Hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 15/02/2023 có gì mới? – Thị Tâm (Đồng Nai).
>> Điểm mới về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội với người nhiễm Covid-19
>> Điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội năm 2023
Từ ngày 15/02/2023, hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và cách ghi nội dung giấy tờ chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện theo Thông tư 18/2022/TT-BYT. Cụ thể như sau:
Giấy ra viện theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Đối với trường hợp có chuyển viện trong quá trình điều trị thì có thêm bản sao hợp lệ giấy chuyển viện.
Đối với trường hợp người bệnh tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải cấp giấy ra viện. Việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng thời gian người bệnh điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi tử vong được căn cứ vào thời gian ghi trên giấy báo tử theo quy định tại Thông tư 24/2020/TT-BYT ngày 28/12/2020 của Bộ Y tế quy định về phiếu chẩn đoán nguyên nhân tử vong, cấp giấy báo tử và thống kê tử vong tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hình thức cấp chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 15/02/2023 (Ảnh minh họa)
Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT.
Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Mẫu và cách ghi giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 18/2022/TT-BYT được thực hiện như sau:
- Việc ghi ngày bắt đầu nghỉ từ ngày người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh.
- Việc ghi ngày tại mục ngày, tháng, năm trên phần chữ ký của người hành nghề trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện như sau:
+ Ghi theo ngày, tháng người bệnh kết thúc khám bệnh, chữa bệnh.
+ Ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát hành giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đề nghị thực hiện cấp lại theo quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BYT.
- Trường hợp cấp lại thì phải thể hiện nội dung từ “CẤP LẠI” trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Việc ghi mã bệnh, tên bệnh dài ngày trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
Trường hợp mã bệnh ghi trong giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện trùng khớp với mã bệnh quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT nhưng tên bệnh không trùng khớp với tên bệnh quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT thì thực hiện giải quyết bệnh dài ngày theo mã bệnh quy định tại Thông tư 46/2016/TT-BYT.
Điều 1. Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày – Thông tư 46/2016/TT-BYT ... 3. Mã bệnh và tên bệnh trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày: a) Các bệnh trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được gán mã bệnh theo Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) có mã bệnh 3 và 4 ký tự (gồm số và chữ). Các bệnh có mã 4 ký tự thuộc nhóm bệnh có mã bệnh 3 ký tự. Ví dụ: Gan xơ hóa và xơ gan có mã bệnh là K74, bao gồm: - Gan xơ hóa, mã bệnh: K74.0 - Gan xơ cứng, mã bệnh: K74.1 - Gan xơ hóa với gan xơ cứng, mã bệnh: K74.2 - Xơ gan mật tiên phát, mã bệnh: K74.3 - Xơ gan mật thứ phát, mã bệnh: K74.4 - Xơ gan khác và không đặc hiệu, mã bệnh: K74.5 - Xơ gan khác và không đặc hiệu: K74.6 b) Một số bệnh chưa được gán mã bệnh theo phân loại quốc tế bệnh tật (ICD-10) thì thống nhất xác định tên theo chẩn đoán bệnh. Ví dụ: Nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc hoặc Viêm tụy tự miễn thì xác định tên theo chẩn đoán bệnh là Nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc hoặc Viêm tụy tự miễn. |