Nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 121 (chứng khoán kinh doanh) áp dụng trong doanh nghiệp được quy định như thế nào? – Kim Châu (Quảng Ninh).
>> Hướng dẫn tài khoản 113 (tiền đang chuyển) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC
>> Nguyên tắc lập báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 2023
Căn cứ tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 200/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 53/2016/TT-BTC) quy định nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 121 (chứng khoán kinh doanh) áp dụng trong doanh nghiệp như sau:
Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật nắm giữ vì mục đích kinh doanh (kể cả chứng khoán có thời gian đáo hạn trên 12 tháng mua vào, bán ra để kiếm lời). Chứng khoán kinh doanh bao gồm:
- Cổ phiếu, trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán.
- Các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác.
Tài khoản này không phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, như: Các khoản cho vay theo khế ước giữa 2 bên, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, thương phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu,...nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Hướng dẫn tài khoản 121 (chứng khoán kinh doanh) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Chứng khoán kinh doanh phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng. Giá gốc của chứng khoán kinh doanh được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh. Thời điểm ghi nhận các khoản chứng khoán kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có quyền sở hữu, cụ thể như sau:
- Chứng khoán niêm yết được ghi nhận tại thời điểm khớp lệnh (T+0).
- Chứng khoán chưa niêm yết được ghi nhận tại thời điểm chính thức có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thị trường của chứng khoán kinh doanh bị giảm xuống thấp hơn giá gốc, kế toán được lập dự phòng giảm giá.
Doanh nghiệp phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh. Khoản cổ tức được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư được ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Khi nhà đầu tư nhận được thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để phát hành thêm cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần.
Riêng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc kế toán khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu thực hiện theo các quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Mọi trường hợp hoán đổi cổ phiếu đều phải xác định giá trị cổ phiếu theo giá trị hợp lý tại ngày trao đổi. Việc xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu được thực hiện như sau:
- Đối với cổ phiếu của công ty niêm yết, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa niêm yết trên thị trường chứng khoán tại ngày trao đổi. Trường hợp tại ngày trao đổi thị trường chứng khoán không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết được giao dịch trên sàn UPCOM, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá giao dịch đóng cửa trên sàn UPCOM tại ngày trao đổi. Trường hợp ngày trao đổi sàn UPCOM không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết khác, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá do các bên thỏa thuận theo hợp đồng hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm trao đổi.
Kế toán phải mở sổ chi tiết để theo dõi chi tiết từng loại chứng khoán kinh doanh mà doanh nghiệp đang nắm giữ (theo từng loại chứng khoán; theo từng đối tượng, mệnh giá, giá mua thực tế, từng loại nguyên tệ sử dụng để đầu tư…).
Khi thanh lý, nhượng bán chứng khoán kinh doanh (tính theo từng loại chứng khoán), giá vốn của chứng khoán kinh doanh được xác định theo một trong các phương pháp nhập trước xuất trước hoặc bình quân gia quyền.
Doanh nghiệp phải áp dụng nhất quán phương pháp đã chọn để tính giá vốn của chứng khoán kinh doanh trong năm tài chính. Trường hợp thay đổi phương pháp tính giá vốn của chứng khoán kinh doanh, doanh nghiệp phải trình bày và thuyết minh theo quy định của chuẩn mực kế toán.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 121 được quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 200/2014/TT-BTC như sau:
- Bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh mua vào.
- Bên Có: Giá trị ghi sổ chứng khoán kinh doanh khi bán.
- Số dư bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 121 (chứng khoán kinh doanh), có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1211 (cổ phiếu): Phản ánh tình hình mua, bán cổ phiếu với mục đích nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1212 (trái phiếu): Phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại trái phiếu nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1218 (chứng khoán và công cụ tài chính khác): Phản ánh tình hình mua, bán các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác theo quy định của pháp luật để kiếm lời, như chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, thương phiếu… Tài khoản này còn phản ánh cả tình hình mua, bán các loại giấy tờ có giá khác như thương phiếu, hối phiếu để bán kiếm lời.
Quý khách hàng xem tiếp >> Hướng dẫn tài khoản 121 (chứng khoán kinh doanh) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2)