Kết luận 127-KL/TW quy định sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có quy định lộ trình làm đề án hệ thống Viện kiểm sát theo định hướng không tổ chức cấp huyện
>> Lộ trình xây dựng đề án về hệ thống Tòa án ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện
>> Chú ý thể lệ Cuộc thi trực tuyến Tự hào Việt Nam 2025
Lộ trình xây dựng đề án về hệ thống Viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện được xác định rõ trong Kết luận 127-KL/TW, với các mốc thời gian cụ thể như sau:
- Chủ trì thực hiện: Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Nội dung công việc:
+ Nghiên cứu mô hình hệ thống Viện kiểm sát theo hướng không tổ chức cấp huyện, đảm bảo tính thống nhất, tinh gọn và hiệu quả hoạt động.
+ Đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy hiện tại, xác định những vướng mắc khi chuyển đổi mô hình.
+ Đề xuất phương án tổ chức mới, bao gồm cơ chế hoạt động, phân công thẩm quyền, nhân sự và cơ sở vật chất.
+ Hoàn thiện báo cáo đề xuất gửi Bộ Chính trị xin chủ trương trước ngày 09/3/2025.
- Sau khi có chủ trương từ Bộ Chính trị, đề án sẽ được hoàn thiện và gửi lấy ý kiến trước ngày 12/3/2025 các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan, cụ thể:
+ Các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương.
+ Các cơ quan, tổ chức, ban Đảng Trung ương.
- Tiếp thu, điều chỉnh đề án:
+ Tổng hợp, phân tích ý kiến góp ý.
+ Điều chỉnh nội dung đề án để đảm bảo tính thực tiễn và khả thi.
+ Hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27/3/2025.
- Sau khi có ý kiến chính thức từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến của các cơ quan, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục hoàn thiện đề án, tờ trình.
- Trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 07/4/2025.
Lộ trình xây dựng đề án về hệ thống Viện kiểm sát ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo Điều 49, Điều 57 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 thì thẩm quyền giải thể Viện kiểm sát nhân dân được quy định như sau:
- Đối với giải thể Viện kiểm sát nhân dân: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải thể Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
- Đối với giải thể Viện kiểm sát quân sự: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực
Khi thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có các quyền hạn và nhiệm vụ được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp;
b) Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp;
c) Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm;
d) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp;
đ) Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;
e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.