng cảm ơn – Hoàng Đình (Gia Lai).
>> Những nơi người lao động không được quyền đình công năm 2024
>> Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau 2024 đối với người lao động
Về vấn đề dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau năm 2024 được Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện để được dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau là:
- Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).
- Trong thời hạn 30 ngày đầu trở lại làm việc sức khỏe người lao động chưa được phục hồi.
Nếu thỏa mãn hai điều kiện nêu trên, thì người lao động sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 – 10 ngày/năm.
Lưu ý: Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Ví dụ: Chị A phải nghỉ việc để điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày 02/12/2022 đến hết ngày 28/12/2022; từ ngày 29/12/2022 chị A quay trở lại làm việc, nhưng đến ngày 07/01/2023 do sức khỏe chưa được phục hồi nên chị A phải nghỉ dưỡng sức cho đến hết ngày 15/01/2023 tức là 09 ngày. Như vậy, thời gian 09 ngày này phải được tính là ngày nghỉ phục hồi, dưỡng sức của năm 2022, không tính cho năm 2023.
Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản sửa đổi, hướng dẫn thi hành 2023 |
Quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khoản 1a Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được bổ sung bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sẽ do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Trong trường hợp chưa thành lập công đoàn cơ sở thì sẽ do người sử dụng lao động quyết định như sau:
- Đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục sau thời gian ốm đau do mắc các bệnh cần chữa trị dài ngày thì được nghỉ tối đa 10 ngày;
- Đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật thì được nghỉ tối đa là 07 ngày;
- Đối với người lao động thuộc các trường hợp khác thì được nghỉ 05 ngày.
Lưu ý: Việc xác định thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm được căn cứ theo lần nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Ví dụ: Trong năm 2023, Chị B hưởng chế độ ốm đau 3 lần, lần đầu tiên chị B chị B hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh cần điều trị dài ngày là suy tuyến giáp, lần thứ hai chị B hưởng chế độ ốm đau vì bị thủy đậu, lần thứ ba chị B hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh và phải phải phẫu thuật. Khi này, thời gian tối đa được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe của chị B sẽ được tính dựa vào lần hưởng chế độ ốm đau lần 3, cụ thể tối đa là 07 ngày.
Căn cứ khoản 3 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau được quy định là bằng 30% mức lương cơ sở.
Ví dụ: Chị C, bắt đầu đi làm lại sau khi phẩu thuật vào ngày 01/11/2023, nhưng đến ngày 06/11/2023 do sức khỏe chưa được phục hồi chị C được cho nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 07 ngày kể từ ngày 06/11/2023, tại thời điểm đó mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/1 tháng. Như vậy, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau của chị B sẽ bằng: ((1.800.000 đồng : 24 ngày) x 30%) x 7 ngày = 157.500 đồng.