Năm 2024, điểm mới về cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam là gì? Có sự thay đổi gì trong thủ tục so với năm 2023? – Loan Phương (TP. Hồ Chí Minh).
>> Chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ Mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024
>> Chính sách mới bắt đầu có hiệu lực từ Mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương 2017 về một số biện pháp phát triển ngoại thương. Theo đó, quy định về cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ ngày 25/3/2024 như sau:
Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan cấp Giấy phép) nơi dự kiến đặt trụ sở của Văn phòng đại diện để đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP thì tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài gửi 01 hồ sơ đến Bộ Công Thương để đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
File Word các Luật nổi bật và văn bản hướng dẫn thi hành (còn hiệu lực) |
Điểm mới về cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ 25/3/2024 (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bao gồm:
(i) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 28/2018/NĐ-CP do đại diện có thẩm quyền của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài ký.
(ii) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cho phép tổ chức xúc tiến thương mại thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc văn bản, tài liệu chứng minh về quyền thành lập Văn phòng đại diện tại nước ngoài của tổ chức.
(iii) Bản sao Giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.
(iv) Bản sao Điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.
(v) Điều lệ hoặc quy chế hoạt động dự kiến của Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
(vi) Báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong 01 năm gần nhất.
(vii) Văn bản bổ nhiệm và lý lịch của người đứng đầu, lý lịch của các nhân sự thuộc Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
(viii) Các loại tài liệu nêu tại các khoản (ii), (iii), (iv), (v), (vi), (vii) Mục này phải được dịch ra tiếng Việt; các tài liệu nêu tại khoản (ii), (iii), (iv), (vii) phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được lựa chọn một trong các cách thức gửi hồ sơ sau:
(i) Gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan cấp Giấy phép.
(ii) Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép. Người nộp hồ sơ phải có giấy giới thiệu hoặc ủy quyền của tổ chức được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
(iii) Nộp trực tuyến các thành phần hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Đây là nội dung mới được quy định tại Nghị định 14/2024/NĐ-CP.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép xem xét, cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 14/2024/NĐ-CP, trường hợp không cấp, cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong trường hợp phải xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quy định tại Mục 8 bài viết này thì thời hạn giải quyết là 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Hiện nay, theo quy định khoản 4 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP thì trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép xem xét và cấp cho tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 28/2018/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, cơ quan cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của giấy phép thành lập hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài trong trường hợp pháp luật của nước mà tổ chức đó thành lập có quy định thời hạn giấy phép thành lập.
Các trường hợp sau đây sẽ không được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện:
(i) Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài không đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 28/2018/NĐ-CP.
(ii) Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện trong thời gian 02 năm kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 28/2018/NĐ-CP.
(iii) Có dấu hiệu, bằng chứng cho thấy tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thành lập Văn phòng đại diện để tổ chức thực hiện hoặc tham gia hoặc tài trợ cho các hoạt động gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Hiện nay, nội dung này thực hiện theo điểm c khoản 6 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP, trường hợp “có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường” sẽ không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
(iv) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện không đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP.
(v) Các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc danh sách bị áp dụng các biện pháp trừng phạt theo các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Sau khi cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản điện tử của Giấy phép tới Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc, các cơ quan cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở, bao gồm: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp Giấy phép.
Trước ngày 25/3/2024, vẫn áp dụng quy định tại Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP, sau khi cấp Giấy phép thành lập, cơ quan cấp Giấy phép gửi bản sao Giấy phép tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Sở Công Thương, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan công an cấp tỉnh nơi Văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Trường hợp hoạt động của Văn phòng đại diện có liên quan đến xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng, cơ quan cấp Giấy phép báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 14 ngày kể từ ngày nhận được văn bản.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 8 Điều 26 Nghị định 28/2018/NĐ-CP thì trường hợp hoạt động của Văn phòng đại diện có liên quan đến việc xúc tiến thương mại cho hàng hóa, dịch vụ chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng, Bộ Công Thương thống nhất ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trước khi cấp Giấy phép.