Hóa đơn là chứng từ ghi nhận lại tình trạng thu chi trong doanh nghiệp, hay nói cách khác, chỉ khi doanh nghiệp có một nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh thu chi thì mới có thể có hóa đơn. Thế nhưng, vì những mục đích không lành mạnh và trục lợi, đôi khi doanh nghiệp cần hóa đơn dù không phát sinh thu chi thực tế. Có “cầu” ắt có “cung”, và đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự ra đời của một “ngành nghề” mới – mua bán hóa đơn.
>> Các trường hợp bán hàng không cần xuất hóa đơn
>> Bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp từ 01/11/2020
Đã là giao dịch thì phải có người mua, kẻ bán, và vẫn đảm bảo “thuận mua, vừa bán” như bất cứ một thương vụ bình thường nào khác; chỉ có điều, hàng hóa (hay dịch vụ) ở đây lại là hóa đơn mà thôi.
Trong đó, người mua có thể là bất cứ doanh nghiệp nào có nhu cầu. Song, không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng làm kẻ bán được. Thủ đoạn thường thấy, là thành lập một doanh nghiệp mới, “sạch” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, tồn tại một cách hợp pháp trên giấy tờ với trụ sở, Giám đốc, ngành nghề kinh doanh,… nhưng thực tế chỉ là vỏ bọc cho một “ngành nghề” duy nhất – mua bán hóa đơn.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục pháp lý ban đầu như mọi doanh nghiệp khác, những doanh nghiệp này sẽ bắt đầu gia nhập “thị trường”, móc nối với các doanh nghiệp có nhu cầu rồi xuất khống số lượng lớn hóa đơn, cuối cùng là ôm tiền bỏ trốn. Đến khi sự việc được phát hiện, lần theo đường dây của chúng thì mới vỡ lẽ toàn bộ thông tin kê khai nếu không là thông tin giả, thì cũng là ăn cắp, dẫn đến những chuyện bi hài như chuyện một ông cụ tuổi hơn 80 làm mất giấy tờ tùy thân bỗng có thêm một công ty lúc nào chẳng biết!
Người bán hóa đơn thu được lợi nhuận, thường được xác định theo tỷ lệ % giá trị hóa đơn được xuất bán. Vậy, người mua thu được gì? Thực tế, mua hóa đơn là khá mạo hiểm và có thể coi là “hạ sách” của doanh nghiệp để đạt được những mục đích như trốn thuế hay ẩn dấu tài sản, tình trạng của doanh nghiệp mình. Cơ chế thực tế khá đa dạng, nhưng về cơ bản có thể hiểu như sau:
Bằng thủ đoạn mua hóa đơn, doanh nghiệp có thể giảm số tiền đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp mình.
Để hiểu được vì sao mua hóa đơn sẽ giúp doanh nghiệp giảm số tiền đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trước tiên chúng ta cần biết rằng một khoản chi trong hoạt động của doanh nghiệp chỉ được tính là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và là nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp. Từ đó, một khi có hóa đơn, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc được xác nhận chi phí tương ứng là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, và là tiền đề cho việc số tiền thuế mà doanh nghiệp phải đóng thấp hơn mức mà đáng ra doanh nghiệp phải đóng.
Với thuế giá trị gia tăng, thủ đoạn này chỉ giúp doanh nghiệp “lời” thuế khi doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, doanh nghiệp thường sẽ mua hóa đơn với giá thấp hơn mức thuế phải nộp và thu về phần chênh lệch khi đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường.
Ví dụ: Công ty A bán sản phẩm có thuế suất được áp dụng là 10%.
Thì A tiến hành mua hóa đơn với trị giá 5% của giá trị giao dịch tương ứng.
Vậy, khi mua hóa đơn A sẽ “lời” 5% giá trị giao dịch.
“Treo đầu dê, bán thịt chó” không còn là hiện tượng xa lạ trong giới kinh doanh: đăng ký ngành này, nhưng thực tế lại không hề hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để “làm chui” một ngành, nghề khác.
Ngành, nghề “làm chui” thường những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, khi mà thương nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nhưng vẫn muốn kinh doanh. Họ cần một vỏ bọc pháp lý để duy trì tư cách pháp nhân, tổ chức, tạo sự tín nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp dạng này có thể cần đến hóa đơn trong một số giao dịch ở những ngành nghề đã đăng ký, nhằm phục vụ cho việc kê khai với cơ quan nhà nước, bảo đảm tình trạng pháp lý của doanh nghiệp mình. Và đó là khi họ cần mua hóa đơn, dù là với giá cao.
Dẫu vậy, mua hóa đơn thật sự chỉ là giải pháp đối phó tức thời, mà không giải quyết được thực trạng của doanh nghiệp. Ấy là chưa kể đến rủi ro “mất cả chì lẫn chài”: vừa bị khui ra việc kinh doanh chui, lại còn bị phát hiện mua hóa đơn – vừa mất tiền mua, tiền phạt lại còn tội chồng thêm tội.
Thứ nhất, cần biết rằng mua bán hóa đơn là một hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo số lượng hóa đơn bất hợp pháp được sử dụng hay số hóa đơn được sử dụng bất hợp pháp mà doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Nếu thực hiện mua bán hóa đơn số lượng lớn, thì doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể là:
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Thứ hai, xét từ góc độ kiểm soát, mua bán hóa đơn không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Vốn dĩ đây là hành vi vi phạm pháp luật, nên không lấy gì làm đảm bảo rằng các bên tham gia sẽ giữ đúng cam kết, đặc biệt là bên đã “dám” bán hóa đơn.
Bên bán khống hóa đơn có thể ngưng hoạt động, bỏ trốn, bị kiểm tra, bị bắt, bị phạt bất cứ lúc nào mà bên mua không có cách nào bảo đảm được rằng khi đó mình đã đạt được mục đích.
Và cũng cần biết rằng, các doanh nghiệp có dấu hiệu buôn bán hóa đơn hoặc có dấu hiệu rủi ro hóa đơn luôn nằm trong vòng đối tượng “quan tâm đặc biệt” của cơ quan thuế.
Thứ ba, xét từ góc độ lợi ích, quy trình thanh toán khi mua bán hóa đơn cho những giao dịch có giá trị trên 20 triệu đồng thường là bên mua sẽ chuyển khoản cho bên bán, sau đó bên bán sẽ rút tiền ra và trả lại tiền cho bên mua, sau khi đã trích % theo thỏa thuận. Từ đó, muôn vàn rủi ro có thể phát sinh, đơn cử:
- Bên bán vòi tiền bên mua, vì khi đã chấp nhận mua hóa đơn, chuyển tiền, bên mua đã rơi vào thế bị động;
- Bên bán hóa đơn ôm tiền bỏ trốn mà không trả lại tiền cho bên mua;
- Giao dịch chuyển khoản rồi rút ngay trong thời gian ngắn là đối tượng “đáng ngờ” đối với cơ quan thuế và có thể doanh nghiệp sẽ phải giải trình đối với giao dịch này;
Nếu không giải trình được, doanh nghiệp có thể phải chịu xử phạt vi phạm hành chính hay trách nhiệm hình sự như đã đề cập ở trên.
Mua bán hóa đơn, lợi ích chưa kịp thấy nhưng đã phải đối diện với hàng loạt rủi ro và nguy cơ, thì có đáng để doanh nghiệp “liều mình” thực hiện không?
Quỳnh Như