Được biết vừa có quy định mới về mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. Mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp từ năm 2024 được quy định như thế nào? – Thanh Tâm (Gia Lai).
>> Mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền với giống cây trồng 2023
>> Yếu tố cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng 2023
Ngày 16/10/2023, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo quy định khoản 1 Điều 4 Thông tư 263/2016/TT-BTC (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 31/2020/TT-BTC) thì:
Mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia có quy định về mức phí sở hữu công nghiệp khác với Thông tư 263/2016/TT-BTC (trừ phí riêng đối với đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư Madrid có chỉ định Việt Nam quy định tại điểm 6.4 mục B Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC) thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản sửa đổi, hướng dẫn đang có hiệu lực thi hành |
Mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp từ năm 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Phí, lệ phí quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 263/2016/TT-BTC được thu bằng đồng Việt Nam, trừ trường hợp thu phí thông qua Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) được thu bằng Franc Thụy Sỹ (CHF) trên cơ sở quy đổi mức thu bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái chính thức của Liên hợp quốc.
Theo quy định khoản 3 Điều 4 Thông tư 263/2016/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư 74/2022/TT-BTC) thì đối với phí thu qua Văn phòng quốc tế của WIPO: Phí được chuyển khoản vào tài khoản của tổ chức thu phí mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng Việt Nam.
Cụ thể tại Điều 3 Thông tư 63/2023/TT-BTC (có hiệu lực ngày 01/12/2023) bổ sung khoản 4 vào Điều 4 Thông tư 263/2016/TT-BTC như sau:
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (gồm nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; cấp Văn bằng bảo hộ, cấp chứng nhận đăng ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; duy trì, gia hạn, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, công bố, đăng bạ đại diện sở hữu công nghiệp) theo hình thức trực tuyến:
- Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức thu lệ phí quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
- Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Mục A Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC.
Theo quy định tại Điều 100 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung bởi khoản 32 Điều 1 Luật số 07/2022/QH15 thì yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp như sau:
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các tài liệu sau đây:
+ Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
+ Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định;
+ Giấy uỷ quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
+ Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen
+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.
- Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:
+ Giấy uỷ quyền;
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
+ Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.
- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm:
+ Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
+ Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.