PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục trình bày quy định về Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán qua bài viết sau đây:
>> Quy định về nộp hồ sơ, trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai từ 20/5/2023
Căn cứ theo Phụ lục 01 Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam Chuẩn mực kiểm toán số 530 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC, hướng dẫn đoạn A8 Chuẩn mực kiểm toán 530:
Khi xem xét các tính chất của tổng thể được lấy mẫu, kiểm toán viên có thể quyết định sử dụng phương pháp phân nhóm hoặc lựa chọn thiên về các phần tử có giá trị lớn. Phụ lục 01 của Chuẩn mực kiểm toán số 530 hướng dẫn kiểm toán viên khi sử dụng kỹ thuật phân nhóm và kỹ thuật lựa chọn thiên về các phần tử có giá trị lớn.
- Hiệu quả của cuộc kiểm toán có thể tăng lên nếu kiểm toán viên phân nhóm một tổng thể bằng cách chia tổng thể thành các nhóm riêng biệt có cùng tính chất. Mục tiêu của việc phân nhóm là làm giảm tính biến động của các phần tử trong mỗi nhóm và do đó cho phép giảm cỡ mẫu mà không làm tăng rủi ro lấy mẫu.
- Khi tiến hành kiểm tra chi tiết, tổng thể thường được phân nhóm theo giá trị. Điều này giúp kiểm toán viên tập trung hơn vào các phần tử có giá trị lớn vì những phần tử này có khả năng sai sót nhiều nhất do giá trị ghi sổ kế toán bị phản ánh cao hơn giá trị thực tế. Tương tự, một tổng thể có thể được phân nhóm theo một tính chất cụ thể cho thấy mức độ rủi ro có sai sót cao hơn, ví dụ khi kiểm tra dự phòng nợ phải thu khó đòi trong quá trình đánh giá các khoản phải thu, kiểm toán viên có thể phân nhóm các số dư theo tuổi nợ.
- Kết quả của các thủ tục kiểm toán áp dụng cho một mẫu chứa các phần tử trong một nhóm chỉ có thể được dự tính cho các phần tử tạo nên nhóm đó. Để đưa ra kết luận về toàn bộ tổng thể, kiểm toán viên cần xem xét rủi ro có sai sót trọng yếu của các nhóm khác tạo nên tổng thể. Ví dụ 20% số phần tử trong một tổng thể có thể chiếm 90% giá trị của một số dư tài khoản. Kiểm toán viên có thể quyết định kiểm tra một mẫu các phần tử này. Kiểm toán viên đánh giá kết quả của mẫu này và đi đến kết luận về 90% giá trị độc lập với 10% còn lại (có thể lấy thêm một mẫu trên 10% còn lại này hoặc sử dụng các phương pháp khác để thu thập bằng chứng kiểm toán, hoặc có thể coi 10% còn lại này là không trọng yếu).
- Nếu một nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản được chia thành các nhóm, sai sót sẽ được dự tính riêng cho từng nhóm. Khi xem xét ảnh hưởng có thể có của các sai sót đối với toàn bộ nhóm giao dịch hoặc số dư tài khoản, kiểm toán viên cần tổng hợp lại các sai sót dự tính cho mỗi nhóm.
Toàn văn File Word Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán năm 2023 |
Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 6) (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Khi tiến hành kiểm tra chi tiết, việc xác định đơn vị lấy mẫu là các đơn vị tiền tệ riêng lẻ cấu thành tổng thể sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Sau khi đã lựa chọn các đơn vị tiền tệ cụ thể từ tổng thể, kiểm toán viên có thể kiểm tra các phần tử có chứa các đơn vị tiền tệ đó (ví dụ đối với tổng thể là số dư các khoản phải thu, kiểm toán viên có thể kiểm tra các số dư riêng lẻ trong tổng thể đó). Một lợi ích của phương pháp xác định đơn vị lấy mẫu này là kiểm toán viên sẽ tập trung vào các phần tử có giá trị lớn vì những phần tử này có cơ hội được lựa chọn cao hơn, và có thể thu nhỏ cỡ mẫu. Phương pháp này có thể được sử dụng kết hợp với phương pháp chọn mẫu theo hệ thống (xem Phụ lục 04 của Chuẩn mực kiểm toán số 530 ban hành kèm theo Thông tư 214/2012/TT-BTC) và có hiệu quả nhất khi sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để chọn các phần tử.
Quý khách hàng xem tiếp tục >> Chuẩn mực kiểm toán số 530: Lấy mẫu kiểm toán (Phần 7).