Từ ngày 25/3/2024, chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ NLĐ khu công nghệ cao được quy định như thế nào? Tôi muốn biết để tiện phục vụ công việc! – Khánh Trâm (Đà Nẵng).
>> Tin vui cho doanh nghiệp: Thủ tục cho vay sẽ thuận lợi, thông thoáng hơn
>> Điểm mới về cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 25/3/2024
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 10/2024/NĐ-CP, chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao áp dụng kể từ ngày 25/3/2024 như sau:
(i) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch khu nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội liền kề hoặc xung quanh khu công nghệ cao, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, để phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao đồng thời với việc xác định phương án phát triển khu công nghệ cao khi lập quy hoạch tỉnh và đảm bảo việc đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu, tiến độ xây dựng khu công nghệ cao.
(ii) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình hạ tầng xã hội.
Các công trình hạ tầng xã hội bao gồm công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, cây xanh và khu vui chơi giải trí sử dụng vào mục đích công cộng (trừ khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề có mật độ xây dựng các công trình kiến trúc gộp trên 5%) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc bằng các nguồn vốn xã hội hóa, vốn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
(iii) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao.
(iv) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
(v) Đối tượng được thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao (việc mua, thuê mua nhà ở chỉ thực hiện đối với khu nhà ở xây dựng ngoài ranh giới khu công nghệ cao) bao gồm:
- Tổ chức là nhà đầu tư và cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghệ cao được thuê nhà ở trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao.
- Người lao động làm việc trong Ban quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với các nhà đầu tư tại khu công nghệ cao được ưu tiên xét mua nhà ở.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Chính sách phát triển hạ tầng xã hội phục vụ NLĐ khu công nghệ cao từ 25/3/2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Hệ thống công trình hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao là hệ thống công trình hạ tầng xã hội theo quy định của pháp luật xây dựng, bao gồm các công trình giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, cây xanh, công viên, thương mại, dịch vụ, dịch vụ lưu trú và khu nhà ở (nằm ngoài ranh giới khu công nghệ cao) phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao.
(Căn cứ khoản 4 Điều 2 Nghị định 10/2024/NĐ-CP).
Căn cứ Điều 40 Nghị định 10/2024/NĐ-CP, kể từ ngày 25/3/2024, nội dung quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao bao gồm:
(i) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện phương hướng xây dựng khu công nghệ cao trong quy hoạch vùng, phương án phát triển khu công nghệ cao trong quy hoạch tỉnh và kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghệ cao.
(ii) Ban hành, hướng dẫn, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến các hoạt động thành lập, đầu tư, quy hoạch xây dựng, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, khoa học và công nghệ, lao động, an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy và các hoạt động của khu công nghệ cao; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghệ cao.
(iii) Tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện các thủ tục hành chính và các dịch vụ hỗ trợ có liên quan đến hoạt động công nghệ cao, đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong khu công nghệ cao.
(iv) Tổ chức giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đánh giá các mặt hoạt động, hiệu quả đầu tư của khu công nghệ cao; cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh; giải quyết khiếu nại, tố cáo và khen thưởng trong quá trình hình thành và phát triển khu công nghệ cao.
(v) Tổ chức thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu công nghệ cao; hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về công nghệ cao, khu công nghệ cao.
(vi) Tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghệ cao.