Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc nào? – Thái Sang (Tuyên Quang).
>> 18 đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc năm 2023
>> Điều kiện về độ tuổi lái xe để được bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc
Căn cứ Điều 28 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:
(i) Khi xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tổn thất đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
(ii) Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm) trừ đi mức giảm trừ bảo hiểm quy định tại đoạn (iii) Mục 1 này.
(iii) Giảm trừ tối đa 20% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.
Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn mới nhất (còn hiệu lực) |
Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ Điều 29 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bao gồm các tài liệu sau:
(i) Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.
(ii) Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
(iii) Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an có thẩm quyền tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (bản sao).
(iv) Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.
(v) Văn bản kết luận hoặc thông báo về nguyên nhân vụ cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao) hoặc các bằng chứng chứng minh nguyên nhân vụ cháy, nổ.
(vi) Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.
Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại đoạn (i), (ii), (iii), (v), (vi) Mục này. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu quy định tại đoạn (iv) Mục này.
Căn cứ Điều 24 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc được quy định như sau:
- Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
- Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:
+ Đối với nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
+ Đối với các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm): Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.
Điều 23. Đối tượng bảo hiểm - Nghị định 67/2023/NĐ-CP 1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm: a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị. b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). 2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm. |