Từ ngày 01/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề có còn được trả lương cao hơn ít nhất 7% lương tối thiểu không?
>> Tổng Liên đoàn Lao động hướng dẫn về số giờ làm thêm
>> Những lưu ý khi người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau mà nhiều doanh nghiệp vẫn còn vướng mắc khi áp dụng Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Nhằm giúp Quý Doanh nghiệp hiểu rõ để thực hiện đúng quy định của pháp luật, Luật sư Phạm Thanh Hữu - THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã giải đáp những vướng mắc này. Cụ thể như sau:
Thắc mắc 1. Hiện tại, mức lương cơ bản trong hợp đồng lao động giữa công ty tôi (trụ sở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) với nhân viên đã qua đào tạo nghề là 4.730.000 đồng. Vậy từ ngày 01/7/2022 Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực, công ty có bắt buộc phải điều chỉnh tăng lương cho người lao động hay không?
Giải đáp: Căn cứ khoản 1 Điều 3 và Phụ lục kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng tại huyện Bình Chánh từ ngày 01/7/2022 là 4.680.000 đồng/tháng. Mức lương của người lao động tại công ty bạn đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng mới nên công ty không bắt buộc phải tăng lương cho người lao động.
Thắc mắc 2. Nghị định 38/2022/NĐ-CP, có bắt buộc trả lương cho người đã qua đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng hay không?
Giải đáp: Nghị định 38/2022/NĐ-CP, không còn bắt buộc trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác nếu có thỏa thuận mức lương của người đã qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% thì công ty phải tiếp tục thực hiện (trừ trường hợp các bên thỏa thuận lại).
Thắc mắc 3. Từ ngày 01/7/2022, khi xây dựng thang lương, bảng lương thì khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề là bao nhiêu %?
Giải đáp: Từ ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 không còn quy định Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương mà để hai bên tự thương lượng, quyết định, trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động.
Do đó, tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, Chính phủ chỉ quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn. Với các mức lương khác cao hơn, như lao động đã qua đào tạo nghề thì do hai bên thỏa thuận với nhau.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề nhau là bao nhiêu % mà do người sử dụng lao động tự quyết định nhằm phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Trên đây là bài viết về Luật sư giải đáp thắc mắc khi áp dụng mức lương tối thiểu từ 01/7/2022? Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Căn cứ pháp lý