Hiện nay, pháp luật quy định về tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) như thế nào? – Thanh Thư (Quảng Ninh).
>> Hướng dẫn tài khoản 353 (quỹ khen thưởng, phúc lợi) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2)
>> Hướng dẫn tài khoản 353 (quỹ khen thưởng, phúc lợi) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 177/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 149/2016/NĐ-CP), quỹ bình ổn giá được quy định như sau:
- Quỹ bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP và chỉ được sử dụng quỹ để bình ổn giá cho hàng hóa, dịch vụ đó.
Trường hợp cần thay đổi, bổ sung mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan trình Chính phủ xem xét, quyết định.
- Quỹ bình ổn giá được lập từ các nguồn theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Giá 2012.
- Mức trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá được xác định căn cứ vào đặc thù sản xuất kinh doanh của mặt hàng được lập quỹ, bảo đảm yêu cầu sử dụng quỹ bình ổn giá linh hoạt phù hợp với biến động giá thị trường.
- Việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá phải thực hiện các quy định về trích lập, sử dụng, quản lý quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với từng hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 177/2013/NĐ-CP.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, nguyên tắc kế toán của tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) được quy định như sau:
- Tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) dùng để phản ánh tình hình biến động và giá trị Quỹ bình ổn giá tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp được phép trích lập Quỹ bình ổn giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuỳ theo từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp được chủ động bổ sung thêm vào tên của Quỹ này phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình, ví dụ như Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
- Doanh nghiệp phải trích lập, sử dụng và quyết toán Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chỉ sử dụng tài khoản tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) nếu pháp luật yêu cầu trích lập Quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
- Quỹ bình ổn giá khi trích lập được tính vào giá vốn hàng bán, khi sử dụng Quỹ cho mục đích bình ổn giá, doanh nghiệp được ghi giảm giá vốn hàng bán.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) được quy định như sau:
- Bên Nợ: Số quỹ bình ổn giá đã sử dụng.
- Bên Có: Số trích lập quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
- Số dư bên Có: Số quỹ bình ổn giá hiện còn của doanh nghiệp cuối kỳ.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 65 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, phương pháp kế toán quỹ bình ổn giá của tài khoản 357 (quỹ bình ổn giá) được quy định như sau:
- Khi trích lập Quỹ bình ổn giá, ghi:
+ Nợ tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán.
+ Có tài khoản 357 - Quỹ bình ổn giá.
- Khi sử dụng Quỹ bình ổn giá, ghi:
+ Nợ tài khoản 357 - Quỹ bình ổn giá.
+ Có tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán.