Tôi nghe nói, Dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP có đề xuất bổ sung hướng dẫn xử lý hóa đơn đã lập trong một số trường hợp. Vậy nội dung cụ thể là gì? – Thu Hoa (Cần Thơ).
>> Đề xuất sửa đổi quy định về “Thời điểm khai thuế với hóa đơn điện tử”
>> Đề xuất sửa đổi quy định về trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử
Chính phủ vừa qua đã ban hành Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Theo đó, khoản 13 Điều 1 của Dự thảo đề xuất bổ sung khoản 6 vào Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã lập trong một số trường hợp. Cụ thể như sau:
Đối với các hóa đơn điện tử đã lập khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không có sai sót nhưng khi thanh toán thực tế hoặc khi quyết toán có sự thay đổi về giá trị, khối lượng thì người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn đã lập.
Đối với các hóa đơn điện tử bị lập trùng cho cùng một giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập bị trùng theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo).
Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành (đang còn hiệu lực) |
Đề xuất bổ sung quy định hướng dẫn xử lý hóa đơn đã lập trong một số trường hợp (Ảnh minh họa)
Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ sau đó phát sinh việc huỷ hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo).
Trường hợp thu tiền trong khi cung cấp dịch vụ sau đó phát sinh hủy một phần việc cung cấp dịch vụ thì người bán xử lý hóa đơn như sau: thực hiện lập hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo).
Xử lý hóa đơn điện tử đã lập trong trường hợp trả lại hàng hoá:
(i) Trường hợp người mua trả lại toàn bộ hàng hóa thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo).
(ii) Trường hợp người mua trả lại một phần hàng hoá thì người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử điều chỉnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo).
(iii) Trường hợp hàng hoá là tài sản thuộc diện phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật và tài sản đã được đăng ký theo tên người mua thì khi trả lại hàng hoá, nếu người mua là đối tượng sử dụng hoá đơn điện tử thì người mua thực hiện lập hoá đơn trả lại hàng cho người bán.
Đối với các trường hợp (i), (ii) và (iii); người bán, người mua phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc trả lại hàng hoá và phải xuất trình khi được yêu cầu.
Trường hợp tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán đã lập hóa đơn thu phí dịch vụ thanh toán thẻ sau đó phát sinh giao dịch hoàn phí dịch vụ thanh toán thẻ cho đơn vị chấp nhận thẻ thì tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được đề xuất xửa đổi theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Dự thảo), trên hóa đơn điều chỉnh không cần có thông tin "Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số...ký hiệu....ngày....tháng...năm.
Đối với trường hợp cung cấp dịch vụ viễn thông mà khách hàng sử dụng thẻ cào dịch vụ viễn thông trả trước để thanh toán cho cước dịch vụ trả sau, nhắn tin ủng hộ từ thiện, các dịch vụ viễn thông khác và khi bán thẻ cào, hoàn thành cung cấp dịch vụ doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện lập hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định, thì doanh nghiệp viễn thông căn cứ vào dữ liệu trên bảng kê hoặc biên bản làm việc với đối tác, khách hàng để thực hiện lập hóa đơn điều chỉnh.