Tiếp nối phần “DN dễ mắc các sai phạm sau đây trong lĩnh vực lao động (phần 1)”, PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trân trọng gửi đến quý thành viên những hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực lao động mà Doanh nghiệp gặp phải sau đây:
>> 20 điều kiêng kỵ khi sử dụng lao động
>> Từ 2018, DN chịu 03 tác động lớn từ việc tăng lương tối thiểu
Quý thành viên có thể xem lại "DN dễ mắc các sai phạm sau đây trong lĩnh vực lao động (phần 1)".
8. Giao kết HĐLĐ sai quy định
Bao gồm các hành vi như:
- Không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng;
- Không giao kết đúng loại HĐLĐ với NLĐ;
- Giao kết HĐLĐ không đầy đủ các nội dung chủ yếu của HĐLĐ;
- Giao kết HĐLĐ trong trường hợp thuê NLĐ làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.
Theo đó, mức tiền phạt từ 1.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 301 NLĐ trở lên.
Để thực hiện công việc trên theo đúng quy định pháp luật, mời tham khảo: “Giao kết hợp đồng lao động trong công ty”
9. Vi phạm quy định về thực hiện HĐLĐ
NSDLĐ dễ mắc phải các sai phạm sau:
- Bố trí NLĐ làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật lao động;
- Không nhận lại NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, trừ trường hợp NSDLĐ và NLĐ có thỏa thuận khác;
- Chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của NLĐ theo quy định của pháp luật.
Theo đó, NSDLĐ sẽ chịu mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; đồng thời, buộc trả lương cho NLĐ trong những ngày không nhận NLĐ trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, sẽ ban hành mức phạt tiền từ tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức lao động.
(Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự kiến bắt đầu có hiệu lực thi hành trong năm 2018).
10. Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định
Theo đó, NSDLĐ có hành vi thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động thì bị mức phạt tiền cao nhất đến 25.000.000 đồng.
Để thực hiện công việc trên theo đúng quy định pháp luật, mời tham khảo: “Sắp xếp thời giờ làm việc bình thường”.
11. Không thống kê, báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật
Mức phạt cao nhất lên đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm dưới đây:
- Không bảo đảm điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nhà xưởng theo quy định;
- Không định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng theo quy định;
- Không có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc hoặc có nhưng không đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc …
Để thực hiện công việc trên theo đúng quy định pháp luật, mời tham khảo:
- Hồ sơ giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Trách nhiệm tài chính của doanh nghiệp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
12. Không tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động
Theo đó, NSDLĐ có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 đến 301 người trở lên.
Để thực hiện công việc trên theo đúng quy định pháp luật, mời tham khảo: “Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong Công ty”.
13. Không gửi thỏa ước lao động tập thể đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh
Hành vi trên cùng với hành vi: không công bố nội dung của thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho người lao động biết; hay không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Để thực hiện công việc trên theo đúng quy định pháp luật, mời tham khảo: “Xây dựng và thông báo Thỏa ước lao động của doanh nghiệp”.
Kiều Nga