Kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Vậy kiểu dáng công nghiệp là gì? Những vấn đề nào cần lưu ý khi đăng ký bảo hộ đối tượng này?
>> Tìm hiểu về bảo hộ bí mật kinh doanh
Theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009:“Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”
Ví dụ: Hình dáng bên ngoài của chiếc điện thoại hoặc hình dáng thể hiện của bao bì của một sản phẩm sẽ được xem là kiểu dáng công nghiệp.
Hình ảnh minh họa
Theo quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì chỉ những tổ chức, cá nhân sau mới có quyền đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:
- Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình;
- Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;
- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Lưu ý: Người có quyền đăng ký nêu trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Một kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải có tính mới. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Hai kiểu dáng công nghiệp KHÔNG được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về: đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.
Kiểu dáng công nghiệp được coi là CHƯA bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.
Lưu ý: Kiểu dáng công nghiệp KHÔNG bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:
- Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 công bố dưới dạng báo cáo khoa học;
- Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải có tính sáng tạo. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là KHÔNG có tính sáng tạo khi thuộc các trường hợp sau:
- Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng...);
- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật... hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elip, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên...) đã được biết rộng rãi;
- Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới;
- Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy...).
Nếu không thuộc các trường hợp nói trên, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo.
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải có khả năng áp dụng công nghệ. Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký bảo hộ được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể dùng kiểu dáng công nghiệp đó làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.
Đối tượng nêu trong đơn bị coi là KHÔNG có khả năng áp dụng công nghiệp:
- Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng...);
- Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn;
- Các trường hợp với lý do xác đáng khác.
Ví dụ: Để tạo ra những hình dạng bắt mắt cho ly cà phê Cappuccino như hình dưới đây, người pha chế phải có trí óc sáng tạo, biết các di chuyển dòng sữa, cách cầm tách, điều chỉnh độ cao thấp, nông sâu để tạo nhiều nét to hoặc nhỏ, dài hay mỏng. Mỗi ly cà phê sẽ là một sản phẩm khác nhau, khó mà tạo ra một hình dáng như hình dáng đã được tạo ra trước đó bằng cùng một phương pháp pha chế. Vì thế, hình dáng của sản phẩm chất lỏng này có trạng thái tồn tại không cố định nên không có khả năng áp dụng công nghiệp, không đáp ứng được điều kiện để được bảo hộ kiểu dáng công nghi
Hình ảnh minh họa
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
- Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Mời quý thành viên xem chi tiết tại bài viết: Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009;
Quý thành viên hãy theo dõi chúng tôi để nhận thêm nhiều tin tức: