Trong năm 2024, nội dung hợp đồng lao động với người lao động được thuê làm Giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước gồm có những gì? – Thùy Trang (Quảng Bình).
>> Quy định về thời gian thử việc với người lao động năm 2024
>> Các nội dung cần có trong hợp đồng thử việc 2024
Trong năm 2024, nội dung hợp đồng lao động với người lao động được thuê làm Giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2019 bởi hiện nay vẫn chưa có Bộ luật Lao động 2024.
Nội dung hợp đồng lao động 2024 với người lao động được thuê làm Giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 (được hướng dẫn theo Điều 5, Điều 6 Nghị định 145/2020/NĐ-CP) như sau:
Theo Điều 5 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm Giám đốc trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 gồm những nội dung chủ yếu:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; họ tên, ngày tháng năm sinh, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ liên lạc của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị.
- Họ tên; ngày tháng năm sinh; giới tính; quốc tịch; trình độ đào tạo; địa chỉ nơi cư trú tại Việt Nam, địa chỉ nơi cư trú tại nước ngoài (đối với người lao động là người nước ngoài); số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; số điện thoại, địa chỉ liên lạc; số Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; các giấy tờ khác theo yêu cầu của người sử dụng lao động (đối với người lao động là người nước ngoài) nếu có của người lao động được thuê làm Giám đốc.
- Công việc được làm, không được làm và nghĩa vụ gắn với kết quả thực hiện công việc của người lao động được thuê làm Giám đốc.
- Địa điểm làm việc của người lao động được thuê làm Giám đốc.
- Thời hạn của hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận tối đa không quá 36 tháng. Đối với người lao động là người nước ngoài được thuê làm Giám đốc thì thời hạn hợp đồng lao động không vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- Nội dung, thời hạn, trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp đối với người lao động được thuê làm Giám đốc và xử lý vi phạm.
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, bao gồm:
+ Cung cấp thông tin cho người lao động được thuê làm Giám đốc để thực hiện nhiệm vụ;
+ Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện công việc của người được thuê làm Giám đốc;
+ Các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;
+ Ban hành quy chế làm việc đối với Giám đốc;
+ Thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động được thuê làm Giám đốc về: trả lương, thưởng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; trang bị phương tiện làm việc, đi lại, ăn, ở; đào tạo, bồi dưỡng;
+ Các quyền và nghĩa vụ khác do hai bên thỏa thuận.
- Quyền và nghĩa vụ của người lao động được thuê làm Giám đốc, bao gồm:
+ Thực hiện các công việc theo hợp đồng lao động.
+ Báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc theo hợp đồng lao động.
+ Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng về vốn, tài sản, lao động và các nguồn lực khác.
+ Được hưởng các chế độ về: tiền lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị phương tiện làm việc, đi lại, ăn, ở; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; chế độ khác do hai bên thỏa thuận.
+ Các quyền và nghĩa vụ khác do hai bên thỏa thuận.
- Điều kiện, quy trình, thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động được thuê làm Giám đốc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động và khiếu nại.
- Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.
Bộ luật Lao động 2019 và văn bản hướng dẫn (có hiệu lực từ 18/9/2023)
Nội dung hợp đồng lao động 2024 với NLĐ được thuê làm Giám đốc trong DN có vốn nhà nước
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Nội dung hợp đồng lao động với người lao động được thuê làm Giám đốc trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở xuống được quy định tại Điều 6 Nghị định 145/2020/NĐ-CP phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động.
- Công việc và địa điểm làm việc.
- Thời hạn của hợp đồng lao động.
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
- Chế độ nâng bậc, nâng lương.
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần
1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Như vậy, doanh nghiệp có hành vi giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy số lượng người lao động bị vi phạm.