Cụ thể quy định về điều hành kinh doanh của công ty hợp danh được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, đảm bảo minh bạch và hiệu quả
>> 08 công việc kế toán HR phải làm trước khi kết thúc năm 2024
>> Danh sách văn bản Trung ương cập nhật ngày 20/11/2024
Ngày 17/06/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý các hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, việc điều hành kinh doanh công ty hợp danh phải đáp ứng đủ quy định tại Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, gồm những nội dung sau đây:
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020, việc điều hành kinh doanh phải đáp ứng quy định về thành viên công ty hợp danh gồm:
(i) Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành kinh doanh hằng ngày của công ty.
(ii) Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
(iii) Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.
(iv) Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận.
(v) Hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại thông qua theo nguyên tắc đa số chấp thuận.
(vi) Công ty có thể mở một hoặc một số tài khoản tại ngân hàng. Hội đồng thành viên chỉ định thành viên được ủy quyền gửi và rút tiền từ các tài khoản đó.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
\
Quy định về thành viên công ty hợp danh (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Theo quy định tại khoản 4 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nghĩa vụ sau đây:
(i) Quản lý và điều hành kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh.
(ii) Triệu tập và tổ chức họp Hội đồng thành viên; ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
(iii) Phân công, phối hợp công việc kinh doanh giữa các thành viên hợp danh.
(iv) Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật.
(v) Đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án; đại diện cho công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(vi) Nghĩa vụ khác do Điều lệ công ty quy định.
Căn cứ vào Điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký công ty hợp danh sẽ gồm những loại giấy tờ sau đây:
Điều 22. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp danh
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên.
4. Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.